Bò nuôi tại một vùng đất của Gia Lai cho sản lượng sữa tương đương ở Mỹ

16/04/2024 - 18:12

PNO - Mỗi năm Việt Nam phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu sữa nên nhu cầu phát triển nguồn nguyên liệu sữa ngay trong nước theo các chuyên gia là rất cần thiết.

Tại tọa đàm, giáo sư tiến sĩ Bùi Chí Bửu (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) cho biết, hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam chỉ mới đáp ứng được 42% nhu cầu sữa trong nước. Mỗi năm, chúng ta phải chi đến 1 tỉ USD để nhập nguyên liệu nước ngoài.

Việc ngành sữa thiếu hụt nguồn cung bắt nguồn từ các vấn đề trang trại bò sữa. Đầu tiên là diện tích trồng cỏ chưa đủ đáp ứng. 5 tỉnh Tây Nguyên đang dần trở thành trung tâm chăn nuôi gia súc của cả nước, nhưng đồng cỏ không cung cấp đủ dinh dưỡng, nhất là vào mùa khô.

Thứ hai là thức ăn thô xanh và phụ phẩm nông nghiệp cho bò ăn chưa được đầu tư. Hiện nước ta chỉ mới có hơn 50.000 ha trồng ngô sinh khối, năng suất chỉ 120 tấn/ha/năm, chiếm tỉ lệ rất thấp trên diện tích gieo trồng cả nước, trong khi để đủ thức ăn thô xanh cho đàn gia súc thì cần phải trồng 1 triệu ha với năng suất khoảng 55 triệu tấn. Thứ ba là nguồn giống bò sữa chưa tiếp cận được công nghệ di truyền mới.

Quang cảnh buổi toạ đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tiến sĩ Bùi Chí Bửu cho rằng, để tăng tính tự chủ nguyên liệu sữa, cần giải quyết 3 vấn đề trên, trong đó yếu tố quyết định là giống bò sữa. Hiện nay kỹ thuật gieo tinh nhân tạo ở Việt Nam quá phổ biến, nông dân cũng làm được, dẫn đến kém hiệu quả, cả vòng đời con bò chỉ sinh được 4-6 con bê. Trong khi các nước áp dụng phương pháp cấy phôi bò sữa cao sản, mỗi con bò có thể sinh 100 con bê. Do đó, để tăng năng suất sữa, cần quan tâm nuôi cấy phôi bò sữa cao sản.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đứng trong top 10 của thế giới, tuy nhiên đến nay người nuôi gà, nuôi heo đều thua lỗ, chỉ nghề nuôi bò sữa còn có lợi nhuận do Việt Nam còn thiếu sữa tươi rất nhiều.

Hiện sản lượng sữa Việt Nam đạt 1,17 triệu tấn. Mục tiêu đến năm 2025 đạt từ 1,7 - 1,8 triệu tấn, tổng đàn bò sữa đạt từ 650.000 - 700.000 con, trong đó khoảng 60% số bò sữa được nuôi tại các trang trại. Nhu cầu bức thiết là phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, các tỉnh Tây Nguyên, cụ thể là Gia Lai có đủ điều kiện thiên thời, địa lợi để đầu tư phát triển chuồng trại, trồng cỏ thâm canh. Một số doanh nghiệp phát triển trang trại bò sữa tại Gia Lai cho năng suất 40 lít/ngày, ngang bằng với bò sữa nuôi tại Mỹ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - khẳng định sẽ ủng hộ và cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa. Theo ông, các loại trái cây như sầu riêng, bơ, chuối trồng tại Gia Lai ngon và có giá trị cao hơn các địa phương khác. Nếu chăn nuôi bò sữa tại đây thì bò cũng ngủ ngon và nhiều sữa hơn. Thiên thời địa lợi có đủ, quan trọng nhất là doanh nghiệp cần quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát hàm lượng kháng sinh trong sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh, nâng tầng sản phẩm sữa, bảo vệ người tiêu dùng nội địa và tiến ra biển lớn.

Ông Trần Bảo Minh, phó chủ tịch Công ty Nutifood Việt Nam cho hay, Nutifood đã đầu tư trang trại bò sữa tại Mang Yang từ nhiều năm nay do nhận thấy đây là vùng đất sạch, không khí trong lành, quanh năm mát mẻ… rất phù hợp để chăn nuôi bò sữa. Công ty cũng sử dụng con giống được nhập từ Mỹ, áp dụng công nghệ vào quá trình chăn nuôi… Đã có con bò cho tới 40 lít sữa mỗi ngày, mức tương đương chăn nuôi tại Mỹ. Chất lượng sữa cũng vượt trội.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI