Thương như tà áo cho nhau

07/03/2020 - 06:00

PNO - Bữa ấy, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đang cầm nắm cơm định chấm vào bọc muối, thì chị nói với tôi: “Cổ đẹp quá em hỉ?”...

Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài từ ngày 2-8/3 trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam”. Thông tin này được nhiều người chia sẻ. Hình ảnh các chị, các cô xúng xính áo dài cùng thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam” cũng tràn ngập trên Zalo, Facebook như làn gió nhẹ khiến lòng ta dịu lại giữa nỗi lo dịch bệnh COVID-19. Nhưng với không ít chị em lao động nghèo thì áo dài ở đâu để mặc với người ta? 

Chị Phạm Thị Thu Trang, hội viên khu phố 1, P.16, Q.8 (trái) đổi 3kg rác lấy áo dài
Chị Phạm Thị Thu Trang, hội viên khu phố 1, P.16, Q.8 (trái) đổi 3kg rác lấy áo dài
 

Tôi chợt nhớ câu chuyện đã cũ, thời còn là sinh viên. Vì tính tò mò nên tôi đã làm quen với chị, một người phụ nữ thường ngồi nép bên vệ đường cùng đôi quang gánh. Sau khi biết chị cùng quê Quảng Nam với mình, thỉnh thoảng tôi lại ghé chuyện trò. Bữa ấy, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đang cầm nắm cơm định chấm vào bọc muối, thì chị nói với tôi: “Cổ đẹp quá em hỉ?”. Tôi ngước nhìn cô gái diện chiếc áo dài màu vàng rực rỡ vừa lướt qua, rồi nói: “Em chưa kịp thấy mặt chị nớ”. “Tà áo bay đẹp ghê. Không biết hồi mô chị mới có được bộ như rứa” - giọng chị thật buồn. 

Chị kể, một mình chị tha hương vào Sài Gòn buôn bán xoài, cóc, ổi, mía ghim kiếm tiền gửi về quê lo cho chồng nằm liệt giường vì tai nạn giao thông và các con ăn học. Nơi đất khách, chị tiết kiệm đến mức quanh năm ăn cơm với muối, chỉ dám mua chỗ ngả lưng buổi tối chứ không dám thuê phòng trọ. 
Sau ngày dự án metro được khởi công tôi không gặp lại chị nữa. Không biết ước mơ “có được một bộ áo dài” chị đã thực hiện được chưa. 

Hôm rồi, các chị ở Hội Phụ nữ P.Cát Lái, Q.2, TP.HCM mang áo dài đến các khu nhà trọ để tặng chị em công nhân. Đứng trước những bộ áo dài nhiều màu sắc, bà Trần Thị Thu, công nhân chế tác đá tần ngần. Hồi lâu, bà nói: “Nói các cô đừng cười, tui quê mùa lắm, làm công nhân và ở trọ gần hết cuộc đời, tiền đâu mà bon chen áo dài”. Chị cán bộ Hội liền giới thiệu mấy bộ áo dài có màu sắc không quá nổi bật. Bà Thu ngại ngùng thử rồi thẹn thùng: “Mặc vô coi cũng đẹp ha. Bữa 8/3, tui sẽ mặc nhờ người ta chụp cho tấm hình kỷ niệm”. 

Và tôi biết chị Phạm Hoài Trúc Ly ở P.Tam Phú, Q.Thủ Đức có một tình yêu, say mê và nhiệt thành, đó là tình yêu áo dài. Cũng bởi yêu quá nên chị đã học và theo nghề may áo dài hơn 10 năm nay. Từ thu nhập của mình, mỗi năm chị lại bớt ra mua vải may hàng chục bộ áo dài để gửi Hội mang tặng chị em. Có người cả đời buôn thúng bán bưng, sau khi diện bộ áo dài được tặng đã ôm chị Ly mà khóc. 

***

Đã là phụ nữ thì ai cũng muốn mình đẹp, muốn khoác lên những bộ đồ thật sang trọng, rạng rỡ. Nhưng có những cảnh đời như chị bán hàng rong quê tôi, như bà Thu, họ đã mặc định đó là thứ xa hoa, lộng lẫy, chỉ dành cho người ta chứ không phải cho mình… 

Hôm nay rảo quanh các cửa hàng 0 đồng của Hội, lòng thấy vui khi thấy có rất nhiều bộ áo dài với đủ màu sắc đã được giặt sạch, ủi phẳng, treo lên một cách trân trọng với lời nhắn gửi: “Chị em cứ vô lựa mặc, không tốn tiền đâu, đừng ngại!”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI