30 năm chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai: Giữa cánh đồng yêu thương

25/09/2020 - 06:33

PNO - Qua ba thập niên, học bổng đã thắp sáng ước mơ của hàng ngàn thế hệ học sinh, sinh viên thành phố, tiếp sức cho các em vững bước đến trường. Giá trị học bổng tuy còn khiêm tốn nhưng là nguồn động viên lớn với các em và gia đình các em.

Sáng 27/9 tới đây, Hội LHPN TP.HCM sẽ trao 180 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai năm học 2020-2021 cho những học sinh, sinh viên vượt khó học tốt. Giá trị học bổng tuy còn khiêm tốn nhưng là nguồn động viên lớn với các em và gia đình các em. 

“BA MẸ ƠI, ĐỪNG TUYỆT VỌNG”

Năm 2012, Bùi Mai Thùy Linh, ở P.Tân Thuận Tây, Q.7, mới 10 tuổi, đã ôm choàng lấy cha mẹ trấn an: “Ba mẹ ơi, đừng tuyệt vọng, cả nhà mình sẽ cùng vượt qua”. Chị Mai Thị Liên, mẹ Linh, kể: đó là thời điểm gia đình rơi vào khủng hoảng khi ba Linh - anh Bùi Quốc Tuân - được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Năm ấy, anh Tuân 39 tuổi, đang làm công nhân Công ty May Nhà Bè, còn chị Linh 37 tuổi, buôn thúng bán bưng. Căn nhà cũ mái tôn, vách ván xiêu vẹo, ngập và dột triền miên, hai vợ chồng vừa đánh liều vay mượn sửa sang cho tươm tất rồi tích cóp trả dần. Thế nhưng bệnh tật khiến mọi tính toán như con tàu chệch khỏi đường ray. 

Em Bùi Mai Thùy Linh phụ mẹ nấu xôi vò bán mỗi ngày
Em Bùi Mai Thùy Linh phụ mẹ nấu xôi vò bán mỗi ngày

Để có tiền lo viện phí, chị Liên vừa chăm chồng, vừa duy trì việc nấu xôi đi bán mỗi buổi sáng, phụ bán quán từ 10-15g và nhận sửa chữa quần áo, giữ trẻ, làm tạp vụ theo giờ. Mới 10 tuổi, Linh đã tự lo ăn uống, đạp xe đi học, chăm sóc và hướng dẫn em gái cùng học. Hơn thế, cứ 4g sáng mỗi ngày cô bé lại thức dậy phụ mẹ gói xôi. Tối đến lại cặm cụi giúp mẹ cắt chỉ quần áo.

Những năm học cấp III, đến mùa hè, Linh lại xin đi phục vụ trong các nhà hàng. Dù phải vật lộn với cuộc sống nhưng Linh vẫn giữ thành tích học tập khá giỏi suốt nhiều năm qua và đang đặt mục tiêu vào học ngành logistics hoặc quản lý công nghiệp. Với 24,45 điểm đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, Linh đã nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

May mắn là gần đây, sức khỏe anh Tuân dần hồi phục. Nhắc chuyện xưa, Linh bộc bạch: “Hồi ấy, nhìn ba đau đớn thể xác, em rất sợ mất ba, đi học mà em khóc hoài. Còn mẹ thì quá cực khiến lòng mình nặng trĩu. Em tự nhủ, mình phải chăm chỉ hơn, tự lo cho bản thân để cha mẹ không phải phiền lòng. May mắn là em được các cô bên Hội thương, giới thiệu cho nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai nhiều năm.

Học bổng tuy không đủ trang trải tất cả, nhưng tấm lòng của các Mạnh Thường Quân - những người em không biết mặt, không nghe tên, là nguồn động viên vô giá cho cả nhà em. Nó cho em niềm tin rằng: dù khó khăn đến đâu, nhưng nếu mình quyết tâm vươn lên thì sẽ không đơn độc”. 

BƯỚC CHẬM TRÊN ĐƯỜNG DÀI

“Sao mà giống con trai quá” - mọi người vẫn trêu Trần Thị Mỹ Dung như vậy. Còn Dung, khi bị trêu thì chỉ cười. 18 tuổi nhưng Dung chưa một lần son phấn. Đôi bàn tay thô ráp có thể làm mọi việc như khuân vác, lắp bóng điện, sửa ống nước, lau chùi máy quạt. Dung đã đi qua tuổi thơ cơ cực, thiếu vòng tay che chở của bậc sinh thành. Cha mẹ ly hôn, mỗi người một ngả, nên từ nhỏ Dung đã sống với ông bà ngoại tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú. Nhiều năm sau, mẹ Dung lại mang về giao cho ông bà ngoại một đứa trẻ đỏ hỏn rồi lại đi. Dung trở thành chị, bồng ẵm, dỗ dành, chỉ dạy em.

Mỹ Dung kề cận chăm sóc, hướng dẫn em gái học hành

Rồi ông bà ngoại làm ăn thua lỗ, phải bán nhà. Để đỡ đần ông bà, từ năm lớp Chín, Dung vừa đi học vừa xin một chân lắp ráp quạt máy và tận dụng tối đa giờ rảnh để bươn chải kiếm tiền lo việc học và phụ chợ búa. Ông ngoại sắm xe ba gác nhận chở hàng, còn bà ngoại nhận giữ trẻ nên Dung thạo cả hai việc này. Hễ ông ngoại đi chở hàng thì Dung theo xe phụ khuân vác. Về nhà thì Dung chăm trẻ. Bà Phạm Thị Tuyết, bà ngoại của Dung, đã khóc khi nói về cháu gái: “Dung không bao giờ hỏi tôi về ba mẹ mà chỉ nói con sẽ học đại học, và cũng sẽ lo cho em học đại học để sau này có cái nghề đàng hoàng. Con bé trưởng thành trong suy nghĩ lúc nào tôi cũng chẳng hay”. 

Dung vừa trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh, Trường đại học Tài chính - Marketing. 

LẶNG LẼ ĐÁP ĐỀN

18g ngày 22/9, hòa trong dòng xe trở về nhà, chị Phan Thị Ánh lo lắng, không biết cô con gái nhỏ Phạm Ngọc Hà My đã cơm nước gì chưa hay vẫn đang cặm cụi làm hoa giấy, hộp đựng bút. Đời chị long đong khiến con phải bươn chải quá sớm. 

Năm nay Hà My 16 tuổi, ở P.9, Q.Phú Nhuận, đang học lớp 11 Trường THPT Marie Curie, là một cô gái nhỏ nhắn, năng động và có năng khiếu mỹ thuật. Không chỉ học giỏi, My còn mày mò vẽ tranh khi mới 7-8 tuổi. Ban đầu chỉ là vài nét nguệch ngoạc, về sau những bức tranh màu nước vẽ cỏ cây hoa lá, gia đình sum họp, mái nhà, bến xe, bến nước… của Hà My ngày càng trở nên sắc nét.

Hà My cùng mẹ làm những hộp đựng bút từ vật dụng tái chế, hoa giấy giúp Hội trong công tác tuyên truyền chống rác thải nhựa tại địa phương
Hà My cùng mẹ làm những hộp đựng bút từ vật dụng tái chế, hoa giấy giúp Hội trong công tác tuyên truyền chống rác thải nhựa tại địa phương

My từng đoạt giải nhất cuộc thi “Nét vẽ môi trường xanh” tại phường năm 2013, giải khuyến khích hội thi vẽ tranh “Em và biển đảo quê hương” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức năm 2014. Hai năm nay, My theo các cô bên Hội LHPN P.9 học làm bình hoa, hộp bút, lồng đèn từ giấy báo cũ, que kem và các loại chai nhựa. Những sản phẩm này, một phần em gửi tặng các bé có hoàn cảnh khó khăn, phần khác sẽ được các cô chú ở phường mua ủng hộ. Ngoài ra, Hà My còn thêu và làm tranh đính đá để bán. 

Điều đặc biệt, Hà My không chỉ dùng năng khiếu vào việc kiếm tiền mà từ khi mới vào lớp Một em đã là “gương mặt thân quen” trong các hoạt động Hội tại địa phương. Xuyên suốt hơn 10 năm qua, Hà My đã cùng các cô cán bộ, hội viên phụ nữ P.9 tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, chuẩn bị quà tặng trẻ em nghèo; tham gia thiết thực vào việc bảo vệ môi trường, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ, tuyên truyền về văn hóa giao thông…

Ngày trước, chị Ánh làm công nhân may. Hiện tại, chị ở nhà nhận gia công, sửa chữa quần áo. Từ đầu năm đến nay, do dịch COVID-19, chị chuyển sang đi giúp việc nhà và chạy xe ôm. Nghĩ về học bổng mà con được nhận, chị Ánh nói: “Cái này cũng là quà của Hội tặng cháu. Cháu tâm sự với tôi rằng, Hội giúp nhà mình nhiều quá, không biết chừng nào con mới đáp đền hết được. Cho nên có việc gì phụ được các cô là cháu làm ngay”. 

30 NĂM THẮP SÁNG NHỮNG ƯỚC MƠ

Năm học 2020-2021 đánh dấu cột mốc 30 năm học bổng Nguyễn Thị Minh Khai được các cấp Hội khai sinh và nuôi dưỡng. Ba thập niên qua, học bổng đã thắp sáng ước mơ của hàng ngàn thế hệ học sinh, sinh viên thành phố, tiếp sức cho các em vững bước đến trường.

Cụ thể, Hội đã trao tổng cộng 263.192 suất học bổng, trị giá hơn 179,8 tỷ đồng, trong đó có 6.793 suất dành cho bậc cao đẳng, đại học, 38.956 suất cho bậc THPT, 90.525 suất cho bậc THCS và 126.918 suất cho bậc tiểu học. Không chỉ học bổng, các cấp Hội cùng với gia đình, nhà trường còn dõi theo các em trong suốt quá trình học để kịp thời động viên và có những hỗ trợ thiết thực khác.

Trong khuôn khổ của học bổng, năm 2019, Hội LHPN TP.HCM đã mạnh dạn triển khai thêm dự án khuyến tài “Nâng bước em đi” với việc tặng học bổng toàn phần 4 năm đại học, định mức 18 triệu đồng/năm cho nữ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Giá trị học bổng Nguyễn Thị Minh Khai là sự nối dài những hạt mầm yêu thương - hạt mầm được gieo từ những tấm lòng hảo tâm bình dị và thầm lặng - để rồi chính những em nhận hạt mầm ấy tiếp tục lan tỏa tình yêu thương ra cộng đồng. Nhiều em từng được nhận học bổng, nay đã thành đạt, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đã trở lại góp sức cùng Hội xây dựng quỹ học bổng ngày càng lớn mạnh. 

Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI