Xin đừng hỏi các chị đã làm gì mà bị đánh!

17/04/2025 - 07:26

PNO - Trách nhiệm của mỗi chúng ta chính là cùng cất tiếng nói “Không!”, cùng phản ứng chống lại hành vi bạo lực, xóa bỏ bạo lực.

Nhiều người đặt câu hỏi: “Chắc người vợ đã làm gì mới bị chồng đánh như đấm bao tải vậy?”. Thú thật, tôi bất bình trước hành động vô văn hóa cùng nhân tính của người chồng bao nhiêu thì cũng khó chịu với với câu hỏi này bấy nhiêu.

Hình ảnh từ clip người đàn ông đánh vợ dã man làm dư luận bức xúc những ngày qua

Gần 20 năm gắn với chuyên mục Đường dây khẩn khiến tôi có cái nhìn về câu chuyện bạo lực gia đình này đa chiều. Bất cứ một lời kêu cứu nào nếu nhận được, khi đi xác minh, tôi hay xét nguyên nhân, các yếu tố tác động, những người liên quan và hậu quả của một vụ bạo lực gia đình. Là lên tiếng bênh vực nạn nhân (đa phần là phụ nữ và những đứa trẻ), nhưng các anh chị lãnh đạo luôn dặn tôi phải soi thật kỹ các mối quan hệ nhân quả xung quanh.

Đã không ít lần tôi vướng vào câu hỏi "Không có lửa làm sao có khói?" vì nghề của tôi vốn dĩ luôn phải săm soi từng chi tiết nhỏ. Tôi đã có những cú “vòng xe” cả 20km tới 60km từ trung tâm TPHCM ngược về Cần Giờ hoặc Củ Chi, Bình Chánh... vì một câu hỏi ngoài lề bất chợt của bác tài xế hay của chính mình mà tôi còn chút lấn cấn khi giải đáp.

Có những lá đơn đẫm nước mắt mà tôi phải lật tới, lật lui rồi… gác sang một bên, bởi sự thật khi tiếp cận không như lời kêu cứu. Có người bảo chồng đánh vợ đến nhập viện, nhưng hóa ra trong diễn biến câu chuyện xảy ra trước đó là vợ cùng nhân tình của chị ta thách thức, đổ cả bình nước sôi vào chồng gây bỏng, còn anh chồng vì sĩ diện không ra trình báo. Có người mẹ đánh con rồi đổ tội chồng vì muốn trả đũa việc anh ta ngoại tình…

Nhưng, đó chỉ là những phần nhỏ trong số hàng ngàn cuộc gọi, hàng trăm lá đơn tôi từng tiếp cận, tham gia xác minh, giải cứu nạn nhân - những nạn nhân thật sự của thói bạo hành. Các chị vì một câu nói, hoặc thậm chí không làm gì cả, vẫn bị chồng ra tay bạo lực, mắng chửi. Bởi đó đã là… tính cách, thói quen, sở thích, thú vui của anh ta. Hỏi họ có từng được yêu chiều, chăm sóc không? Xin thưa, đến 99% là có đấy. Là những ngày đầu yêu nhau, những tháng năm mới cưới… Việc bị ăn đòn chỉ đến sau khi đã quen lâu, sau khi vợ hoài thai con không đáp ứng nhu cầu sinh lý của chồng; là khi chồng mất việc, hay thất bại trong làm ăn, lẫn cờ bạc… Là cả khi chẳng vì lý do gì cả, bực trong người là đánh vợ con thôi!

Không có 1 lý do gì chính đáng để bao biện cho hành vi bạo hành.!
Không có 1 lý do gì chính đáng để bao biện cho hành vi bạo hành!

Không thể biện minh rằng người đàn ông ấy đánh vợ vì vợ hỗn với mẹ chồng/ vì vợ ham mê cờ bạc/ vì vợ chưa kịp nấu cơm… Bởi có một sự thật rằng thân thể, uy tín, nhân phẩm của con người là bất khả xâm phạm, cho dù các anh có những lý do (từ lãng nhách đến động trời) nào đi chăng nữa thì anh vẫn luôn luôn và vĩnh viễn không có quyền gây bạo lực.

Vậy, ai đã cho các anh suy nghĩ rồi tự tin mình có quyền này để khi xảy chuyện các anh lại vung nắm đấm, gầm gào, sỉ nhục, chèn ép kinh tế, ép buộc vợ phục vụ chuyện giường chiếu? Đáng buồn, trong một vài trường hợp, đó chính là những người vợ, người chị, người mẹ còn mong cầu sinh con trai, còn mơ để gia tài cho cháu nội, còn vun vén hết thảy cho em trai, anh trai để cha mẹ được vui, rồi chuyện này, chuyện kia thì chỉ có đàn ông mới làm được…

Xin thưa, đó chính là bạn đang tiếp tay nuôi dưỡng mầm mống thói trọng nam kinh nữ, thói gia trưởng, bạo hành của đàn ông.

Từng có những người vợ trong hơn 5, 10 thậm chí 20 năm bị chồng bạo hành cả thể xác, tinh thần, tiền bạc và tình dục mà các chấn thương có thể nhìn thấy bằng mắt là gãy mũi, mất răng, vỡ xương tai… đã đòi kiện ngược những ai lên tiếng để… bênh vực chồng, để không bị ly hôn, không bị đuổi khỏi nhà, không muốn con cái mất cha!

Thưa rằng, khi những suy nghĩ, quan niệm trọng nam khinh nữ còn tồn tại thì vấn nạn bạo hành vẫn tiếp tục xảy ra. Những con sóng ngầm bạo lực gia đình hung dữ đó đã và sẽ nuốt trọn thanh xuân, nhan sắc, sức khỏe lẫn tính mạng của bao người phụ nữ chỉ vì họ là vợ, là người yêu, thậm chí là con, em của người đàn ông bạo lực.

Trách nhiệm của mỗi chúng ta chính là cùng cất tiếng nói “Không!”, cùng phản ứng chống lại hành vi bạo lực, xóa bỏ bạo lực.

Mỗi chúng ta hãy luôn nhắc nhở những chị em phụ nữ quanh mình, cũng như hãy dạy cho các em bé từ rất sớm rằng thân thể, uy tín, danh dự bất kỳ ai cũng quý giá, đáng tôn trọng và không thể xâm phạm dưới bất kỳ hình thức nào! Rằng họ phải biết kêu cứu lẫn tự cứu chính mình khi bị bạo lực. Rằng không cam chịu và hãy tố cáo người gây bạo lực không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của chính nạn nhân trong việc phòng, chống bạo lực.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI