Những ngôi nhà trong tâm tưởng

08/02/2021 - 06:06

PNO - Quả thật, cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự ở bất kỳ đâu trên thế giới này.


“Giờ chỉ thèm một tô bún riêu có mắm tôm và được ở “nhà” thôi, nhưng “nhà” thì đã tận bên kia đại dương rồi”.

Tin nhắn được gửi đi vào lúc hai giờ sáng từ Mỹ. Tôi biết “nhà” mà N. - bạn tôi, đang nhắc đến không cụ thể là một nơi chốn nào, không hoàn toàn là Sài Gòn, hay Việt Nam, mà là cảm giác khó diễn tả của miền quê hương trong tâm tưởng, một loại gốc rễ của sự thuộc về. Mấy năm tha hương học tập và lập nghiệp nơi xứ người, cảm giác nhớ “nhà” này cũng trở thành một phần của đời tôi, như nỗi nhớ một tô bún riêu giản dị. Không phải thèm, mà là nhớ.

1*

Nhiều năm về trước, tôi và bạn bè vẫn tin rằng, nhất thiết phải ở một nơi cụ thể nào đó - với một văn hóa, môi trường thế nào đó, thì mình mới toại nguyện. Thời cấp III, tôi có nhóm bạn ba người, mỗi người một ước mơ, nhưng ước mơ nào cũng chới với. Cuối cùng, tôi và N., hai người trong nhóm, đã quyết định lên đường du học.

Trường rộng thênh thang với đông đảo giáo sư đầu ngành và sinh viên quốc tế giỏi giang. Dù từng học trường chuyên lớp chọn, nhưng sang đây, tôi bỗng dưng thấy mình nhỏ nhoi, bất an và đầy mặc cảm. 

Cả lớp toàn người châu Á, nhưng chỉ mình tôi là người Việt Nam. Trong một buổi thảo luận nhóm về chủ đề vô thức cộng đồng, tôi chợt nhận ra hình như chỉ có câu chuyện của dân tộc mình là đi không ngừng nghỉ từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, là những vết thương thuộc địa khốc liệt và những cuộc di dân xuyên thế hệ. Dường như cái tâm thức phải đấu tranh để tồn tại, phải tha phương, phải tập quen với nỗi bất an thường trực của một dân tộc hiếm khi hưởng yên bình, đã đi sâu vào vô thức người Việt.

Chợt cô bạn người Thái Lan kề bên tôi hỏi nhỏ: “Các cậu đã phải tranh đấu rất nhiều để được là người Việt Nam nhỉ?”. 

Dọc đường về phòng trọ, câu hỏi đó khiến tôi nghĩ mãi. Bằng một định mệnh nào đó, nhiều thế hệ người Việt đã tranh đấu lâu dài để được trọn vẹn làm người Việt Nam, nhưng cũng có nhiều người Việt phải tranh đấu để lại được ra đi, được ly hương, được tồn tại nơi xứ người…

Tôi kẹt lại ở ưu tư đó một thời gian rất lâu, tựa như câu hỏi mà tôi luôn dành cho chính mình: “Rốt cuộc thì mình đi hay ở, ở hay về, và để được gì?”…
Có nhiều diễn ngôn về những lựa chọn như vậy, diễn ngôn nào nhân danh một thứ gì đó: lòng yêu nước, sự cống hiến, tương lai, đam mê, tài chính, môi trường sống. Dù hiểu, nhưng tôi vẫn không tìm thấy một diễn ngôn nào vừa vặn với mình, chân thật với lòng mình. 

***

Tôi đã khóc nhiều khi đọc những dòng tin nhắn cuối cùng của cô bé nọ gửi cho mẹ trong giây phút em chết dần trong chiếc thùng xe quái ác để nhập cư đến Anh. Trong khoảnh khắc khốn cùng, điều duy nhất em nhắn gửi lại là: “Con xin lỗi mẹ”. Tôi đau xót khi thử hình dung về cuộc đời của em và những người đồng hành bất hạnh trong chuyến vượt biên ngang trái đó - những người cũng nghĩ rằng mình cần phải ly hương để đổi đời, không chỉ cho mình, mà (có thể) là cho cả cha mẹ, anh em, gia đình, dòng tộc. Họ nuôi giấc mộng tha phương, liều mình để tìm ra cho được một cuộc đời xứng đáng (dù là xứng đáng để đánh đổi). Cũng như tôi từng có ý nghĩ đó, chỉ là, tôi may mắn hơn.

Đâu là cái giá của những giấc mơ ly hương, những loại diễn ngôn đổi đời? Quê hương đã phụ bạc họ hay ngược lại, để họ không tin rằng mình có thể ở lại và gầy dựng được một cuộc sống đàng hoàng, ý nghĩa? Nhưng, câu hỏi tuy hệ trọng và cần nhiều nghiên cứu này, vẫn không hẳn là trọng tâm của vấn đề. 

Vấn đề là, sự đổi đời là gì và nó có đến chỉ từ nơi chốn sống hay không? Một cuộc sống đáng sống hơn và một nơi chốn ta thực sự thuộc về, cần phải được bắt đầu tìm kiếm từ đâu? Có phải từ những hành trình địa lý, những tấm thẻ xanh, những quyển hộ chiếu, để ta biết được đâu là “nhà” để về?

2*

Trong một đêm ngắm trăng từ cửa sổ của căn phòng trọ nhỏ xíu, tôi chợt nhận ra, ánh trăng này cũng là ánh trăng ở quê hương mình - không khác gì. Tôi có thể đang ở đây hoặc đang ở Việt Nam, cùng ngắm vầng trăng này và vẫn luôn thấy mình lạc lối, thấy mình cần phải ra đi để tìm kiếm bản thân, tìm kiếm một nơi chốn nào đó mình thuộc về. 

Ngày trước, tôi từng nghĩ mình cần đủ nhận thức và dũng cảm để ly hương, để đến với một thế giới khác, một “vùng đất hứa”. Nhưng rồi, cuộc sống của một di dân, một “người nhập cư” theo bất cứ nghĩa nào của nó cũng đã dạy tôi một điều rằng: sẽ còn cần nhiều nhận thức và dũng cảm hơn nữa để sống một cuộc sống thật sự nơi xứ người. Tôi không thể mãi mang tâm thế mình là người ngoài cuộc, một “kẻ không nhà” luôn phải xù lông lên để trả giá, để tranh đấu, để tồn tại - một nạn nhân của sự ly hương. Tôi cần biết gầy dựng cho tâm hồn mình một nơi chốn thuộc về - một “ngôi nhà” trong tâm tưởng. Ngược lại, người ta có thể lưu lạc ngay trên chính quê hương mình nếu cội rễ giữ cho họ yêu thương cuộc sống đó không bền chặt. 

Chợt tôi nhận ra, xưa giờ mình chưa đặt đúng câu hỏi. Thay vì tự hỏi: “Tôi phải đi đâu, ở đâu?”, thì lẽ ra tôi nên hỏi: “Tôi là ai, điều gì cho tôi được là mình, được sống đúng nghĩa?”. Để rồi những vấn đề như: “Tôi phải làm gì và ở đâu để có được cuộc sống đó?”, sẽ tự khắc có câu trả lời.

Quay về với chính mình để tìm thấy giá trị tự thân, đó chính là nơi mỗi cá nhân thuộc về.

Có lần N. bảo tôi, dù nhiều người khuyên cô chọn một cái tên tiếng Anh để dễ hòa nhập hơn với xã hội bên này, cô vẫn từ chối và giữ nguyên tên Việt. Tôi hiểu, lựa chọn ấy không phải là một nỗ lực tranh đấu, cũng không phải là một cuộc phản kháng để giữ gìn bản sắc Việt, hay những gì to tát như thế. Chỉ đơn giản, N. cảm thấy cái tên ấy là “nhà” của cô, là con người cô, rõ ràng và chân thật. Tôi cũng giữ nguyên tên Việt của mình bởi lẽ đó. Ngược lại, có người lại chọn một cái tên tiếng Anh mà mình thích. Tuy quyết định của họ khác tôi, nhưng cảm giác có thể cũng như vậy - vì mọi lựa chọn đều chỉ nên xuất phát từ chính bản ngã của mình hơn là những nhãn dán nhân danh bên ngoài nó. 

Tôi nhận ra, dù vẫn luôn phải tranh đấu cho những ước mơ và hoài bão của mình, nhưng mình không cần nghĩ hay phân định là mình đã và đang tranh đấu để được “là một người Việt Nam” hay “không là một người Việt Nam”. Tôi sẽ luôn là một người Việt Nam, nếu tôi mong muốn vậy, tin tưởng vậy, và ngược lại. Ra đi, ở lại, hay trở về, bỏ quốc tịch hay giữ quốc tịch, đều là một trong mọi lựa chọn khác nhau của cuộc sống, chứ không phải bản chất cuộc sống hay giá trị một con người. 

Mỗi lựa chọn sống cần đến từ những nhận thức rất riêng tư, từ gốc rễ của căn tính, sự hiểu biết về bản thân, và những cơ hội xung quanh cuộc đời mình, chứ không nên đến từ những diễn ngôn bên ngoài, những giấc mơ đổi đời chóng vánh và rủi ro, những tưởng tượng vĩ mô về bản ngã, về cái gọi là “một chốn thuộc về” nơi xa xôi nào đó.

Rốt cùng thì tôi và N. vẫn chọn tha hương, không phải vì sự thuộc về hay từ bỏ, không phải vì quốc tịch hay hộ chiếu, càng không phải vì ra đi thì tốt hơn trở về, và ngược lại. Những ranh giới đó, những so sánh bề ngoài đó đã qua rồi. Đơn giản là, mảnh đất xa xôi này có những ước mơ riêng tư mà chúng tôi muốn trải nghiệm và chúng tôi thì lúc nào cũng có “nhà” trong tim mình.

Bởi dù mình có ở đâu và làm gì trên thế giới này, thì mình cũng sẽ luôn thấy bất hạnh và lạc lối, nếu bản thân “không nhà”, và tự thân sự tồn tại của mình không là mảnh đất cho một miền quê hương, một cội rễ nào được nuôi dưỡng.

Quả thật, cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự ở bất kỳ đâu trên thế giới này. 


Linh Trần

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI