Xuân tha hương

02/02/2022 - 06:33

PNO - Kể chuyện đón xuân nơi quê người chỉ để hướng về chuyện quê nhà và tôi lại vẫn hy vọng tết năm sau sẽ được trở về, và tôi tin hy vọng ấy sẽ sớm thành hiện thực. Rất sớm!

Đầu tháng 2/2020, đúng mùng 1 Tết Canh Tý, tôi tiếp một người khách từ Việt Nam sang thăm. Cô ấy là học trò cũ, gia đình khá giả, cho con du học thạc sĩ tại Trường đại học Monash phía đông thành phố Melbourne. Tôi lái xe đưa hai mẹ con cô đi viếng chùa Quang Minh, rồi đi một vòng thăm mấy vùng có đông người Việt ở phía tây, sau cùng đi ăn ở một nhà hàng Việt vùng Sunshine. Xế chiều, lúc chia tay mẹ con cô tại sân ga Footscray, tôi hứa chắc nịch: “Hè năm nay thầy về sớm. Tháng 5 là thầy có mặt ở Sài Gòn”. Thầy trò tạm biệt trong niềm tin chắc chắn như thế!

Việc đời không ai lường trước được chữ ngờ. Đúng 1 tháng sau, tháng 3/2020 chính phủ liên bang Úc tuyên bố đóng cửa biên giới với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Và cái hẹn tháng 5 của tôi với các thân hữu và học trò cũ đến nay chưa thành hiện thực.

Việc kể trên xảy ra vào giai đoạn đầu của đại dịch. Khi ấy corona virus vừa bùng phát ở Vũ Hán, rồi lan sang Mỹ, sang Ý, Anh, Pháp… và khắp châu Âu. Cuối cùng lan ra khắp các châu lục, từ Brazil đến Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Indonesia… Nhưng cả năm 2020, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam tương đối nhẹ nhàng với số ca nhiễm không đáng kể và số tử vong = 0. Nước Úc cũng vượt qua năm 2020 không mấy nặng nề. Trong tình hình ấy niềm hy vọng trong tôi nhen nhóm trở lại, nhất là khi bắt đầu có vắc xin thì càng tin chắc ngày về không còn xa!

Bước sang năm 2021, tình hình đột nhiên xoay chiều theo hướng xấu, do sự xuất hiện của biến thể Delta. Dù vắc xin bắt đầu được tiêm đại trà ở một số nước giàu như Mỹ và châu Âu, nhưng đa số nước nghèo không có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin rất hạn chế. Riêng nước Úc, do một số trục trặc về thủ tục nên việc triển khai tiêm chủng bị trễ, và lập tức phải trả giá cho chuyện này. Số ca nhiễm tăng nhanh, hệ thống y tế nhanh chóng bị quá tải, số giường nằm trong ICU thiếu trầm trọng. Số ca tử vong tăng hàng ngày. Sydney bị lock down và tiếp đó là Melbourne với đợt phong tỏa nghiêm ngặt và lâu dài nhất thế giới.

Trường học, hãng xưởng, văn phòng, cửa hàng… đóng cửa tất tật. Mọi người được yêu cầu ở yên trong nhà, tuần lễ chỉ một người đi mua thực phẩm cho cả gia đình, và chỉ được đi trong bán kính 5km. Mọi cuộc tụ tập quá 5 người bị nghiêm cấm và bị phạt rất nặng, khoảng hơn 5.000 AUD/ người. Khổ thân ông anh hai tôi, ngày giỗ bố mọi năm tập trung đông đủ anh em, con cháu gần 40 nhân khẩu, nay phải gạn lọc chỉ còn 5. Thế là ông lãnh đủ eo sèo thị phi vì người được mời, người không!

Chùa Quang Minh
Chùa Quang Minh

Cuộc sống bí bức vì phong tỏa, nhưng về mặt tài chính thì dễ chịu vì chính phủ Úc trợ cấp khá hào phóng: trợ cấp thất nghiệp và tất cả các trợ cấp xã hội khác đều tăng. Người mất việc vì hãng xưởng, cửa hàng đóng cửa được lãnh tiền job keeper tương đương mức lương khi làm việc. Nói chung cuộc sống không khó khăn mà chỉ khó chịu vì không được ra ngoài, không được giao tiếp. Có chăng những cuộc tập hợp đông người là những cuộc phản đối chống phong tỏa, chống vắc xin, chống giãn cách xã hội - và kết thúc bằng bắt bớ, bạo động.

Năm 2021 khép lại với 2 chuyển biến lớn: kết thúc phong tỏa và sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Trước mùa lễ hội Giáng sinh và năm mới, nước Úc đạt mục tiêu hơn 90% dân số trên 17 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tiếp tục mở rộng tiêm mũi booster, đồng thời khuyến khích tiêm chủng với lứa tuổi 12 đến 17. Ngay lập tức chính phủ tuyên bố chấm dứt phong tỏa và cam kết sẽ không lặp lại, trừ những khuyến cáo phòng ngừa. Các tiểu bang mở cửa biên giới.

Tình hình thực sự là như sau: Áp lực kết thúc lock down, trở lại làm ăn sinh hoạt bình thường là rất lớn, một phần vì người dân căng thẳng tột độ sau gần trọn 1 năm đóng cửa, phần quan trọng hơn là không thể tiếp tục đóng băng nền kinh tế thêm nữa. Cả thế giới chấp nhận coi COVID-19 như dịch cúm thông thường, các hoạt động xã hội phải tái lập. Nếu tiếp tục đóng cửa thì dân mất việc mà nhà nước thì không thể trợ cấp mãi được! Và thế là mở toàn bộ, dù dịch bệnh vẫn căng thẳng, còn dữ dằn hơn vì có thêm Omicron!

Vậy là sau mùa lễ hội, số ca nhiễm ngày càng tăng, tăng đều khắp các tiểu bang. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Sydney và Melbourne có ngày ghi nhận trên 100 ngàn ca nhiễm mới. Số ca tử vong cũng tăng theo.

Người ta cố đưa hoạt động kinh tế xã hội bình thường trở lại nhưng thực tế là không thể. Các ca nhiễm mới tập trung ở giới công nhân, nhân viên tiếp xúc nhiều, và khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì họ nghỉ việc.

Hậu quả là hoạt động kinh doanh lại tắc nghẽn cục bộ. Ví dụ rõ nhất là giới tài xế xe tải: số người nhiễm COVID-19 nghỉ việc nhiều đến mức hàng hóa không giao chuyển được, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều hoạt động khác. KFC chẳng hạn, phải đóng một số cửa hàng vì không có thịt gà! Nhiều siêu thị đóng quầy vì thiếu nhân viên bán hàng. Và như thế việc trở lại bình thường không biết đến bao giờ mới thực sự… bình thường!

Xuân Nhâm Dần 2022 đến trong tình trạng nhập nhằng như vậy. Người Việt đón tết trong tâm thức dè dặt cảnh giác vì COVID-19 vẫn lởn vởn vây quanh, nên tết năm nay dù khởi sắc hơn năm ngoái (Tân Sửu) nhưng chắc chắn không bằng năm kia (Canh Tý). Năm học mới lại khai trường đúng ngày 29 (=30) tết và mỗi học sinh được phát 5 bộ test nhanh để tự kiểm tra hàng ngày, nếu phát hiện dương tính thì lập tức nghỉ học, cách ly tại nhà. Vì thế chợ búa, cửa hàng vẫn nhộn nhịp mua sắm vào mấy ngày cuối năm nhưng không khí chung là ít hào hứng. Chợ tết tràn đầy bánh mứt nhập từ Việt Nam, từ mứt me, bí, dừa, thèo lèo… đủ loại đặc sản tết quê hương. Hội chợ tết vẫn được các cộng đồng địa phương tổ chức luân phiên vào các chủ nhật trước và sau tết, từ Footscray tới Richmond rồi Springvale tới St Albans… nhưng không thu hút lắm vì người dân cũng ngại tụ tập đông.

Năm nay chính quyền tiểu bang phối hợp với chùa Quang Minh tổ chức lễ hội đêm giao thừa rất thành công
Năm nay chính quyền tiểu bang phối hợp với chùa Quang Minh tổ chức lễ hội đêm giao thừa rất thành công

Đặc biệt năm nay chính quyền tiểu bang phối hợp với chùa Quang Minh tổ chức lễ hội đêm giao thừa rất thành công. Dòng người đông đúc đi thắp hương lễ Phật, đón giao thừa, xem pháo bông, múa lân sư rồng và hái lộc đầu năm trong trật tự chứ không xô bồ hỗn độn như mấy năm trước.

Kể chuyện đón xuân nơi quê người chỉ để hướng về chuyện quê nhà. Tết năm nay là tròn hai năm “quê hương khuất bóng hoàng hôn". Hai năm trời lận đận, hai phương trời thương đau, mất mát như nhau. Nói là như nhau nhưng quê nhà tổn thất nặng nề hơn nhiều. Xuyên suốt năm 2021, lúc nào lòng cũng quặn thắt khi đọc tin về diễn biến dịch bệnh ở quê nhà. Nơi ấy tôi còn gốc rễ, niềm tin và lẽ sống của đời mình. Nơi ấy tôi còn nhớ từng gốc cây, góc phố, từng dấu chân trên những nẻo đường từ đồi núi Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung cát trắng biển xanh. Và hơn hết, nơi ấy tôi còn những người tôi thương yêu tôn quý nhất trong đời. Thế thì tôi lại vẫn hy vọng năm nay sẽ trở về, và với xu thế mới của thế giới, tôi tin hy vọng ấy sẽ sớm thành hiện thực. Rất sớm!

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI