Làm sao nhớ lời mẹ dặn...

24/10/2015 - 07:04

PNO - "Người làm xiếc đi dây rất khó - Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn - Đi trọn đời trên con đường chân thật”.

“Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi - Đứa bé mồ côi thành nhà văn - Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm -Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ - Người làm xiếc đi dây rất khó - Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn - Đi trọn đời trên con đường chân thật”, bởi mẹ dặn: “Con ơi… trước khi nhắm mắt Cha con dặn con suốt đời - Phải làm một người chân thật” (trích Lời mẹ dặn của Phùng Quán).

Để làm được “lời mẹ dặn”, Phùng Quán đã phải đi qua suốt một cuộc phong trần với bao khốn khó. Ông đã dựng tượng đài trong lòng bạn đọc, bằng sứ mệnh của người cầm bút, sống thật và viết thật.

Lam sao nho loi me dan...
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Xứ sở này vốn thích… thơ, duy cảm hơn duy lý, nên ăn cắp thơ là thứ ăn cắp vô cùng xấu hổ, thiên hạ sẽ tháo tung từng chữ mà xét nét. Nghề văn nguy hiểm là vậy đó, một thứ nghề chỉ có bảo hiểm bằng lòng tự trọng. Sai thì phải biết sửa, biết xin lỗi một cách chân thành, đừng bao biện, bởi càng to mồm, anh sẽ càng hứng chịu nhiều sự dè bỉu, người đọc sẽ gạch tên anh khỏi trí nhớ về sự tử tế.

Nhà văn là kẻ xây dựng lâu đài tâm hồn, thì trước khi sáng tác, anh phải trong sạch tâm hồn đã. Mà đâu chỉ chuyện thơ văn. Lúc chập chững bước đi, mẹ đã dạy rằng, ở đời, cái gì của mình thì nhận, không phải của mình thì đừng.

Dẫu không biết sau này lớn lên con thành người ra sao, danh phận thế nào, nhưng có là gì đi nữa, thì cũng phải sống thật. Đó là gia tài mẹ để lại cho con. Ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, khi trả lời báo chí về vụ nhà thơ Phan Huyền Thư đạo thơ, tuy hơi… thật nhưng cũng né: “Điều này tôi không biết bởi đôi lúc con người ta có những quyết định không ai hiểu được. Tôi nghĩ câu hỏi này không trả lời được, phải hỏi đất, hỏi trời”. Có lẽ ông không muốn thêm dầu vào lửa.

Đùa vui cũng là một cách sống nhưng trào lộng, giễu nhại hay bất kỳ sự hài hước nào cũng có giới hạn. Có những nơi, những việc không được đùa giỡn, vì đó là lằn ranh văn hóa, vượt quá sẽ là xúc phạm cộng đồng và phỉ báng chính mình.

Cho nên, thiên hạ nói việc chế Quốc ca của hệ thống siêu thị Dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam thuộc tập đoàn Cen Group (Hà Nội), là một trò đùa phi văn hóa. Có ai bày trò chơi lật bàn thờ ông bà xuống, đổ nhang, đập đèn, lột bài vị, sơn đỏ thành đen không?

Chắc chắn sẽ bị nguyền rủa, tống cổ ra khỏi nhà, cha mẹ, anh em sẽ từ bỏ, láng giềng coi khinh. Với Quốc ca cũng thế. Đụng đến biểu tượng của dân tộc là đụng đến cả cộng đồng. Ở xứ người, đụng đến Quốc ca là nhốt liền, thậm chí có nơi còn cấm sử dụng Quốc ca làm nhạc chuông điện thoại. Quốc ca là tâm cảm của bao thế hệ gói trong đó, một thứ cấm kỵ mà không ai được phép xúc phạm.

Đòn roi do quên lời mẹ dặn chỉ có thể ở con nít, nhưng đó là đòn roi in dấu và có giá trị đi suốt một đời người. Làm thế nào để nhớ lời mẹ dặn? Chịu, vì cái đó là tự thân, được hình thành và rèn giũa từ lúc ra đời đến khi mất đi. Khi bất ngờ lâm nạn cận kề cái chết, thường người ta hay kêu: Mẹ ơi! Nhưng, con đã để cho mẹ… đi vắng trong suốt hành trình của con, giờ kêu chi nữa?…

Trung Việt

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa