Nhiều nông sản Việt bị các nước trả lại, hàng trong nước có an toàn?

17/05/2019 - 13:32

PNO - Nếu như tại các kênh phân phối truyền thống, nông sản vẫn còn nhiều “mù mờ”, thì tại các kênh phân phối hiện đại, nhãn mác, bao bì đã gắn liền với sản phẩm. Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng...

Mới đây, hàng loạt nông sản Việt Nam như nấm, rau xanh, thanh long… bị thị trường Nhật Bản từ chối nhập khẩu vì nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn Nhật cho phép. Liên Minh châu Âu- EU cũng vừa từ chối hoặc cho giám sát 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn tại thị trường trong nước, nông sản VN liệu có đạt chuẩn để bảo vệ sức khỏe người Việt Nam.

Kiểm tra, nhưng vẫn tràn ngập nguy cơ nông sản bẩn

Hiện, người tiêu dùng thường chọn mua nông sản qua chợ lớn, chợ tự phát, cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Tại các chợ lẻ, nhiều người bán cho biết, hầu hết là hàng lấy từ chợ đầu mối, có hàng từ Đà Lạt và rau từ Hóc Môn, Long An, Bình Chánh… Song, khi được hỏi các mặt hàng này có bảo đảm không bị dính thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay không, người bán chỉ trả lời: “Hàng này lấy từ chợ đầu mối, cũng kiểm định hết rồi!”. Tuy nói vậy, nhưng hầu hết, các tiểu thương ở đây đều không có giấy tờ chứng minh  an toàn  thực phẩm. 

Nhieu nong san Viet bi cac nuoc tra lai, hang trong nuoc co an toan?
 

Nếu như tại các kênh phân phối truyền thống, hàng hóa vẫn còn nhiều “mù mờ”, thì tại các kênh phân phối hiện đại, rau củ quả có cơ sở sản xuất với nhãn mác rõ ràng, được chịu trách nhiệm cụ thể về chất lượng sản xuất. Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng, liệu các chất lượng này được kiểm tra đạt chuẩn cao hay… thấp.

Hiện nay, nói về nông sản sạch, đại diện siêu thị Saigon Co.op cho biết, để chọn được sản phẩm sạch, người mua có thể dùng điện thoại di động, sử dụng phần mềm kiểm tra mã vạch, mã QR Code sản phẩm được bán tại các siêu thị. Điều này cũng giúp người mua tránh được tâm lý sợ các kênh phân phối trà trộn hàng kém chất lượng để bán nhằm thu lợi nhuận cao.

Sắp tới, Nhật Bản sẽ kiểm tra các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ kiểm tra 100% các lô hàng của những công ty xuất khẩu nông sản Việt Nam vi phạm vượt mức thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Nhật. Nhiều nước khác cũng tăng cường hàng rào kiểm tra đối với nông sản từ VN để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng xứ họ. Còn thị trường nông sản trong nước, tình trạng an toàn thực phẩm rau của quả vẫn… khó kiểm soát.

Đáng chú ý là rau củ quả ở các chợ đầu mối, tại đầu mối nông sản Thủ Đức Đức là chợ nông sản lớn nhất TP, lượng hàng hóa đổ về đây khoảng 4.000 tấn/ngày sẽ tỏa về khắp các chợ. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP, cũng cho biết, nếu chỉ có cơ quan quản lý nhà nước đầu tư kiểm nghiệm thì không xuể, chẳng khác nào muối bỏ bể. Chi phí kiểm nghiệm rất đắt tiền, trung bình khoảng 3 triệu đồng/mẫu, trong khi giá bó rau chỉ vài chục ngàn đồng. Do đó, bà Lan gợi ý Ban quản lý chợ có hệ thống quản lý chất lượng, lấy mẫu hằng đêm để đánh giá nguy cơ và ngưng mua hàng ngay lập tức nếu cần thiết.

Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, hằng đêm công ty đều lấy mẫu trái cây, rau củ quả để kiểm tra nhưng không đại trà mà chỉ những thực phẩm có nguy cơ cao, chớ không kiểm tra kỹ từng lô hàng. Ngoài ra, việc kiểm định kiểm định này chỉ có thể nhận biết trên lô hàng lớn, còn về chợ nhỏ thì sau khi các tiểu thương xé lẻ ra bán, người tiêu dùng rất khó kiểm tra nếu có hàng chất lượng kém trà trộn".

Khơi thông dòng chảy nông sản sạch

Để nông sản sạch tới tay người tiêu dùng, việc kiểm tra nông sản ở chợ chỉ là 1 hình thức đối phó, thiếu căn cơ. Thay vì vậy, nhiều nước tiên tiến đã có hẳn 1 quy trình, bắt đầu từ khâu sản xuất với những tiêu chí chất lượng khắt khe. Ví dụ, sắp tới, nhiều nước tăng cường kiểm tra hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Các lô hàng phải được cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mới được nhập khẩu. Nhiều thị trường còn yêu cầu hàng xuất khẩu phải chứng minh được quản lý theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất đến xuất khẩu. Ngoài ra, các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia còn đặt ra những quy định chặt chẽ, đặc biệt là đối với các loại quả tươi. Do đó, có thể thấy, từng khâu kiểm tra đều được thực hiện cụ thể với những chỉ số rất chặt chẽ nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là an toàn sức khỏe của người dùng phải được ưu tiên, bảo vệ hàng đầu.

Nhieu nong san Viet bi cac nuoc tra lai, hang trong nuoc co an toan?
 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho rằng, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đang rất lớn, nhưng khách hàng thực sự của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay chỉ chiếm chưa tới 1% dân số.

Nông sản sạch, hữu cơ chỉ đang phục vụ cho một nhóm khách hàng nhỏ thuộc thị trường ngách chứ chưa thể tiếp cận thị trường một cách đại trà. Trong khi người bán đòi hỏi, người tiêu dùng cần thay đổi được tư duy, mua hàng dựa trên tiêu chí chất lượng và sự an toàn cho sức khỏe thì nhà sản xuất mới có thể mở rộng, sản xuất với quy mô lớn, giá rẻ, thì người tiêu dùng ngược lại, đòi hỏi giá cả sản phẩm sạch phải rẻ hơn để họ dễ tiếp cận trong đồng thu nhập eo hẹp.

Để trả lời câu hỏi này, không chỉ có doanh nghiệp, người tiêu dùng, hay nhà sản xuất có ý thức trong quá trình  canh tác  mà cần có sự tham gia của các cấp điều hành Nông nghiệp, Nhà nước.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, điều kiện triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện còn rất khó khăn. VN cần phải tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối nội địa. Việc tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại thuế đang cần giải quyết ngay. Đồng thời, việc mở rộng chính sách hạn điền đã được đặt ra cần phải được khai thác triệt để, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Phát triển sản phẩm nông nghiệp cần đồng thời với phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản . Sàn giao dịch nông sản sớm hình thành nhằm để quản lý an toàn thực phẩm và đảm bảo giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt việc đầu tư cho khâu dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch, giảm tổn thất tới mức thấp nhất cũng cần thực hiện song song.

Nhà nước, cần tạo lập một môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, hỗ trợ liên kết hợp tác, đầu tư sản xuất phân phối, xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bền vững. Đặc biệt, Nhà nước cần kiểm soát tốt gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng nông sản giả, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt quản lý sản xuất kinh doanh thuốc BVTV đến quy trình sử dụng chúng nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Châu Trinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI