Bản lưu trữ sự sống

28/01/2017 - 06:00

PNO - Những cán bộ Hội lại chung lòng chung sức cùng Thành phố, xếp những phần quà, dán những bao lì xì, gói ghém hết vào trong ấy là tình cảm, là sự sẻ chia, là trao gửi một lối sống, vì người, cho người.

1.

*  “Khu vực nhà trọ của tui có mức nước yếu do xài chung đường ống cấp nước với khu công nghiệp Hiệp Phước, tội tụi nhỏ đi làm về mệt, còn thức canh khoảng hai, ba giờ sáng để hứng từng xô nước; bữa nào tăng ca, không hứng được, coi như không có nước xài, chạy đi xin từng ca, thấy thương tụi nó vô cùng” - là một trong nhiều “bản báo cáo” sống động tại buổi giao lưu, tuyên dương các Nữ chủ nhà trọ do Hội LHPN TP HCM tổ chức vào cuối năm 2016.

Ban luu tru su song
 

Lạ là ở một buổi tuyên dương nhưng các dì, các chị hầu như không ai “đọc” thành tích, chẳng mấy dòng liệt kê về kết quả; cái cách họ bức xúc “cho tụi nhỏ” - là sinh viên, là công nhân, là lao động nhập cư…- những kiến nghị giản lược thủ tục hành chính về điện, nước, tạm trú hay nguồn vốn hỗ trợ để họ mạnh dạn sửa sang, đầu tư nhà trọ, cốt là để công nhân, người lao động - dẫu trọ đỡ trên đường mưu sinh thì đó cũng là nhà, đất khách hẳn sẽ là quê, đã là sự ghi nhận về trách nhiệm cộng đồng, một chữ tình san sẻ sớm hôm.

Một buổi tuyên dương “nữ chủ nhà trọ” nhưng hiện diện toàn cảnh không gian lại là làm sao để nâng cao chất lượng sống của các “khách thuê”, để cuối cùng, giữa “chủ” và “khách” gần như là một; mọi hoạt động tuyên truyền, vận động hay chủ động kết nối của tổ chức Hội Phụ nữ với các sở ngành tại địa bàn dân cư là để phục vụ “khách” lẫn “chủ” bằng những phương thức, kỹ năng, dịch vụ tiện ích, giản đơn và hiệu quả nhất.

Nhịp sống Hội đang từng ngày bươn mình như thế!

*  Đã có gần 4.000 lượt người viếng thăm Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành kể từ ngày 23 tháng Chín năm 2016 - khánh thành công trình Nhà tưởng niệm - giai đoạn II. Cũng là bấy nhiêu nén nhang tưởng vọng lẫn ánh mắt ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn cái gia sản còn lại của má, mấy cái chén, dĩa sứt mẻ, cây đèn dầu măng xông đã thức cùng má những đêm đào hầm, khóc tiễn từng đứa con, đứa cháu ra đi vì đất nước, quê hương…

Ban luu tru su song
 

Để góp ý cho đề cương tác phẩm Người mẹ Đất thép, chúng tôi ngược về Phước Hiệp, đi tìm, lắng nghe, lần đọc, ngoài những câu chuyện đậm ký ức, cũng chỉ rải rác đâu đó có mấy dòng về má Tám, dằng dặc là con số 8, tên của các anh cùng hai người cháu của má trên những tài liệu, bảng khắc. Chữ nghĩa vô tình, chữ nghĩa không lưu dấu những đoạn đời thăng trầm của má hay đức hy sinh cao cả, sức chịu đựng can trường của một con người, chữ nghĩa này không thể ghi chép nổi.

Trưa hôm ấy, tình cờ, tôi nghe được mẫu chuyện, do một người dân trong ấp kể, năm 1976, chỉ sau khi Thành phố được giải phóng một năm tròn, ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã về Trại Đèn, thăm má Tám Rành. Nhìn thấy căn nhà bốn bề lộng gió, trống trước hở sau, ông đã chỉ đạo xây cất ngay một căn nhà khang trang cho má Tám. Đó cũng chính là căn nhà tình nghĩa đầu tiên trên vùng đất thép Củ Chi.

Lòng biết ơn, thái độ sống có trước có sau, hẳn sẽ lấp dần cái vô tình của sử liệu, để viết tiếp bài học đạo lý nhân nghĩa mà cháu con của má nguyện một lòng ghi khắc.

Ban luu tru su song
 

Một tuần sau ngày khánh thành, chúng tôi lại trở về Trại Đèn, thắp nén nhang lên bàn thờ má; có tiếng người lao xao, qua họ, tôi nghe được câu chuyện về người em gái của má Nguyễn Thị Rành. Bà là Nguyễn Thị Rảnh,  Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có năm người con hy sinh, hiện đang sống tại xã Phước Hiệp. Nỗi mừng vui vì bất ngờ tìm được sợi dây thâm tình của má nhưng không khỏi xót đau khi thêm một bờ vai trĩu nặng gánh hy sinh.

Tôi bước thấp bước cao ra vườn, nắng ở trên đầu nhưng không hề gắt bởi đất dưới chân tôi dìu dịu, đất sẽ kể cho chúng tôi nghe những huyền thoại từ đất, từ những người mẹ anh hùng, bất tử…

2.

Những ngày chuẩn bị cho kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021, giữa ngổn ngang công việc, từng chị em chia nhánh để chạy đua cho kịp tiến độ, chỉ riêng câu chuyện tìm chọn hình ảnh để phục vụ cho triển lãm Lan tỏa yêu thương - cộng đồng trách nhiệm là tất cả đều cùng ngồi lại, người trước kể cho người sau, người mới đi tìm “địa chỉ” của hình, của mỗi nhân vật mà đằng sau họ là cả một hành trình gắn bó thiết thân với Hội, làm nên sức sống của Hội cho đến ngày hôm nay.

Tấm hình của người phụ nữ có gương mặt hiền dịu, bà ghé vai, cúi xuống, che chở mấy gương mặt trẻ thơ đang mừng vui nhận những suất học bổng, cái công việc bà đang làm như đã từng làm trong suốt hơn hai mươi năm qua - người ký quyết định thành lập Quỹ học bổng mang tên bí thư xứ ủy Nam Kỳ, Nguyễn Thị Minh Khai. Đó cũng là tâm nguyện và là sự hài lòng nhỏ bé mà bà cảm thấy với chức phận Chủ tịch Hội LHPN của mình. Bà là Đoàn Lê Hương.

Ban luu tru su song
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh

Khi Học bổng này bước qua tuổi 26, tôi lục tìm mớ hồ sơ liên quan và nhận thấy, 25 năm một hành trình tiếp sức các con em cán bộ, hội viên, phụ nữ đến trường mà chỉ vỏn vẹn trong xấp giấy vàng ố. Những dòng đánh máy thưa thớt, đơn sơ ghi lại hoàn cảnh, mục tiêu ra đời và sự vận động trong toàn hệ thống Hội cơ sở để chăm lo việc học hành cho con em cán bộ hội viên, cho trẻ em gái…

Đâu ai thử hình dung nếu không có cái học bổng nhân văn này, đường đến trường của bao trẻ em gái sẽ gập ghềnh, khúc khuỷu, mọi ước mơ hay khát vọng đổi đời đóng sập. Những rao giảng về nữ quyền hay tính ưu việt thể chế liệu chừng thuyết phục được bao nhiêu khi cái cơ hội nhỏ nhoi và chính đáng nhất - được học hành - bị tước mất.

Học bổng là nhịp cầu tri thức nhưng chữ nghĩa có mấy khi lưu lại.

Tôi đành chắc lưỡi…

Nhiều khi muốn tìm muốn đọc muốn hiểu thêm về những năm tháng Hội đã lớn lên, đã nhọc nhằn, đã “quăng” mình vào cuộc sống để đồng hành cùng chị em, cùng phong trào của giới như thế nào. Đọc để không vô tình, không tự mãn, để biết những thành quả hôm nay đã dựng xây trên cái nền vững chãi và bền bỉ của những con người tận tụy, tháo vát, đầy đặn tri thức mà trọn vẹn nghĩa tình.

Khi cảm giác bất lực trước những mớ lưu trữ mỏng manh, khiêm tốn chuyển dần sang sự ray rứt, chúng tôi ước sao mình trở thành những nghệ nhân điền dã, đi tìm, đi gặp những chứng nhân của Hội, ngồi thật lâu, lắng nghe thật sâu để hiểu và ghi chép, để tìm thấy những bài học sống động trong công tác gầy dựng, tập hợp và phát triển phong trào phụ nữ. Sức mạnh của các loại hình tập hợp giới, khởi đi từ những suy nghĩ bé nhỏ thôi mà thiết thân, cụ thể, bởi cái rốt cùng là nó phục vụ người dân một cách sát sườn nhất.

Và mỗi ngày đi qua cùng Hội, tôi lại nhận ra, bản thân cuộc sống này, bản thân những mô hình, những chương trình hoạt động, những cuộc vận động đều khắp các cấp cơ sở Hội đã là những bản lưu trữ đầy sức sống, đôi khi ta bỏ sót hay ta vụng về ghi chép thì sự sống đã lan tỏa đi mọi nơi, để mỗi ngày, những cơ hội của chị em, của giới nữ được mở ra, được đón nhận, được chọn lựa, được tự quyết định cho chính cuộc đời và hạnh phúc mang tên mình.

3.

Khép lại hai ngày Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021, những mục tiêu, ý chí, nguyện vọng của giới, của hội viên được “quy nạp” thành văn kiện, thành những chỉ tiêu cụ thể; và giờ đây, đang “diễn dịch” thành nhiều đầu việc, nhiều chương trình hành động để làm sao, phong trào Hội ngày càng lan tỏa rộng, xa; ngày một thấm sâu trong mỗi ngõ ngách, ngôi nhà, góp phần thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng và bình quyền của phụ nữ.

Ban luu tru su song
 

Trong dòng chảy vượt thác của Thành phố thân yêu, lực lượng phụ nữ đã và đang nuôi dưỡng, thúc giục và vươn lên phía trước bằng chính sức mạnh mềm, dẻo dai, uyển chuyển, hài hòa trong mọi mục tiêu, phương thức hành động của mình.

Những ngày cuối năm, bao giờ cũng hối hả. Những đồng vốn Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế vừa được trao để chuẩn bị cho một năm sinh kế. Vốn của Hội, tuy không lớn nhưng  không chỉ giúp thoát nghèo mà là mở ra cánh cửa học nghề, học cách tính toán, hoạch định công ăn việc làm, quỹ tiêu dùng gia đình - bước đi gần và vững chắc để người phụ nữ làm chủ cuộc đời, cùng chung vai xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình.

Để giảm bớt các thủ tục hành chính, nhẹ gánh phần nào công tác sổ sách đối với cán bộ Hội cơ sở, cũng là cách để các chị còn thời gian cho công tác đi thực tế, nắm bắt sâu sát hơn đời sống hội viên, những đầu tàu Hội ở cấp quận, huyện đang nhanh chóng cập nhật các phương tiện kỹ thuật, chuyển tải thông tin Hội, thực hiện các chế độ kiểm tra, đánh giá, báo cáo hoạt động Hội chính xác, nhanh, gọn, hiệu quả.

Tôi  ghé qua Tân Phú, “dự giờ” lớp học vi tính, mới thấy các học viên ai nấy rộn ràng và háo hức, khấp khởi bởi niềm vui được tìm tòi, khám phá những thông tin, những hiểu biết bốn phương. Tôi về Cần Giờ, ra xã đảo, nước tứ bề mà sóng…wifi vẫn gợn, những bản tin, những hoạt động Hội được các cán bộ Hội cập nhật trên những tiện ích của công nghệ, từ facebook, viber cho đến lưu trữ đám mây icloud…

Công nghệ “đuổi” theo những bước chân thầm lặng mang tên Hội Phụ nữ hay những cán bộ Hội tận tụy, nhiệt thành, năng động ấy đang tận dụng mọi phương tiện văn minh để gầy dựng, để tập hợp, để phát triển phong trào phụ nữ, để biểu thị sức mạnh giới trước hết do chính phụ nữ tạo nên. Con đường đi đến sự bình đẳng, không ai khác, chính phụ nữ sẽ vẽ ra cho mình.

Tết đang đến thật gần, đến từ cái se lạnh heo may, chợt nghĩ tới những người neo đơn, khốn khó; đến từ những khấp khởi chờ mong bao lì xì, thưởng tết, chợt nghĩ về bao công nhân không đủ điều kiện về quê sum vầy… Để rồi, những cán bộ Hội lại chung lòng chung sức cùng Thành phố, xếp những phần quà, dán những bao lì xì, gói ghém hết vào trong ấy là tình cảm, là sự sẻ chia, là trao gửi một lối sống, vì người, cho người.

Hội “lưu trữ” sự sống bằng hành trình lặng lẽ như thế...

Tô Thị Bích Châu

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI