Vợ không muốn kiếm tiền vì 'chỉ thích mới nhích'

03/07/2019 - 12:56

PNO - Vợ mua hoa về cắm, nằm thư thả đọc sách bên cửa sổ ngắm mưa mặc tôi xoay xở cuối tháng khi tiền lương chưa có mà tiền nợ ngân hàng đã đến hạn...

Ngày họp lớp, nghe bạn học khoe chuẩn bị mua xe hơi, tôi có chút chạnh lòng. Bởi xuất phát điểm của vợ chồng cậu ấy và vợ chồng tôi bằng nhau: cùng tuổi, chồng cùng làm chuyên viên cấp sở còn vợ đều là giáo viên, gia đình hai bên không giàu có.

Nhưng rõ ràng giờ họ đã tiến trước chúng tôi đến vài bước. Cậu bạn cũng không ngần ngại thừa nhận, được như thế là nhờ phần nhiều vào sự năng động kiếm tiền của vợ. Để gia đình có cuộc sống sung túc cần phải có sự cố gắng cân bằng trong việc lo kinh tế giữa vợ và chồng, cậu kết luận như vậy.

Vo khong muon kiem tien vi 'chi thich moi nhich'
Vợ tôi chỉ muốn an phận, ngại kiếm tiền dù có thừa khả năng và cơ hội. Ảnh minh họa

Nghĩ đến vợ, dù không muốn so sánh nhưng tôi cũng thoáng buồn. Vợ tôi là giáo viên dạy giỏi có tiếng, hát hay và có khả năng dẫn chương trình thành thạo. Ngày trước, khi chưa cưới, ngoài giờ dạy ở lớp, cô ấy nhận làm thêm ở các sự kiện với mức thù lao khá cao và tranh thủ dạy thêm ở vài trung tâm. Thu nhập hàng tháng từ việc làm thêm cao gấp nhiều lần so với lương cơ bản. Nhờ vậy, cô ấy đã phụ ba mẹ xây nhà, nuôi các em ăn học và tự mình mua xe máy.

Nhưng khi lấy tôi, vợ bỏ hết, phó mặc kinh tế gia đình cho tôi. Với cố gắng của tôi, lo cho vợ con một cuộc sống tạm đủ đã khó, chứ chưa nói đến việc mua nhà sắm xe.

Dù tôi cố gắng tìm việc làm thêm, nhưng thu nhập không đáng kể. Khi vợ sinh con đầu lòng, cuộc sống càng chật vật, vay mượn khắp nơi chúng tôi mới mua được căn chung cư cũ. Từ đó đến giờ, vợ chồng tôi cứ vậy, thậm chí kế hoạch sinh con thứ hai cũng tạm hoãn do sợ không kham nổi chi phí.

Lúc con còn nhỏ, tôi cứ nghĩ vợ muốn dành thời gian cho con nên không nhận việc làm thêm. Đến lúc con đã đi mẫu giáo, thấy bức bách quá, tôi mới mở lời: “Anh sẽ phụ việc nhà, em sắp xếp thời gian tranh thủ làm thêm kiếm đồng ra đồng vào, chứ con càng lớn chi phí càng nhiều mà công việc của anh thu nhập chỉ đến vậy”.

Vợ thoái thác: “Để chờ con lớn hơn tí nữa rồi tính”. Nhưng con vào lớp một, ngoài một buổi dạy trên lớp, vợ ở nhà khá rảnh rỗi vẫn chẳng thấy động chân động tay gì. Nhiều trung tâm mời đến luyện thi, các công ty sự kiện đặt vấn đề làm người dẫn chương trình cuối tuần, vợ đều lắc đầu. Cô ấy nói bây giờ cô chỉ làm những thứ mình thích. Vợ mua hoa về cắm, nằm thư thả đọc sách bên cửa sổ ngắm mưa mặc tôi xoay xở với nợ ngân hàng.

Đối với cô ấy, có tiền thì ăn thịt cá, hết tiền ăn rau dưa cũng được chẳng vấn đề gì. Nhưng tôi lại tính xa hơn, chưa tính đến những việc lớn, gia đình cũng cần có khoản tiền tích lũy để phòng khi ốm đau. Tiền lương tháng nào cũng trả nợ và tiêu sạch tháng đó thì lấy đâu ra dành dụm.

Tôi quá thấm thía cảnh con nhập viện cấp cứu mà hai vợ chồng phải chạy vạy rất khổ. Chưa kể, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, nếu cứ an phận với thu nhập hiện có thì cuộc sống thiếu trước hụt sau là tương lai gần.

Vo khong muon kiem tien vi 'chi thich moi nhich'
Tôi đau đầu xoay xở tiền bạc để lo cho gia đình. Ảnh minh họa

Trong khi đó, vợ chỉ cần nhận dạy một lớp hay làm MC cho một vài chương trình, thu nhập đã bằng cả tháng lương. Thật sự, cha mẹ sống sao cũng được nhưng con không thể lớn lên trong hoàn cảnh muốn ăn gì, sắm gì, học ở đâu tôi cũng phải đắn đo, rất cực.

Tính ra, vợ của cậu bạn không sắc sảo bằng vợ tôi nhưng cô ấy chăm chỉ kiếm tiền. Ngoài giờ dạy, vợ bạn bán hàng online, nhận gia công tranh tại nhà, bao bọc sách vở cho học sinh... Nhờ sự vun vén, phụ giúp kinh tế từ vợ mà cuộc sống gia đình bạn mới ổn như vậy.

Có thể khi chia sẻ suy nghĩ của mình, nhiều người sẽ nghĩ tôi không đáng mặt đàn ông khi không lo được cho vợ con mà còn trách vợ. Nhưng tôi thấy xã hội bây giờ bình đẳng, vợ hay chồng có cơ hội kiếm tiền đều cần phải xông pha chứ không phân biệt.

Cùng một gánh nặng mà được chia đôi sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều. Hiếm gì gia đình, vợ có khả năng thì xông pha làm lụng còn chồng lui về hậu phương hỗ trợ. Thà rằng vợ tôi không có cơ hội và khả năng, đằng này mọi thứ đều có, vợ lại lấy cớ "không thích nên không nhích".

                                                                                                          Lâm Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI