AI đang được sử dụng rộng rãi trong ngành thời trang Nhật Bản

20/02/2025 - 15:35

PNO - AI đang được tích hợp vào những phong cách mới nhất trên sàn diễn thời trang và được sử dụng để tạo ra trang phục cho cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết vì chưa có hướng dẫn nào của quốc gia hoặc ngành để ngăn chặn nạn làm giả và trộm cắp thiết kế.

Bộ trang phục liền quần với thiết kế giống như trang phục đua xe từ thương hiệu Yoshiokubo của Nhật Bản cho mùa Xuân/Hè 2025 đã được trình diễn tại Tokyo Collections vào tháng 9/2024. Họa tiết của bộ trang phục do generative AI (AI tạo sinh) thực hiện.

Bộ đồ liền quần của Yoshiokubo có thiết kế giống như một bộ đồ đua, được tạo ra bằng AI tạo sinh
Trang phục liền quần của Yoshiokubo có thiết kế giống như trang phục đua xe, được tạo ra bằng generative AI

Nhà thiết kế Yoshio Kubo, 50 tuổi, đã sử dụng generative AI trong 2 mùa liên tiếp. Kubo quyết định sử dụng generative AI vì ông cho rằng sẽ rất thú vị khi thiết kế quần áo bằng công nghệ mới nhất. Tuy nhiên, ông luôn thay đổi và thêm những nét thiết kế riêng của mình vào các gợi ý của AI để làm cho chúng trở nên độc đáo hơn.

Ở với bộ sưu tập Thu- Đông 2024, Kubo đã hướng dẫn AI tạo ra một mẫu hoạ tiết. Sau đó, ông thêm vào các hoạ tiết hỗ trợ để hình ảnh trên trang phục giống hình ảnh 3D. Ông cho biết: "Nhà thiết kế phải hình dung được sản phẩm hoàn thiện sẽ trông như thế nào".

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong ngành thời trang ở các nhiệm vụ như viết tài liệu quảng cáo cho mạng xã hội mà còn để tạo ra các thiết kế.

Nhà thiết kế Yoshio Kubo
Nhà thiết kế Yoshio Kubo

Maison AI, một công cụ AI tạo văn bản và hình ảnh được thiết kế riêng cho ngành thời trang, tạo ra các mẫu mã, thiết kế và mô hình theo lựa chọn và hướng dẫn của người dùng. OpenFashion, công ty có trụ sở tại Tokyo phát triển Maison AI, đã phát động một cuộc thi thiết kế có sử dụng AI vào năm 2024. Các nhà thiết kế được trao giải vào tháng 11/2024 đã giới thiệu những tác phẩm AI tạo ra có cả người mâu giống như người thật.

Việc sử dụng AI không chỉ giới hạn ở các buổi trình diễn thời trang và các cuộc thi. Theo Toyoshima & Co., Ltd., một công ty thương mại dệt may lớn có trụ sở tại Nagoya, hệ thống “Virtual Standard AI-Pattern” do công ty tự phát triển được công bố vào tháng 1 năm 2024 đã được một công ty may mặc lớn sử dụng để phát triển các sản phẩm mới.

Với hệ thống này, nếu người dùng chọn hoa văn từ 10 mẫu và chọn từ 1 khóa, AI sẽ gợi ý khoảng 100 mẫu khác nhau trong vòng 1 đến 2 giây. Việc chỉnh sửa hình ảnh cũng đơn giản.

Satoshi Kato, người phụ trách lập kế hoạch thiết kế tại công ty, cho biết: "Những người sáng tạo đã có thể giảm một nửa thời gian cần thiết để thực hiện các bản sửa đổi theo yêu cầu của khách hàng. Điều này dẫn đến việc cải thiện chất lượng".

Hệ thống “Virtual Standard AI-Pattern” của Yomiuri Shimbun Toyoshima & Co., Ltd.
Hệ thống “Virtual Standard AI-Pattern” của Yomiuri Shimbun Toyoshima & Co., Ltd.

Năm 2024, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã đưa ra hướng dẫn cho các ngành công nghiệp nội dung như trò chơi, phim hoạt hình và quảng cáo về cách sử dụng các sản phẩm do AI tạo ra và giải thích các biện pháp pháp lý cần thực hiện.

Tuy nhiên, không có hướng dẫn nào tương tự cho ngành thời trang. Các nhà sản xuất trong ngành thời trang và các công ty thương hiệu phải tự đưa ra quyết định của mình.

Hiroshi Komoda, tổng thư ký của Tổ chức Tuần lễ thời trang Nhật Bản cho biết: "Việc giới thiệu generative AI có thể tạo ra góc nhìn chưa từng có về thế giới, nhưng nó cũng đe dọa làm suy yếu khả năng sáng tạo của con người".

Ngay cả trước khi có AI, nạn làm giả và trộm cắp thiết kế và các biện pháp chống lại vấn nạn này đã là vấn đề trong ngành thời trang. Komoda cho biết: “Chúng tôi muốn có nhiều cuộc bàn luận sâu về vấn đề này, đồng thời vẫn theo dõi chặt chẽ các xu hướng ở nước ngoài”.

Tuấn Huy (theo Japannews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI