Chở yêu thương về miền gió bụi

06/01/2020 - 12:23

PNO - Đường về ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây ngày cuối năm bụi mịt mù, nắng như thiêu đốt. Nằm sâu sau cánh đồng lúa là căn nhà vách đất, mái tôn.


Ngày 3/1 vừa qua, tại hai xã biên giới Bình Hòa Tây và Bình Thạnh, H.Mộc Hóa, tỉnh Long An, Hội Phụ nữ Công an TP.HCM đã tổ chức chương trình “Xuân biên giới”. Đây là năm thứ hai liên tiếp đơn vị mang tết sớm về những vùng khó khăn. 

Căn nhà và khu vườn mơ ước 

Đường về ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây ngày cuối năm bụi mịt mù, nắng như thiêu đốt. Nằm hút sâu sau cánh đồng lúa và đám lục bình là căn nhà lụp xụp vách đất, mái tôn của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, 60 tuổi. Từ sáng sớm, dưới cây trứng cá trước nhà, ông Sơn đã thắc thỏm đứng ngồi. Hôm nay sẽ là ngày thật khó quên đối với ông, bởi chỉ một chút nữa thôi, cậu con trai 27 tuổi Nguyễn Quốc Huy của ông sẽ được tặng tiền xây nhà mới. 

Vợ chồng Huy đã có hai đứa con 4 và 5 tuổi, nhưng vẫn ở chung với cha mẹ vì không có điều kiện ra riêng. Huy tham gia đội dân phòng xung kích ấp Bình Bắc mấy năm nay. Hôm nào không bận họp hay đi tuần cùng lực lượng biên phòng thì anh tranh thủ đi xịt thuốc, cấy thuê.

Các hộ khó khăn ở H.Mộc Hóa được nhận máy rải phân, gà con và tiền hỗ trợ làm ăn
Các hộ khó khăn ở H.Mộc Hóa được nhận máy rải phân, gà con và tiền hỗ trợ làm ăn

Vợ Huy người Đồng Tháp, trước làm công nhân trong cơ sở chế biến cá ba sa. Sau khi lấy chồng, chị về Mộc Hóa sinh liền hai con nhỏ nên giờ chỉ ở nhà nội trợ, chăm con. “Coi tướng tá vậy chớ Huy yếu, nó bị đau khớp, cột sống, một mình cáng đáng cả nhà muốn hụt hơi. Thấy con cực quá thì thương nhưng cũng không có khả năng giúp nó. Tui mổ dạ dày, mổ thận hai lần, còn bả cũng đau bệnh liên miên. Căn nhà này vợ chồng tui cất hơn 20 năm rồi, giờ vá víu tùm lum, chỗ tôn, chỗ đất” - ông Sơn giãi bày.

Hội Phụ nữ Công an TP.HCM đã vận động được 50 triệu đồng hỗ trợ anh Huy xây căn nhà mới. 

Cũng ở ấp Bình Bắc, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Hạnh và anh Nguyễn Thanh Dũng đã quen, yêu thương rồi cưới nhau từ những xô vữa, xe gạch trên các công trình xây dựng. Chẳng ai ngờ cái nghiệp phụ hồ lại nhiều rủi ro đến vậy. Năm ngoái, anh bị té giàn giáo trẹo cột sống. Ít lâu sau, chị cũng bị tai nạn trên đường đi làm, dập bả vai.

Không còn sức đi nắng về gió, chị Hạnh ở nhà bán quán cà phê, còn anh Dũng xin làm bảo vệ công ty chế biến thức ăn chăn nuôi ở H.Bến Lức. “Vợ chồng vẫn uống thuốc mỗi ngày và đi viện suốt. Mình ở vùng vành đai biên giới, quán chỉ lèo tèo vài khách. Hai đứa con còn đang đi học. Mình cứ ước có tiền đầu tư làm vườn chăn nuôi gà mà thấy xa vời quá. Ngờ đâu bữa nay được Hội Phụ nữ cho tiền mua gần 250 con gà con về thả vườn, mừng lắm” - chị Hạnh tâm tình.

Tương tự, chị Huỳnh Thị Hồng Tuyên, 32 tuổi, cũng ở ấp Bình Bắc, xem việc có một khu vườn chỉ là giấc mơ. Vợ chồng chị có hai con gái học lớp Sáu và lớp Một. Chồng đi làm thuê, còn chị bán hủ tíu buổi sáng, tay làm hàm nhai chứ không có gì tích cóp. “Cận tết mà được Hội hỗ trợ mua dê giống về nuôi, thêm một ít gà con nữa, mình không biết diễn tả niềm vui như thế nào. Sự sẻ chia này của Hội đối với vợ chồng mình là vô giá” - chị Hồng Tuyên tâm sự. 

Ngoài tiền xây nhà, mua gà, mua dê giống cho anh Huy, chị Hạnh, chị Tuyên, sáng 3/1, Hội Phụ nữ Công an TP.HCM còn trao tiền đầu tư nuôi vịt và máy rải phân cho 8 hộ gia đình khác ở hai xã Bình Hòa Tây và Bình Thạnh. Trung tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM - cho biết, đây là hoạt động hỗ trợ đầu tiên trong năm nay.

Sắp tới, Hội sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu, sau đó vận động nguồn lực từ chị em trong lực lượng vũ trang thành phố để tiếp tục các chương trình hỗ trợ phụ nữ vùng sâu vùng xa, biên giới làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. 

Bữa cơm có thịt

Bà Nguyễn Thị Lý, 67 tuổi, ở ấp Bình Tây 1, xã Bình Hòa Tây bấm đốt ngón tay tính, tới 3/1 là đúng 18 ngày bà không đi bán vé số. Bà vừa mổ khối u ở mông được gần hai tuần nên giờ đi đứng cứ chênh vênh, ngồi không được mà nằm cũng chẳng xong. 17 năm trước, chồng mất vì bệnh xơ gan, bà Lý đầu tắt mặt tối làm mướn nuôi 5 người con. Nay các con đều đã lập gia đình, tha phương kiếm sống, còn lại mình bà với xấp vé số sớm chiều.

“Nghe tết lại chạnh lòng. Sắp nhỏ thỉnh thoảng mới về thăm” - bà Lý nghẹn giọng.

Cùng với chị chồng là bà Trần Thị Hiệu đã 80 tuổi, bà Lý mân mê phần quà vừa được nhận, nào dép, mùng, mền, bánh ngọt, dầu ăn, đường, nước mắm, mì gói, có cả bao lì xì… rồi nhoẻn cười: “Mấy tháng rồi, tụi tui chẳng biết miếng thịt ra sao. Bữa nay ba bà cháu tui sẽ chơi sang làm bữa cơm có thịt”. 

Nhìn bà Võ Thị Thang, ở ấp Gò Dồ ôm bụng lặc lè, nhiều người cứ ngỡ bà sắp sinh. Nhưng khi vỡ lẽ, mọi người mới bùi ngùi trước hoàn cảnh éo le của bà. Chứng xơ gan cổ trướng khiến bụng bà ngày càng phình to, căng cứng, cơ thể mệt mỏi. “Tui mới được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung, nhưng bác sĩ nói cơ thể yếu quá giờ vô hóa chất rất nguy hiểm, mà không điều trị thì thấy trước cửa tử rồi đó” - bà Thang pha trò nhưng nghe rất buồn.

Chồng bà cũng mắc bệnh xơ gan, thiếu máu cơ tim và tiểu đường, đang nằm một chỗ. Có cô con gái đã lập gia đình, nhưng cứ phải về chăm sóc cha mẹ, bỏ bê gia đình, ông bà cũng xót xa. Từ nhiều năm nay, tết là khái niệm ở đâu đó chứ không có trong căn nhà chỉ rặt mùi thuốc của bà. 

Được biết, gần 300 triệu đồng của tổ chức “Xuân biên giới” lần này là do cán bộ, chiến sĩ nữ Công an TP.HCM cùng các nhà hảo tâm đóng góp. Vào tháng Ba tới, Hội Phụ nữ Công an TP.HCM sẽ đồng hành cùng Hội LHPN TP.HCM trao tặng một giếng nước khoan cộng đồng và 5 nhà vệ sinh tự hoại cho hộ nghèo ở tỉnh Quảng Trị. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI