Thời trang nhanh sẽ 'chết' theo Forever 21?

10/10/2019 - 10:30

PNO - Năm qua, Forever 21 đệ đơn xin phá sản, công ty mẹ của Topshop và Topman (Anh) Arcadia Group cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ngành công nghiệp thời trang nhanh đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sự kiện hãng thời trang Forever 21 vừa đệ đơn xin phá sản tuần rồi, cùng với việc công ty mẹ của Topshop và Topman (Anh) Arcadia Group cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ hồi tháng . Năm vừa qua, một lần nữa chứng tỏ ngành công nghiệp thời trang nhanh đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa với việc thời trang nhanh cũng sẽ chết theo, mà nó là tín hiệu cho thấy khuynh hướng tiêu dùng của giới trẻ hiện nay đã thay đổi. 

Đối tượng khách hàng chính của thời trang nhanh là giới trẻ thế hệ Z - những người chào đời từ năm 1998 trở đi - thời điểm internet phát triển. Sức ảnh hưởng của mạng xã hội, YouTube trở thành những yếu tố chi phối thói quen tiêu dùng của giới trẻ. Forever 21 không chú ý đến khía cạnh này, mà vẫn trung thành với phương thức bán hàng truyền thống: ở các cửa hàng. Forever 21 sở hữu tới 815 điểm bán hàng trên toàn cầu. Việc đổ tiền vào mặt bằng trong khi kinh doanh ngày càng ế ẩm (từ cột mốc doanh thu 4,4 tỷ USD năm 2016 xuống còn 3,3 tỷ USD năm 2018) khiến đế chế Forever 21 dần lụi tàn.

Trong khi những thương hiệu thời trang bán lẻ điện tử như ASOS, Boo Hoo vẫn sống khỏe, với mức tăng trưởng doanh thu của ASOS là 8%, Boo Hoo là 62% vào nửa đầu năm 2019. Ngay đối thủ của Forever 21 là H&M cũng có mức tăng trưởng 17% theo tiết lộ của giám đốc điều hành H&M, ông Karl-Johan Persson.

Thoi trang nhanh se 'chet' theo Forever 21?
Forever 21 lo đầu tư hệ thống cửa hàng thật nhiều, thật rộng, mà không màng đến thói quen mua sắm trực tuyến của giới trẻ, nên kinh doanh ngày càng đi xuống, dẫn đến phá sản

Một thay đổi nữa trong khuynh hướng mua sắm của thế hệ Z, là đối tượng này ngày càng ý thức hơn tác hại của ngành công nghiệp thời trang nhanh đến môi trường, cũng như sức khỏe của người lao động nghèo. Do đó, họ hướng sự chú ý tới những thương hiệu thời trang phát triển bền vững. Và trong khi các đối thủ như H&M, Zara có những tuyên bố và hành động cụ thể để theo đuổi thời trang “xanh”, hay từ năm nay, ASOS không còn bán những sản phẩm thời trang làm từ lông vũ, len dệt từ lông dê, lông cừu… thì Forever 21 vẫn không hề quan tâm đến vấn đề này, nên bị quay lưng là điều tất yếu. 

Thời trang nhanh không chết ngay theo Forever 21 nhưng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trước mắt, mà nếu không có giải pháp, sẽ chết nhanh như cái tên thời trang nhanh. Như đã nói, thế hệ Z có ý thức hơn về những gì đang tiêu thụ, nên họ hạn chế tiếp tay tiêu xài những sản phẩm dùng một lần rồi bỏ, nhưng gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe của người làm ra nó. Thay vì chi 5 USD cho một cái áo, hay 25 USD cho một chiếc váy Forever 21, giới trẻ chuyển hướng sang thuê quần áo ở những cửa hàng như Rent the runway, hoặc mua hàng second-hand của ThredUp, để vừa bảo vệ môi trường, vừa thỏa mãn nhu cầu ăn mặc độc - lạ, không đụng hàng như khi mua sản phẩm thời trang nhanh. 

Theo tính toán của Global Data Retail, dự báo đến năm 2028, ngành kinh doanh đồ cũ có khả năng đạt mốc doanh thu 64 tỷ USD, gấp 1,5 lần ngành thời trang nhanh. 

Quang Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI