Làng gốm Thanh Hà, những người còn giữ lại hương Tết

10/02/2021 - 15:29

PNO - Làng nghề trăm tuổi này vẫn đỏ lửa, vẫn cho ra hàng ngàn sản phẩm mỗi ngày để phục vụ người dân trong sinh hoạt, trang trí nhà cửa vào dịp tết.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, trong không khí tươi mới của đất trời, những nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà vẫn đang miệt mài với công việc. 

Dẫu không sôi nổi, tất bật như trước, nhưng bàn xoay vẫn cứ quay đều, tiếng người nói vẫn cứ râm ran.

Bà Thời là một trong những nghệ nhân còn theo nghề ở làng gốm Thanh Hà
Bà Thời là một trong những nghệ nhân còn theo nghề ở làng gốm Thanh Hà

Năm 2020 trải qua với nhiều khó khăn, số lượng tò he, linh vật cho năm Tân Sửu cũng giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, làng nghề trăm tuổi này vẫn đỏ lửa, vẫn cho ra hàng ngàn sản phẩm mỗi ngày để phục vụ người dân trong sinh hoạt, trang trí nhà cửa vào dịp tết.

Nghệ nhân Bùi Thị Thời đang cặm cụi bên bàn xoay để nặn những chiếc chậu gia dụng, cho biết mỗi ngày gia đình bà cho ra thị trường khoảng hơn trăm chiếc chậu, được mang đi khắp nơi để tiêu thụ.

“Ở làng nghề truyền thống, dẫu khó khăn thì chúng tôi vẫn phải giữ lấy nghề, không chỉ cho gia đình mà cho cả địa phương vì lợi ích chung. Khi có du lịch, những người làm gốm chúng tôi có thể dư giả một ít, nhưng không có du lịch thì gia đình vẫn đủ trang trải. Cho nên, dù có khó khăn mấy chúng tôi vẫn sẽ giữ nghề, sau này sẽ truyền lại cho con cháu”, bà Thời tâm sự.

Không chỉ những người lớn tuổi như bà Thời, mà lớp trẻ cũng quyết tâm giữ lấy nghề. Bởi từ khi sinh ra, họ đã dần quen với tiếng bàn xoay, đã thấm vị của đất thịt, của hơi nóng lúc nung gốm. Cái nghề qua bao đời vẫn được giữ nguyên, dựa vào đó họ khôn lớn, nên người.

Chị Bùi Thị Hương (40 tuổi) cho biết mặc dù du lịch gặp khó khăn nhưng gia đình chị vẫn nhận được đơn đặt hàng trên 2.000 con tò he mang hình tượng con trâu. Với kinh nghiệm 21 năm trong nghề, chị nhận thấy làng nghề vẫn có thể phát triển, bởi mặt hàng gốm phục vụ nhu cầu trong đời sống của người dân chứ không riêng cho du lịch.

Những con tò he được nghệ nhân nặn tạo hình tinh xảo
Những con tò he được nghệ nhân nặn tạo hình tinh xảo

“Khó khăn là cái chung, nhưng tất cả nghệ nhân đều cố gắng giữ lấy nghề. Năm nay, các khách sạn ít mở cửa nên ít nhà nặn tượng trâu lớn. Tuy nhiên, linh vật của năm Tân Sửu vẫn được sản xuất rất nhiều theo kiểu tò he hoặc vật trang trí bàn trong nhà. Người dân chỉ mong dịch bệnh mau qua đi để có khách du lịch đến, đời sống sẽ lại được ổn định như xưa”, chị Hương nói.

Mỗi tượng đất mang hình chú trâu cho năm mới có giá dao động từ 5.000 - 200.000 đồng. Ngoài việc nặn linh vật của năm, các hộ gia đình tại đây tiếp tục sản xuất các chậu, nồi... bằng gốm để phát triển kinh tế, giữ "lửa" cho làng nghề.

Một công đoạn làm gốm thủ công
Một công đoạn làm gốm thủ công
Gốm thành phẩm sau đó sẽ được đưa vào lò nung
Gốm thành phẩm sau đó sẽ được đưa vào lò nung
Hiện chỉ còn vài lò gốm ở Thanh Hà còn đỏ lửa
Hiện chỉ vài lò gốm ở Thanh Hà còn đỏ lửa

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP. Hội An - cho hay, năm 2020, tất cả làng nghề trên địa bàn thành phố đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các nghệ nhân, người dân không nản chí.

“Qua năm mới, thành phố sẽ tổ chức các lễ hội, sự kiện để quảng bá thương hiệu làng gốm đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Từ đó bước đầu tạo thị trường cho bà con buôn bán, đồng thời đến khi du lịch được phục hồi, bà con sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, đưa làng nghề đi lên”, ông Lanh cho biết.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI