Dân bô rác Sài Gòn

02/01/2018 - 09:34

PNO - Người Sài Gòn ai cũng biết, mọi thứ dù có phú quý, quyền lực, rực rỡ, hoành tráng mấy chăng nữa rồi cũng có lúc phải kêu bán ve chai.

Trước nay vẫn vậy: những thị dân bị số phận dồn đến đường cùng thường tìm đến nghề đổ rác thuê, lượm ve chai để kiếm sống - vẫn là một nghề lương thiện trong rất nhiều việc mưu sinh lương thiện của cư dân mảnh đất này.

Dân quanh các bô rác được người đời gọi là "dân sở rác" - một cách gọi để phân biệt với dân làm nghề ở sở vườn, sở thú, sở cảnh sát…

Dan bo rac Sai Gon
Các bô rác ở Sài Gòn vẫn là nơi nuôi sống nhiều phận đời thị dân khốn khó - Ảnh: Duy Nguyễn

Những năm gần đây, nội thành Sài Gòn không còn những bô chứa rác lớn với cảnh xe xúc, xe rác phun khói đen ầm ì và người lượm ve chai thay nhau bươi, móc suốt ngày đêm.

Số rác thải ra hằng ngày của khu vực trung tâm thành phố được công nhân vệ sinh, cùng những người làm nghề đổ rác thuê đưa đến trạm trung chuyển vào một giờ hẹn trước và được các xe chuyên dụng "ăn rác" chở ngay ra ngoại thành.

Từ phương thức xử lý rác mới này, những địa danh như Thuận Kiều, Sở Vườn, Nguyễn Tri Phương, Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thiện Thuật… ít còn thấy bóng dáng dân sở rác nữa. Một ít người trong số họ đã bỏ được cái nghề lượm rác “truyền thống” khốn cùng, nhưng phần lớn dân sở rác vẫn đeo đuổi nghề đổ rác thuê, lượm ve chai “gia truyền”. 

“Anh coi, như đứa nhỏ đó, tội nghiệt gì mà mới đẻ đã bị vứt vô bô rác. Bởi vậy, tôi thấy con người sống được là may rồi, làm nghề gì mà chẳng được, cầu kỳ đòi hỏi làm chi”.

Cô Hiền - người đổ rác thuê

Ông Huân, dân sở rác, ở bô rác Sở Vườn trên đường Trần Quốc Toản, nay là đường Ba Tháng Hai, nói: “Nghề của tụi tui làm gì có chuyện nghỉ hưu. Nói thiệt chớ, hễ rề vô đống rác là thấy tiền; hôi hám, dơ dáy mấy cũng kệ”.

Cây que móc bọc và chuyện của ông Huân

Từ bé, ông Huân đã theo mẹ, cầm que móc bọc ở bô rác. Trước đây, nơi mẹ con ông kiếm sống là bô rác Thuận Kiều, bô rác chợ Nguyễn Tri Phương và bô rác Sở Vườn ở gần ngã ba đường Trần Quốc Toản (cũ) - Lý Nam Đế.

Ông kể: “Tôi năm nay 47 tuổi, tức là đã có bốn chục năm trong nghề. Kể cả thằng đã lên tới chủ vựa ve chai, không thằng nào làm rác qua mặt được tôi”.

Như để chứng minh cho bề dày kinh nghiệm của mình, ông cầm gói thuốc lá tôi đang để trên bàn cà phê, nói: “Nếu ở thời bao cấp, một cái vỏ bao thuốc sẽ không bỏ một cái gì: người ta thu hết từ miếng giấy bạc bên trong cho tới cái bao giấy kiếng bên ngoài, về bán lại cho những người làm thuốc lá tổ hợp. Còn bây giờ, giấy kiếng người ta không thu nữa vì bọn làm thuốc lá giả không xài, nhưng giấy vỏ bao và giấy bạc lúc nào cũng hút hàng”.

Người đàn ông, trừ những chỗ có quần áo che phần thân, phần còn lại của cơ thể - từ mặt mũi cho tới bàn chân - đều bị nước rác cặn chảy ra từ bô rác nhuộm nâu đen, kể: “Bảy tuổi, tui theo bà già làm nghề ở bô rác Sở Vườn, tới xe rác quân đội muốn vô đổ tui còn dám hét: Đây là bô rác tư, về bô rác quân đội mà đổ! Làm bộ vậy chớ mấy ổng cho ít tiền là xong”.

Ông cho biết, tùy loại rác, có thứ người ta đến tận nơi thu mỗi ngày, có thứ chứa lại đôi ba ngày xe rác mới thu một lần. Theo ông, thời bây giờ, thứ rẻ nhất trong “ngành hàng” bao - giấy là ba cái túi xốp (túi ni-lông), bất kể túi xốp ấy đựng thứ rác gì, cứ lượm về, cắt banh ra, nhúng nước giặt sơ, phơi khô rồi cân cho vựa. Chủ vựa sẽ bán lại mớ túi ấy cho chủ hãng túi xốp tái sinh. Vậy là lại có túi mới xài, vừa rẻ lại vừa tiện trăm bề. 

Biết chúng tôi có ý ái ngại về sự độc hại của túi xốp được tái sinh nhiều lần, ông Huân cười: “Bộ mấy ông cho rằng ba cái cuộn giấy tái sinh để chùi chén, chùi muỗng ở các quán ăn sạch lắm sao? Ối trời, tui thấy có mấy cha lấy chùi miệng, chùi mắt mà tức cười. Ba cái giấy đó được tái sinh từ giấy gói hầm bà lằng của tụi tui lượm đó”.

Dan bo rac Sai Gon

Quan niệm cho rằng: có sao đâu, độc hại một chút cũng đâu có chết ngay mà sợ đã khiến nhiều người dễ dãi chấp nhận, rồi không ngó ngàng gì tới những tiêu chuẩn an toàn, ai muốn làm gì thì làm. 

Ngay cả chúng tôi, khi bước vào tiệm hay quán ăn bình dân, đâu biết được lúc nào mình đã gắp bỏ vào miệng rồi gật gù với một miếng “đặc sản” thịt chó, thịt mèo, thịt gà… chết lượm ra từ các bô rác.

Ông Huân cười hì hì, nói: “Sáng sáng mà cái que móc được chó hay gà chết là coi như bữa đó trúng, chiều có tiền nhậu. Xác con gì bỏ vô bô rác cũng xài được hết. Chỉ cần nhắn một tiếng là có mối đến thu liền. Chết cứng, chết xanh gì họ cũng có cách làm cho tươi rói hết chú ơi! Cũng bởi có người thu mua nên mình mới ham. Tui cũng biết làm vậy là mang tội nên hồi đầu đâu dám làm, nhưng riết thành quen, cũng không nghĩ gì nữa”.

Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đều biết chuyện giấy, bao tái sinh lượm từ bãi rác, nhưng xài thì vẫn cứ xài, miễn khuất mắt thì thôi.

Mấy nén nhang và chuyện cô Hiền

Trước khi bị giải tỏa, cô Hiền có một căn nhà sàn ở gần cầu Ông Lớn, bến Trần Văn Kiểu. Bây giờ, cô về thuê nhà ở chợ Rạch Cát. Ngôi nhà sàn trước đây và ngôi nhà thuê của cô hiện nay có một điểm chung dễ nhận biết là trước cửa, trên nóc nhà phơi đầy vỏ quýt, vỏ cam, sầu riêng.

Cô không cho chúng tôi chụp hình, vì cho rằng chụp hình là làm xấu cô. Cô nói: “Người ta đã là dân sở rác, có gì mà chụp. Đừng làm người ta tự ái”.

Cô cho biết ba cái thứ vỏ quýt, vỏ cam kia là “hàng” cô lượm từ bãi rác, phơi khô rồi đem đi cân. Cô cười, giải thích: “Người ta đâu đi lượm rác để sắm vàng, nhưng mỗi thứ kiếm một chút mới sống nổi. Ở bô rác, không có gì bỏ hết. Hồi chưa có sầu riêng Thái Lan hột lép, tới mùa sầu riêng, lượm về một đống hột vầy nè (cô khuỳnh tay như chiếc nia), có người tới thu về, luộc, rồi đem bán cho con nít ăn”.

Cô Hiền cũng sinh trưởng trong một gia đình làm nghề đổ rác thuê. Năm nay cô đã ngoài 30 tuổi, dù khá duyên dáng, vẫn bị chồng bỏ. May mà cô sinh được một đứa con gái. Cô bé tuổi lên 10 này được mẹ cho tiếp tục học lên lớp Sáu, nhưng ngày ngày, ngoài giờ học, vẫn phụ mẹ “cai quản” số ve chai trong nhà. Bàn tay học trò của cô bé đang thoăn thoắt trở số cơm cặn, bún thiu, bánh mì thừa đang phơi ngoài sân.

Số cơm thừa này, thời bao cấp, người ta thu mua để làm lương khô, còn ngày nay thì bán làm thức ăn gia súc. Chúng tôi bạo miệng hỏi cô Hiền: “Cô nghĩ gì nếu sau này cháu nó “nối nghiệp” cô?”. Cô đáp: “Nó biết chữ mà đi đổ rác mướn, lượm ve chai cũng kỳ. Xin vô làm công nhân sở vệ sinh coi được hơn”.

Rồi đột nhiên, như chợt nhớ lại, Hiền kể: “Hồi mang bầu nó, tôi mới 21 tuổi. Bữa đó thấy trong đống rác có cái giỏ nhựa đi chợ, tôi mừng húm, lôi ra để lấy cái giỏ, ai dè lòi ra xác một đứa con nít mới sinh. Tôi sợ đến xanh mặt. Mấy người lớn tuổi bày mua rượu phun, rồi bóp tay bóp chân cho nó thẳng thớm, sau đó mua nhang, đèn về cúng. Khách qua đường thấy vậy cũng có người vô thắp nhang trước khi đứa nhỏ đó được chính quyền đưa đi chôn. Coi như nó cũng có cái đám ma”.

Từ giã cô Hiền, chúng tôi đi về phía cầu Chà Và, một đoàn xe ve chai sáu, bảy chiếc đang xếp hàng xuống dốc. Ai sống ở các khu lao động Sài Gòn, mỗi chiều đều có dịp chứng kiến cảnh diễu hành của các xe mua ve chai trên đường về cân hàng cho chủ vựa.

Tất nhiên, người Sài Gòn ai cũng biết, mọi thứ dù có phú quý, quyền lực, rực rỡ, hoành tráng mấy chăng nữa rồi cũng có lúc phải kêu bán ve chai. Kính trọng hoàn cảnh cơ cực của người đổ rác thuê, mua, lượm ve chai là kính trọng cái nghề giúp mỗi người Việt Nam chúng ta giải quyết vô số các loại rác trên đời. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.