Mứt khoai lang và hoa vạn thọ

26/01/2020 - 06:58

PNO - Nhìn hàng chậu vạn thọ rực lên trong nắng xuân, tôi nhớ những ngày tết xưa có má cười rạng rỡ bên chậu hoa, có ba thích món mứt khoai lang, uống nước trà sau bữa cơm.

1. Hai mươi ba tháng Chạp, một người bà con ở quê đem ra tặng mẹ hai chậu hoa vạn thọ. Loại cây cao, to xòe, bông màu vàng cam, trông mạnh mẽ, khỏe khoắn.

Hai chậu hoa được để ngoài hiên, nhấm nháp sương trời, chẳng cần tưới tắm, tươi phơi phới. Chị Hòa đi ra đi vô, nhìn phớt qua chậu vạn thọ rồi bĩu môi:

- Không đẹp bằng cúc đại đóa Đà Lạt, hoa gì mà tròn ủm như cái bánh bò, không thơm, màu lại vàng như nghệ, trông quê quê thế nào!

Buổi tối, hai chị em sà xuống bên mẹ đang sên mứt. Mẹ bảo chị Hòa cầm cái thìa múc từng muỗng nước đường tưới đều mấy miếng khoai lang mẹ sắp lên thành chảo, mẹ cầm đôi đũa dài gắp từng miếng khoai lật qua, trở lại nhẹ nhàng trong nước đường bên dưới lòng chảo nóng bốc khói. Chị Hòa lại than thở:

- Năm nào mẹ cũng làm mứt khoai lang, sao mẹ không làm mứt gì cho nó “sang sang” một tí.

Mẹ lật một miếng khoai, chậm rãi:

- Ngày xưa nhà bà nội ở một vùng quê trên cao nguyên, rau rá chẳng có thứ gì ngoài rau lang. Trưa ba đi học về, ra vườn hái nhúm rau lang vô luộc, chấm nước mắm cũng qua được bữa trưa. Xế ngủ dậy đói bụng lại ra vườn đào củ khoai lang vô vùi trong bếp, khoai chín thơm lừng, hít hà bỏ tay này sang tay kia, vừa ăn vừa mở sách học bài. Đã qua lâu rồi cái thời đói lòng, đói dạ ấy. Thế nhưng, ngày Tết ba lại nhớ đến món khoai lang, nhớ bà tảo tần sớm hôm nuôi đàn con ăn học. Mẹ cũng thích món mứt khoai lang, nó khiến mẹ nhớ những ngày thơ ấu chẳng có thức ăn gì, bà ngoại chế biến đủ món từ khoai lang ăn chẳng bao giờ ngán: om, nấu cà-ri, chiên, luộc …

Ngày tết là dịp để người ta nhớ đến cội nguồn, nghĩ đến ông bà cha mẹ, ôn lại những ngày khó khăn phải quyết tâm vượt qua. Các con giờ đầy đủ hơn ba mẹ ngày xưa và các con còn nhỏ nên chưa hiểu được. Món mứt khoai lang, nó “quê” hơn các thứ mứt khác, nhưng khi lớn lên các con sẽ nhớ đến những ngày thơ ấu có mẹ, có hai chị em cùng ngồi bên chảo mứt múc từng muỗng nước đường như thúc thời gian cho mau đến tết.

Lời mẹ nói nhỏ và ngọt như miếng mứt khoai lang thành phẩm. Lúc ra ngoài hiên đóng cửa, chị Hòa chợt phát hiện ra một điều thú vị rằng, hoa vạn thọ ban đêm tỏa mùi hương thơm mà kín đáo, dịu ngọt.

Mẹ cười:

- Mẹ để tự các con phát hiện mùi thơm mộc mạc và bình yên của vạn thọ. Rồi các con sẽ còn thấy nhiều điều thích thú nữa từ loài hoa dân dã, quê mùa này.

Một tuần nghỉ Tết sao mà qua nhanh. Bình bông cắm trên bàn của mẹ dù đắt tiền cách mấy và mẹ cũng áp dụng mọi phương pháp khoa học để giữ nó tươi lâu hơn, nhưng đến lúc phải bỏ theo xe rác. Mấy chậu hoa hồng, thược dược, cúc đại đóa của ba mua về cũng lần lượt héo khô. Có những cái nụ mãi mãi ở thời kỳ làm nụ chẳng thể nào nở được thành hoa. Ba bứng hết gốc cây bỏ đi, tận dụng cái chậu trồng cây khác. Chỉ có hai chậu hoa vạn thọ qua hết rằm tháng Giêng vẫn còn tươi tắn, nụ này rồi nụ kia lần lượt bung xoè hết cánh. Màu vàng như nghệ mà chị Hòa chê ỉ, chê ôi giờ rực rỡ, tươi cười khoe sắc trong nắng như đón chào hai chị em mỗi trưa đi học về.

Gian nhà xưa
Một nếp nhà xưa 

Nhìn hai chậu hoa vạn thọ, chị Hòa bỗng “triết lý”:

- Ở đời, cái gì đẹp quá khó giữ cho bền lâu, cứ như hoa vạn thọ lúc nào cũng còn mùa xuân.

Mẹ nói:

- Hoa vạn thọ nở quanh năm chẳng cần phải đến mùa xuân. Loài hoa đơn giản, mộc mạc nhưng đem đến cho người ta nhiều niềm tin trong cuộc sống. “Vạn thọ vô cương”, hoa vạn thọ còn tượng trưng sự thành thật, mà sự thật luôn là vĩnh cữu. Khi người ta nói thật sẽ thấy lòng nhẹ nhõm. Mọi sự hào nhoáng, đánh bóng bên ngoài rồi sẽ mất đi, chỉ có lòng chân thành còn lại mãi mãi…

Ba tiếp lời, nói vui theo mẹ:

- Cũng như món mứt khoai lang vậy đó, tất cả mọi thứ cũng đã hết theo những ngày Tết, nhưng mứt khoai lang vẫn còn để giờ nhấm nháp lai rai, uống nước trà, ngon đậm đà hơn bao giờ hết.

Cả nhà cùng cười. Mẹ đi pha ấm nước trà rồi bày ra đĩa mấy miếng mứt khoai lang. Ba vừa đọc báo, vừa nhâm nhi miếng mứt. Ngoài sân, hai chậu hoa vạn thọ cũng tươi cười khoe hết từng cánh nhỏ xếp đều đặn trong những cái bông tròn lùm.

2. Mẹ tôi giờ không còn làm món mứt khoai lang nữa vì chẳng ai hưởng ứng, nhất là từ sau khi ba tôi ra người thiên cổ. Chị Hòa sống ở nước ngoài, chẳng năm nào chị có Tết Việt vì thời gian tết phải đi làm. Nhớ những ngày tết cũ, năm nào tôi cũng mua ít nhất chục chậu vạn thọ để ngoài sân. Có năm, sáng 29, tôi “vét” hết số vạn thọ còn lại của người bán gần nhà, dù sân nhà tôi đã có hoa. Những chậu hoa đã qua tay nhiều người lựa chọn không còn đẹp nữa, nhưng tôi sợ người bán quăng nó lăn lóc ngoài bãi rác, tội nghiệp hoa.

Nhìn hàng chậu vạn thọ rực lên trong nắng xuân, tôi nhớ những ngày tết xưa có má cười rạng rỡ bên chậu hoa, có ba thích món mứt khoai lang, uống nước trà sau bữa cơm. Có hai chị em líu tíu quần áo mới ra vô. Có năm tết vui, có năm tết buồn. Có người thấy tết vui thì cũng có người thấy tết không vui. Đời người, ai cũng trải qua những cái tết buồn/vui. Phải chăng, tết là cái đốt, cái mốc để mỗi người nhớ về những kỷ niệm, mẹ cha, quê hương, làng xóm… làm hành trang bước đi tiếp.

Bình An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI