Nỗi nhớ Tết của người xa quê

06/02/2022 - 05:57

PNO - Đoàn viên mãi mãi là giá trị cốt lõi, thiêng liêng của người Việt. Không được hưởng cái tết đoàn viên là nỗi niềm trắc ẩn không gì hóa giải được với những kẻ xa quê.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven đô Sài Gòn. Nhà tôi giáp ranh với tỉnh Long An, cửa ngõ miền Tây. Thời chiến tranh, đây là nơi người dân Cần Giuộc, Cần Đước chọn làm nơi dừng chân trên hành trình tản cư của họ. Vì thế, bạn bè tôi đa phần là “dân quê”.

Hồi đó, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời là học sinh được nghỉ Tết, nhiều bạn theo gia đình về quê, xóm vắng buồn hiu. Tôi nhớ bạn rồi đâm ganh tỵ với chúng, sao mình không có quê để về? Tôi hỏi má. Má nói quê của con là ở đây nè.

Thì ra, quê nhà không chỉ là nơi có đồng lúa bát ngát, có con đường làng quanh co, có cánh cò chao nghiêng mỗi chiều về, hay tiếng gà gáy rộ đuổi nhau lúc hừng sáng. Cũng không phải là nơi khói bếp nhà ai ngun ngút một góc đồi, hay những bãi cát vàng uốn lượn dập dềnh sóng biển...

Nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, có vòng tay ấm áp của cha, có tiếng hát đưa nôi ngọt ngào của mẹ; nơi gia đình, dòng họ mình đã qua nhiều đời làm ăn sinh sống, có sự gắn bó tự nhiên về tình cảm với mình… thì nơi ấy gọi là quê nhà.

Không phải tôi không hiểu lời má giải thích, mà là tôi “không cam tâm”. Mỗi khi nghe bạn than nhớ quê, tôi thương bạn ngồi ngẩn ngơ gõ vào trái tim mình, tìm cánh cửa mở ra một vùng cảm xúc mà tôi chưa bao giờ bắt gặp, thấy “hoang mang”.

Phải nhiều năm sau tôi mới hiểu ra, chỉ khi nào phải sống xa quê, người ta mới cảm nhận rõ ràng nhất thế nào là quê nhà. Khi con phà Rạch Miễu khuất sau dãy cù lao trôi về phía bên kia bờ Tân Thạch, tôi mới thấm thía tận cùng nỗi nhớ quê.

Hẻm nhỏ, xóm nhỏ, Sài Gòn quê tôi ở đó.

Tôi đã trải gần 30 năm xa quê. Trong muôn vàn nỗi nhớ về Sài Gòn, có một miền nhớ thiết tha tôi dành cho những con đường rợp bóng me xanh, những gốc me to xù xì, tán cây xòe rộng chụm vào nhau tỏa bóng che kín mặt đường - những con đường đã từng cõng tuổi học trò tôi đi qua hết một khung trời thơ mộng.

Tôi còn có riêng một con đường ngập tràn nỗi nhớ trong ký ức. Đó là con đường có cái tên không hề gợi lên một chút gì thơ mộng: đường Liên Tỉnh 5. Nhà tôi ở đó. Con đường chạy giữa một bên là những cái ao sen - vào thu, sắc hồng của hoa quyện vào hương sen dịu dàng thanh khiết; một bên là hàng phượng vĩ với những bông hoa phượng thắp lửa chói chang mỗi bận hè về.

Trên những cung đường ấy, từ sáng tinh mơ cho đến đêm muộn, luôn ngập ngụa những tiếng rao. Những tiếng rao chợt buồn, chợt vui, có khi mênh mông khắc khoải, có khi xa vắng cô liêu. Những tiếng rao mang nhịp điệu cần lao làm không gian ấm lại, làm cho người ta đỡ cô quạnh hơn.   

Nỗi nhớ từ con đường, tiếng rao dắt dây sang ngọn gió, gió từ sông Sài Gòn tạt qua những ngôi nhà cao tầng nhấp nha ánh điện. Xen lẫn trong những giấc mơ xanh ngời bóng lá ấy, là những âm thanh phố thị náo nhiệt, ồn ã, bụi bặm, ngập nước…, nhưng trong lòng kẻ xa quê, đó là máu thịt của mình.

Song, có lẽ cái vệt nhớ hằn sâu nhất trong tim tôi chính là nỗi nhớ Tết. Đêm Giao thừa, tất cả các ngọn đèn đều bật lên, tràn ngập ánh sáng. Nến và hoa lung linh, khói hương ngào ngạt. Như thể mọi thứ hạnh phúc có trên thế gian này đều ùa vào ngôi nhà, đậu trên gương mặt của má, trong ánh mắt của ba.

Những lời chúc Tết cũ xưa, những phong bao lì xì đỏ thắm, những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt rưng rưng, cùng với tiếng chuông chùa vọng về trong đêm trừ tịch… Những nỗi nhớ cứ lặp đi lặp lại hằng năm, nhưng chưa bao giờ xưa cũ trong tôi - một kẻ xa quê.

Sau nhiều năm trở về Sài Gòn, tôi lại tiếp tục trở thành “kẻ tha hương”. Mỗi cuối năm, thấy bạn bè, em cháu xung quanh chuẩn bị hành trang, tiền bạc, quà cáp về quê, tôi thấu hiểu Tết đoàn viên là nỗi khát khao cháy bỏng, là sự mong đợi của mỗi người con xa quê. Đồng thời cũng là nỗi ngóng trông của gia đình, dòng họ, lối xóm.

Tết năm nay tuy vẫn còn dè dặt bởi dịch COVID - 19, nhưng cũng có khá nhiều người tìm về ăn tết ở quê. Được ăn bữa cơm cúng gia tiên với gia đình, sau một năm trời đằng đẵng xa quê, là một hạnh phúc lớn lao của kẻ tha hương. 

Bên cạnh những người may mắn bình an trong cơn đại dịch khắc nghiệt vừa qua của thành phố, còn có những cuộc đời ly hương đã vĩnh viễn khép lại, nẻo về đoàn viên chỉ là tro bụi hóa thân.  

Mới hay, Tết đoàn viên mãi mãi là giá trị cốt lõi, thiêng liêng của người Việt. Mặc cho bạn đã trở thành dân cư chính thức của Sài Gòn, hay chỉ ngụ cư để tìm kế sinh nhai, thì việc không được hưởng cái Tết đoàn viên vẫn là nỗi niềm trắc ẩn với những kẻ xa quê.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI