Phim "Thương con cá rô đồng": Thương những đứa trẻ “mồ côi mẹ lót lá mà nằm...”

13/05/2021 - 06:33

PNO - Bộ phim Thương con cá rô đồng (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, Mega GS sản xuất, phát sóng vào lúc 14 giờ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3) vừa lên sóng được ba tập, nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Trên mạng, khán giả bình luận sôi nổi sau mỗi tập phim.

Bộ phim Thương con cá rô đồng (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, Mega GS sản xuất, phát sóng vào lúc 14 giờ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3) vừa lên sóng được ba tập, nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Trên mạng, khán giả bình luận sôi nổi sau mỗi tập phim. 

“Xem mà thương mấy đứa nhỏ”

Thương con cá rô đồng lấy nước mắt người xem ngay từ cảnh đầu tiên: người mẹ của năm đứa con nhỏ (Thương, Nhớ, Thiệt, Lắm, Út Lành) qua đời. Các diễn viên nhí Huyền Diệu, Thảo Nguyên, Đình Lộc… nhập vai rất xúc động. Nỗi mất mát và những giọt nước mắt đầu phim cũng chính là bắt đầu cho một đoạn đời “cơm chan nước mắt” của những nhân vật nhí. 

Mẹ qua đời, mấy chị em sống nương nhờ vào người dì (Tư Diệu, vai của NSƯT Hạnh Thúy). Nhưng bà dì này lại vô học, vô tâm, mê bài bạc, xem các cháu là gánh nặng nên thường xuyên đánh đập. Bối cảnh của ba tập phim đầu chỉ xoay quanh căn nhà lá nghèo nàn, trong nhà, ngoài sân, gian bếp và cánh đồng, không gian nơi bọn trẻ đi cấy lúa, mò cua bắt ốc, chăn vịt, khốn khổ chạy trốn người dì độc ác… Nhưng nội dung câu chuyện lại mở ra một không gian lớn hơn trong cảm nhận của người xem: đó là thân phận của những đứa trẻ nghèo, mồ côi trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ. 

Thương là một người chị đầy tình yêu thương, cam chịu, luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ, chăm sóc cho các em. Nhớ là đứa trẻ ham học nhưng cái nghèo khiến em không thể cắp sách đến trường. Lắm từ nhỏ đã chịu đòn roi nên trở nên ương bướng, chai lì.

Thiệt bị bắt cóc làm trẻ ăn xin, móc túi… Cảnh nheo nhóc ấy có thể nhìn thấy rất nhiều trong những gia đình miền quê. Đề tài không quá mới, kịch bản xây dựng tình huống cho đoạn đời của các nhân vật khi còn nhỏ cũng chưa phải quá bi kịch, nhưng phim lấy nước mắt người xem phải kể đến diễn xuất quá đạt của các diễn viên nhí. Cảnh mấy chị em bị dì đánh đuổi phải chạy trốn trong mưa, cảnh dì giành đôi bông tai, tài sản duy nhất mẹ Thương để lại làm của hồi môn cho con, cảnh hai chị em ngồi khóc khi thấy sách vở đi học của Nhớ bị dì xé rách, rồi đêm hôm đói lả xuống bếp tìm cơm nguội lại bị dì cấm không cho ăn chỉ vì làm lạc một con vịt...

Rất nhiều tình tiết tưởng chừng giản đơn, đời thường nhưng được thể hiện vô cùng cảm động. Lời thoại mộc mạc nhưng chân thật, dễ đi vào lòng người. Khán giả Vy Ngọc (Q.6, TP.HCM) chia sẻ: “Lâu rồi tôi mới khóc vì một bộ phim truyền hình nhiều như vậy. Xem tập nào cũng khóc hết nước mắt, thương mấy đứa nhỏ quá. Các diễn viên nhí đóng hay quá, từ biểu cảm đến lời thoại. Trước đây tôi có xem mấy bộ phim như Ầu ơ ví dầu, Sức mạnh tình thâm, cũng khai thác chuyện về những đứa trẻ có số phận cơ cực từ nhỏ, lạc cha mất mẹ rồi lớn lên… Kiểu phim như vậy thấy gần gũi, dễ đồng cảm, nhất là những ai cũng từng có tuổi thơ vất vả ở đồng ruộng”.

Phim hay vì nhiều yếu tố

Thương (lúc nhỏ) là vai diễn khổ đầu tiên của diễn viên nhí Huyền Diệu, không chỉ khóc nhiều mà còn liên tục dầm mưa, lội sình băng ruộng. NSƯT Hạnh Thúy nói các bé đã chịu cực, hy sinh hết mình vì những vai diễn. “Xúc động nhất là cảnh hai chị em Thương - Lắm ngồi khóc bên những trang vở bị xé rách, hay lúc ba chị em bị phạt phải chạy ra ngoài mưa, vừa ôm nhau vừa khóc vì lạnh và sợ. Nhiều cảnh diễn xong tôi phải ôm các bé xin lỗi, hỏi han bị “dì” đánh có đau không? Những vai diễn này quá nặng với các bé, nhưng phải nói là các con rất giỏi” - NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ. 

Một trong những nhân vật góp phần khiến phim trở nên ấn tượng còn là vai “bà dì độc ác” của NSƯT Hạnh Thúy. Sự xuất hiện của bà Tư Diệu lúc nào cũng đi kèm với chửi mắng, đánh đập, làm khổ các cháu nhỏ. “Nhân vật này ban đầu vốn không có trong kịch bản, nhưng đạo diễn đề nghị biên kịch thêm vào để phim có thêm màu sắc. Bà Tư Diệu không ác, nhưng vì không được học hành gì, lại nghèo túng nên lúc nào cũng ứng xử rất tệ” - NSƯT Hạnh Thúy nói thêm. Phim phát sóng, bà Tư Diệu là nhân vật bị khán giả… chửi nhiều nhất. Nhiều khán giả bình luận vai Tư Diệu ấn tượng không kém Tào Thị trong phim Phạm Công Cúc Hoa năm xưa. 

Bộ phim thu hút khán giả, một phần vì phim kể câu chuyện ở miền Tây Nam bộ, lại được phát sóng trên kênh VTV3 là cơ hội tiếp cận với khán giả cả Nam lẫn Bắc. Phim khai thác đề tài gia đình với hình ảnh người chị tần tảo thay cha mẹ nuôi các em khôn lớn khá xúc động, dễ chạm đến trái tim người xem. Bối cảnh phim cũng khá đẹp từ ngôi nhà lá, bến nước, đường làng đến không gian đồng ruộng... Có khá nhiều cảnh flycam được đạo diễn sử dụng. Những khung hình được quay từ trên cao vừa thể hiện cảnh đồng quê mênh mông thoáng đãng, vừa chuyển tải được ý nghĩa về những thân phận mồ côi, lẻ loi giữa cánh đồng.  
Ba tập phim vừa khép lại giai đoạn thơ ấu của các nhân vật, mạch phim hiện đã phát triển đến đoạn đời 16 năm sau của Thương, Nhớ, Thiệt, Lắm, Lành…

Phim dài 40 tập, sẽ còn rất nhiều bi kịch trong cuộc đời của mấy chị em. Giai đoạn sau dành lại cho phần diễn xuất của các diễn viên Lê Phương, Thanh Thức, Quốc Huy, Quang Thái, Như Đan, Đình Hiếu… Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường tâm tình: “Thương con cá rô đồng có được một kịch bản rất hay, mỗi nhân vật đều có đất diễn. Câu chuyện có sự liên kết của các nhân vật rõ ràng, mỗi nhân vật lại có màu sắc riêng. Thậm chí những vai phụ cũng có được đất diễn tốt. ê-kíp thực hiện cảnh quay lúc nào cũng muốn mang đến cảm xúc thật nhất. Tôi hy vọng phim đủ hấp dẫn khán giả truyền hình”.

Lục Diệp

 

Diễn viên Ngọc Tuyền (vai người mẹ) và dàn diễn viên nhí của phim
Diễn viên Ngọc Tuyền (vai người mẹ) và dàn diễn viên nhí của phim

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI