Trên chuyến tàu ấy, tết đã về

31/01/2021 - 05:21

PNO - Kể từ lúc mẹ tôi hối hả chạy theo tiếng còi tàu vang dài thúc giục, đặt chân lên toa tìm ghế, là mẹ đã có tết.

Tết là lên tàu, về nhà

Lúc nhỏ, lần nào nghe tiếng xình xịch của đoàn tàu chạy ngang, tôi đều chạy ra phía sau nhà đứng ngó xuống. Khúc đường ray nơi trũng cách nhà 500 mét cũng là nơi bọn trẻ chúng tôi mỗi chiều tha thẩn nhặt xác mía khô, bỏ vào thúng đội về đốt. Tiếng xình xịch khi ấy gợi lên nhiều viễn cảnh nhưng không có viễn cảnh nào về một ngày cuối năm tôi đứng ngóng đoàn tàu chở mẹ trở về.

 

Từ năm tôi 11 tuổi, cứ tết xong là mẹ đi. Bà nói, cả nhà mình ráng một xíu, mẹ đi xa vài năm, trả xong nợ vay xây căn nhà mẹ sẽ không đi nữa, có cháo ăn cháo có rau ăn rau.

Từ đó, khi gió tháng Chạp thổi về, tôi lại nghe như tiếng đoàn tàu chạy qua ồn ã hơn, xáo động hơn, khiến tôi nhiều xáo trộn hơn. Sau này mẹ kể, mỗi lần tàu vào địa phận huyện là mẹ xin người bên cạnh đổi cho chỗ ngồi sát cửa sổ, nhìn mãi ra phía xa chờ tàu chạy ngang nhà.

Cái cảm giác khi thấy ngôi nhà mình phía gò cao cao, gần dần rồi lại xa dần, thật khó có từ nào tả được. Tàu chạy thêm chục cây số nữa mới vào ga huyện, mẹ một mình vác lỉnh kỉnh bắt xe lam về nhà. Còn tôi, kể từ tháng Chạp, nghe tiếng xình xịch từ xa là dù có đang làm gì cũng chạy ra nhìn, lúc nào cũng thắc thỏm biết đâu có mẹ trên các toa tàu vừa lướt qua đó.

Gần ba chục năm trước phương tiện liên lạc chẳng có mấy, nên ngày mẹ về cũng chỉ là “áng chừng”. Anh em chúng tôi vì thế được “ưu đãi” cái cảm giác mỗi ngày ngủ dậy đều hồi hộp vì biết đâu hôm nay mẹ về. Có lần đang nấu cơm, nghe tiếng tàu, tôi lật đật để lửa đó chạy đi, quay vào thì nồi cơm đã khét tận mặt. 

Ba mươi năm sau tháng ngày đó, những chuyến tàu trong tôi đã mang hình thái khác. Chúng tôi lớn lên, định cư phương Nam, mẹ cũng không còn ở quê nữa. Ở đâu có con cháu, ở đó là nhà của mẹ.

Mẹ nói thế nhưng tự sâu thẳm nào đó, căn nhà thấp nhỏ trên gò cao, trũng phía sau nhà là đường ray xe lửa vẫn là điều mẹ thắc thỏm trong lòng. Mà nào chỉ mẹ. Ba mươi năm sống ở Sài Gòn, chưa bao giờ tôi đặt mình rời được ngôi nhà đó, rời được tết quê. Tết là lên tàu, về nhà. 

“Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu”

Sân ga ngày cuối năm đầy âm thanh và bước chân vội vã, ánh mắt nôn nao. Những chuyến tàu cuối năm cũng hồ hởi “mùi” tết, như người. Bao giờ cũng vậy, mẹ luôn muốn đến sớm hơn giờ khởi hành ít nhất một tiếng. Mẹ bảo, thà đợi lâu một chút nhưng tránh được vội vã, dễ quên cái này sót cái kia.

Người miền Trung là thế, bao giờ cũng lo nhiều hơn mức cần lo. Tàu thường khởi hành lúc 11 giờ nhưng sớm tinh mơ mẹ đã dậy, soạn này gói kia, mở ra đóng vào, dù tối hôm trước hành lý đã xong đâu vào đó. 

Mà mẹ cũng chẳng “đơn độc”. Như mẹ tôi, nhiều người mẹ miền Trung khác tay túi tay giỏ, cũng “thà đến sớm một chút”. Lần nào mẹ đến, sảnh chờ của ga cũng đầy ắp người, hàng ghế dài bóng loáng nằm thảnh thơi mọi khi giờ quá tải, người với hành lý chen kín mặt sàn, tiếng mời mọc vang lên từng góc nhỏ: “Ngồi đây đi chị, mỗi người nép vô một chút. Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu”. 

“Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu”, trên các toa tàu đặc sệt chất giọng miền Trung, câu nói đó như một… khẩu hiệu nhận diện. Chuyến quy hồi rộn rã, dù là một năm “trúng mánh” hay thất bát, ai cũng lỉnh kỉnh hành lý. Đó là giỏ quà bánh mà cơ quan con gái tặng nhân viên ăn tết; kia là thùng đựng nào tấm lịch, nào ký mứt, bịch hạt dưa… mà không gian hành lý xách tay không thể nào chứa đủ, nên hiện diện khắp nơi. Để rồi, đon đả xếp xếp kê kê, nép người mời mọc bạn cùng toa ngồi. 

Có lần mẹ bảo, cuộc đời này ngẫm kỹ sẽ thấy rất nhiều điều dịch chuyển không dễ nhận ra. Ví như, nhìn đời mình qua các chuyến tàu thôi, sẽ thấy. Như chúng tôi, những năm tháng còn khốn khó, mua được tấm vé ngồi ghế cứng (loại ghế không lót đệm) là đã thấy hồ hởi.

Ngày đó, mỗi lần đi lấy nước uống từ máy nước nóng đặt ở mỗi đầu toa, mẹ đều trộm mắt vào toa giường nằm, thèm thuồng. Mẹ bảo, một hành trình dài thế này, ngả lưng được thì sướng biết mấy. Chưa kể mỗi buồng chỉ có 4 hay 6 giường, có cửa buồng riêng, yên tĩnh, không lo thất lạc đồ đạc…

Từ ghế ngồi cứng đến ghế ngồi mềm, rồi cũng có ngày mẹ đứng trước buồng giường nằm. Vị trí các toa chỉ cách nhau đôi chục mét nhưng chúng tôi mất đến nhiều năm cho sự dịch chuyển đó, đồng nghĩa với cuộc sống cuối cùng đã khá dần.

Tôi nhớ, lần đầu tiên đặt mình xuống chiếc giường bé xíu, mẹ cười toe toét, kiếm chuyện để trêu hết người này đến người kia, đứa cháu ngoại chưa biết nói mẹ cũng “không tha”: “Mới hai tuổi đã được đi tàu giường nằm, ngoại nay 67 “nồi bánh chưng” mới biết nằm tàu nó ra sao”. 

Ảnh: Kênh 14
Ảnh: Kênh 14

Những chiếc ghế xoay mặt vào nhau

Thế nhưng, khi đã bước vào chiếc giường với cửa buồng riêng, mẹ vẫn có nỗi “thèm thuồng” khác: tiếng hỏi han. Ngồi nhiều thì đau lưng nhưng mẹ đặc biệt thích những hàng ghế xoay mặt vào nhau của toa ghế mềm.

Giữa hai hàng ghế là chiếc bàn xép bé xíu đủ đặt lên đó chai nước, ly mì tôm hoặc hộp cơm ai đó kỳ công chuẩn bị sẵn mang theo. Thật dễ để hỏi han, chuyện trò khi ngồi xoay mặt vào nhau, cùng đặt chai nước kế nhau trên khoảnh bàn vuông bé xíu, mời nhau bát cháo gà mà cô phục vụ vừa đặt xuống.

“Chị ở chỗ nào?… À xã đó năm nay nghe nói trúng đậm cá cơm, chắc tết này ấm hung lắm”, “Ui cha, tết Sài Gòn buồn lắm, hàng xóm tui năm ngoái ở lại Sài Gòn ăn tết, chiều mùng Một nó gọi điện về khóc luôn”, “Tuần trước, con gái tui nghe ở quê lạnh lắm nên chạy đi mua cái này đây, nhìn cũng được chớ chị he?”…

Câu chuyện ban đầu mang nhiều khách sáo của những người lần đầu gặp, càng về sau càng như là giữa hàng xóm nhiều năm tối lửa tắt đèn chưa từng thiếu nhau; ban đầu chỉ xoay quanh nội dung “nhà ở đâu, vô đây lâu chưa” càng về sau càng đi sâu đến áo quần, bánh trái, con cái lẫn… chiếu mền.

Những túi quà bánh đã gói ghém cẩn thận trước khi lên tàu được tháo ra khoe nhau, cũng là khoe một năm không thiếu thốn, khoe những đứa con biết chu đáo với mẹ già, những đứa cháu lúc nào cũng chăm chăm mua món này món kia cho bà. 

Nằm toa giường, người già đỡ đau lưng nhưng thiếu hàng ghế xoay mặt vào nhau là thiếu những câu chuyện giết thời gian, những âm thanh cùng thế hệ, tiếng lòng sẻ chia. Nên mẹ thỉnh thoảng lại ra bên ngoài rảo, bảo là cho bớt chồn chân nhưng thật ra là tìm kiếm và bao giờ cũng vậy, mẹ luôn tìm thấy những giọng nói trọ trẹ tương đồng nào đó ở buồng khác, cũng đang chồn chân và tìm kiếm như mẹ.

Bắt đầu từ lúc tàu chưa lăn bánh đến khi vào ga, câu chuyện vẫn không có dấu hiệu vãn hồi, thậm chí hứa hẹn tiếp nối qua những lời mời mọc “tết ra nhà tui chơi hỉ!”.

Chuyến về quê hưởng tết gần hai chục tiếng trên con tàu xình xịch lắc lư ngắn đi lúc nào không hay. Mà không, trên hành trình dài ngày cuối năm ấy, thật ra tết đã ở đó. 

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI