Tết đến từ nỗi nhớ

14/02/2021 - 06:44

PNO - Những người sống ở miền ôn đới lạnh buốt giá như chúng tôi, chỉ có thể cảm nhận được tết đang đến từ nỗi nhớ thương quê nhà trong trái tim mình.

Cứ khoảng chục ngày trước Tết, thường vào khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2, là rơi vào độ chính đông của Hà Lan, cũng như khắp châu Âu. Băng giá và lạnh lẽo bủa vây, có những năm tuyết rơi trắng xóa. Vì thế, sẽ chẳng ai cảm nhận được tết đến từ không gian bên ngoài nơi xứ người.

Câu đối, hoa trang trí... đều không thể thiếu vào dịp tết
Câu đối, hoa trang trí... đều không thể thiếu vào dịp tết

Tết chỉ bắt đầu hiện diện trong cảm xúc khi gia đình  này gọi gia đình kia, hỏi về việc đặt bánh chưng bánh tét, nhà nào năm nay sẽ gói, nơi nào năm nay sẽ  nhận đặt bánh, mỗi gia đình cần bao nhiêu bánh để ăn tết năm nay.

Và vài ba chợ Việt nho nhỏ, sẽ bắt đầu bán lá chuối, lá dong, nếp đậu xanh thịt mỡ, để người Việt sinh sống xa quê tổ chức gói bánh cho gia đình mình và cho các gia đình bạn bè người thân. Và người ta bắt đầu cảm nhận tết đang đến.

Sống ở xứ người phụ nữ Việt phải xoay sở nhiều hơn. Bởi trong trời giá rét, rau củ quả và gia vị để chế biến các món ăn Việt khá hiếm hoi, thì việc bày biện một mâm cơm đậm đà hương vị Việt để họp mặt gia đình người thân bạn bè, cần phải “vận công” về sự khéo léo rất nhiều. Muối củ cải, ngâm củ kiệu, kho nồi thịt kho tàu, rồi khổ qua nhồi thịt, con gà luộc, vài cuốn chả giò... đều phải kỳ công từ khâu tìm mua nguyên liệu nấu nướng cho đến khâu chế biến. Nhưng hầu như gia đình nào cũng bày biện, cũng nấu nướng, phần để gia đình mình thưởng thức, phần còn đãi người thân khách khứa ghé đến chơi.

Chút mứt, trà... thôi là tết đã về
Chút mứt, trà... thôi là tết đã về

Hoa ở xứ người cũng không phải là không có. Hoa hồng hoa cúc hoa lay ơn, mùa đông tuy hơi đắt đỏ nhưng vẫn có thể mua. Tuy nhiên một nhành mai vàng thắm hoặc một nhành đào sắc hồng phơi phới cho đúng với không khí ngày xuân, lại là điều không thể có ở xứ người. Vậy nên cành mai giả sẽ được thay thế để trang trí phòng khách. Nhành mai tôi mua ở quê nhà từ nhiều năm về trước, gói ghém vào va li mang sang quê hương mới, năm nào cũng được mang ra chưng trong phòng khách. Rồi treo lên những câu đối, lời chúc đo đỏ, may mắn, cũng làm sáng bừng một góc nhà. Đó là chưa kể rất nhiều đồ trang trí tôi tha từ Sài Gòn sang đây, năm nào cũng đem ra dán chỗ này treo chỗ nọ. Ai đến chơi nhà cũng khen nhà có không khí tết, ở xứ người có được không khí xuân là rất quý, ấm cúng vô cùng.

Vì ngày tết không phải là ngày lễ ở xứ người, nên nếu giao thừa hay  mùng 1 rơi vào giữa tuần, ai cũng phải đi làm, thì việc đón tết phải dời lại vài ngày đến cái cuối tuần gần nhất. Một gia đình sẽ được chọn để “đăng cai” tổ chức tết và anh chị em bạn bè sẽ cùng đến để quây quần bên nhau. Trời giá rét nhưng các chị em phụ nữ cũng chịu khó mặc áo dài. Không được du xuân tung tăng ngoài phố nhưng trong nhà có chút sắc vàng của mai, sắc đỏ của những câu đối lời chúc trang trí, cũng ấm sực mùi tết, nên cũng cùng nhau chụp vài bức ảnh mùa xuân. Trẻ em cũng mặc áo mới, được người lớn lì xì, học những câu chúc tết và vòng tay chúc tết người lớn, trông thật đáng yêu.

Nhạc xuân được mở trên ti vi, rộn ràng những bài hát một thời, ắp đầy kỷ niệm. Rồi mâm tết dọn ra, bánh tét bánh chưng thịt kho tàu đầy đủ, tiếng cười vui rộn rã bên nhau, sưởi ấm lòng những người con xa xứ luôn đau đáu nhớ về cái tết đầm ấm thuở xưa ở quê nhà.

Mâm cỗ tết đơn sơ, nhưng đủ để người xa xứ ấm lòng
Mâm cỗ tết đơn sơ, nhưng đủ để người xa xứ ấm lòng

Năm nay những người con xa xứ ở châu Âu hầu như không có tết. Giữa tháng 2 tuyết rơi trắng xóa, dịch bệnh hoành hành, không được đến thăm nhà nhau, nên mọi người không thể tổ chức Tết quây quần bên nhau. Các món ngon ngày tết vì thế không được chuẩn bị cầu kỳ công phu như mọi năm, vì sẽ không đón tết chung. Tuy nhiên, những cuộc gọi điện thoại hỏi thăm nhau, động viên nhau cố gắng qua thời điểm khó khăn, gửi đến nhau những lời chúc an lành dịp xuân về, thì không thể thiếu.

Những người con Việt Nam xa xứ lại an ủi nhau, sang năm ta lại tổ chức tết thật vui, như những năm trước đã từng, để luôn nuôi dưỡng trong lòng tình yêu Tết, cũng như tình yêu dành cho quê hương xứ sở mình.

 

Huỳnh Thu Dung (từ Hà Lan)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI