Chuyện từ cây vấp cổ thụ độc nhất trên đường phố Sài Gòn

23/04/2020 - 07:46

PNO - Từ cây vấp “chỉ dấu” về địa danh Gò Vấp, chuyên gia đề xuất trồng lại cây chiếc ở khu vực cầu Rạch Chiếc, trồng lại cây sanh ở Hàng Xanh…

Mỗi khi có dịp đi qua đường Nguyễn Đình Chiểu, đến đoạn gần giao nhau với đường Phùng Khắc Khoan (Quận 1, TPHCM), Tiến sĩ Đinh Quang Diệp – chuyên gia về lĩnh vực cây xanh đô thị,  thường để ý xem cây vấp cổ thụ ở đó có còn không. Đây là cây vấp lâu năm nhất còn sót lại trên đường phố Sài Gòn, từng được ông đề xuất đưa vào diện phải bảo tồn.

Cây vấp trên đường Nguyễn Đình Chiểu có đường kính hơn 50 cm, tuổi thọ tương đương 80-90 năm. Ảnh chụp ngày 22/4/2020. Ảnh: H. Nhiên.
Cây vấp trên đường Nguyễn Đình Chiểu có đường kính hơn 50cm, tuổi thọ tương đương 80-90 năm. Ảnh chụp ngày 22/4/2020. Ảnh: H. Nhiên.

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp cho biết, cách đây nhiều năm khi thực diện dự án về bảo tồn cổ thụ ở địa bàn TPHCM do Khu Quản lý giao thông Đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) làm chủ đầu tư, ngoài những loại cây quý hiếm, nhóm nghiên cứu do ông chủ trì cũng đặt vấn đề về bảo vệ và phục hồi những giống cây xanh từng gắn liền với các địa danh quen thuộc ở Sài Gòn như Gò Vấp, Ngã Tư Hàng Xanh (Q. Bình Thạnh), khu Rạch Chiếc (Q. 9), Bùng Binh Cây Gõ (Q.6)… Tuy nhiên, do một số lý do nên dự án này chỉ mới thực hiện giai đoạn lập danh mục cổ thụ cần bảo tồn, chưa thực hiện các giai đoạn tiếp theo.

Nói về sự cần thiết phải bảo tồn cây vấp cổ thụ ở đường Nguyễn Đình Chiểu nói trên, Tiến sĩ Diệp giải thích: “Sở dĩ có địa danh Gò Vấp hiện nay vì ngày xưa khu vực này từng có rất nhiều cây vấp (tên khoa học là Mesua ferrea). Tương tự như vậy, khu vực ngã tư Hàng Xanh cũng từng có rất nhiều cây sanh (Ficus benjamina), khu vực cầu Rạch Chiếc từng có rất nhiều cây chiếc cạnh (Barringtonia sp), khu Bùng Bình Cây Gõ từng có nhiều cây gõ nước (Intsia bijuga)… Một số tài liệu nghiên cứu về văn hóa lịch sử cũng cho rằng, nhiều khả năng tên gọi của các địa danh này bắt nguồn từ những loài cây đặc trưng ở khu vực đó”.

Cây vấp có tán lá gần giống cây khế nhưng lá dài và nhỏ hơn. Ảnh: H. Nhiên.
Cây vấp có tán lá gần giống cây khế nhưng lá dài và nhỏ hơn. Ảnh: H. Nhiên.

Theo Tiến sĩ Diệp, do quá trình phát triển đô thị, đến nay, hiện trạng cây xanh ở những khu vực nói trên đã thay đổi rất nhiều, hầu hết các địa danh đã không còn những loài cây tương ứng theo tên gọi.

Song, những giống cây “chỉ dấu về địa danh” một thời vẫn còn sót lại một vài nơi trên địa bàn TPHCM. Cây vấp cổ thụ ở đường Nguyễn Đình Chiểu là một trường hợp như vậy.

Cây vấp cổ thụ duy nhất còn sót lại trên đường phố TPHCM hiện nay, từng là loại cây đặc thù ở vùng Gò Vấp xưa kia. Ảnh: N. Nhiên.
Cây vấp cổ thụ duy nhất còn sót lại trên đường phố TPHCM hiện nay, từng là loại cây đặc thù ở vùng Gò Vấp xưa kia. Ảnh: N. Nhiên.

“Cây vấp trên đường Nguyễn Đình Chiểu ước tính đã được trồng từ từ 80- 90 năm trước. Đây là cây vấp cổ thụ duy nhất còn sót lại trên đường phố. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM cũng còn một vài cây vấp lâu năm nhưng được trồng ở công viên Tao Đàn và ở Thảo cầm viên Sài Gòn”, Tiến sĩ Diệp cho biết thêm.

 “Nhằm mục đích giáo dục, giữ gìn những nét đẹp về văn hóa, TPHCM nên trồng lại những cây đặc trưng của các vùng đất mà tên nơi đó đã đi vào lịch sử. Như khu vực Ngã Tư Hàng Xanh hiện nay nên trồng lại những hàng cây sanh. Quận Gò Vấp nên chọn một tuyến đường trồng lại cây vấp. Khu vực cầu Rạch Chiếc nên trồng lại một số cây chiếc cạnh. Khu vực bùng binh Cây Gõ nên trồng lại một số cây gõ nước…”, Tiến sĩ Diệp đề xuất.

 

Trung Thanh

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • van Tang Nguyen 23-04-2020 13:44:24

    cực kỳ hợp lý, đàng nào cũng cần cây xanh. Tại sao ko trồng những cây đã tạo nên địa danh 1 thời như thế chứ. Xin ủng hộ sáng ý của tiến sỹ Đinh Quang Diệp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI