Bao lì xì mừng tuổi nội, ngoại

22/01/2023 - 07:03

PNO - Ngày bé, tôi cứ tưởng chỉ có con nít mới được nhận lì xì, sau này tôi lại nhớ nhất hình ảnh bà ngoại cầm phong bao đỏ thắm, cười hồn hậu.

Tôi sống trong Nam từ nhỏ, nên lâu lâu được về Bắc ăn tết là rất vui, cảm giác như một vùng trời văn hóa được mở ra vậy. Bố tôi thường nhân tiện một chuyến về quê, sẽ kéo tôi đi Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình… vừa thăm họ hàng, vừa cho tôi trải nghiệm tết của mỗi nơi mỗi khác.

Trong Nam, tết nào cũng nấu bánh tét, canh khổ qua, thịt kho hột vịt… Còn ngoài Bắc, tôi được mở rộng tầm mắt với nào là giò thủ, giò lụa, canh bóng thả, bún thang, thịt đông… Ăn nhiều món tết, ở chơi dài ngày nhưng điều làm tôi nhớ nhất lại không phải ẩm thực, mà có lẽ là hình ảnh bàn thờ bày biện cẩn thận, là dáng ngồi chung chiếc chiếu ăn cơm của các bác các chú khề khà câu chuyện đầu năm, là hình ảnh ngoại tôi nhận lì xì.

Năm nào ăn cỗ tết ở quê, bố tôi cũng chuẩn bị một vài bao lì xì đặc biệt. Tôi luôn chú ý đến những chiếc bao đỏ đó là vì kích cỡ lớn hơn các bao khác, đẹp mắt hơn được bố xếp trang trọng, phẳng phiu. Rồi đến giao thừa, các mùng, bố sẽ dành biếu cho các cụ già trong họ.

Được lì xì người lớn tuổi là một hạnh phúc của các con cháu - Ảnh minh họa

Những phong bao bày tỏ tình cảm và sự quan tâm dành cho ông bà - Ảnh minh họa

Mỗi phong bao ấy không quá nhiều tiền, chỉ là chút lộc đầu năm, nhưng tết nào cũng phải có. Bọn trẻ chúng tôi háo hức mừng tuổi bao nhiêu thì các bà, các ông lớn tuổi cũng háo hức như thế. Tôi đoán vậy bởi người ta vẫn nói tâm hồn người già như con trẻ. Cách gửi trao bao lì xì cũng phải đầy trân trọng, mừng các ông bà, các cụ đón tết vui vầy bên con cháu.

Tôi nhớ như in hình ảnh bà ngoại nhận bao lì xì, nghe con rể (là bố tôi) chúc sống khỏe, sống lâu, nhớ như in bà ngồi chỗ căn nhà ba gian tự hào cầm những phong bao ấy xếp thẳng thớm. Tất nhiên tuổi già chẳng dùng đến bao nhiêu tiền. Bà sẽ xếp số tiền ấy vào một chiếc túi, cất rất kỹ. Hoặc có khi bà xếp thành một tệp, cuộn tròn lại, rồi bỏ vào túi áo trước bụng, gài lại thật kỹ bằng kim băng.

Số tiền ấy, bà lại dành để mừng cho đứa cháu đi học, đứa khác kết hôn, thăm một bà bạn lúc ốm đau, đi chùa cầu phúc cho cả họ, hoặc đôi lúc là dành mua cái kẹo, miếng bánh đa, ít trái cây cho bọn trẻ có điểm 10. Cũng có lúc, bà rạng rỡ khoe sẽ dành tiền để mừng một đứa chắt mới ra đời, một cách đầy tự hào và xúc động.

Bà luôn dành cái lộc của chính bà cho con cháu - Ảnh minh họa

Bà luôn dành cái lộc của chính bà cho con cháu - Ảnh minh họa

Niềm vui của bà nối tiếp những niềm vui như thế. Phong bao lì xì tuy bé nhỏ, nhưng là tình cảm mà những người làm con như bố, như các bác gửi trao, lan tỏa tình yêu thương trong dòng họ. Trong lòng bố, lì xì là một nét đẹp để báo hiếu, yêu thương và thể hiện sự quan tâm đến bà. Chỉ cần mỗi năm thấy bà vẫn khỏe mạnh, đón nhận lời chúc, nhận một phong bao thì đã là phước rất to lớn của những người làm con rồi.

Tôi nhớ rất rõ, là bởi bà ngoại tôi đã mất. Tết năm nào cũng vậy, bàn thờ vẫn bày biện đủ đầy, bố vẫn đặt lên vài phong bao đỏ, nhưng đã không còn người ngồi nhìn chúng tôi trìu mến. Mỗi lần về quê, tôi cũng chẳng còn nghe bà gọi: "Vào đây bà cho cái kẹo". Tôi hiểu rằng cả những người trung niên như bố hay người trẻ như tôi, hay bọn trẻ con nhao nhao trước sân nhà mấy ngày mùng đều thấy thiếu bâng khuâng một dáng hình quen thuộc như thế.

Mừng tuổi nội ngoại là một điều rất phổ biến ở quê tôi. Thói quen ấy khiến chúng tôi nhắc mình nhớ rằng, mình có ông có bà luôn chung một niềm vui thơ trẻ. Càng khiến chúng tôi nhắc nhở nhau quan tâm đến ông bà, trân trọng những ngày tết đủ đầy và nhất là mừng vui vì thấy người thân mình vẫn còn khỏe mạnh.

P.Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI