Những chàng Tây ăn tết Việt

25/01/2020 - 00:15

PNO - Họ đến từ nhiều quốc gia, làm những ngành nghề khác nhau trên đất Việt. Nhưng có chung một tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam.

Đó là tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, thậm chí là bị tiếng Việt lôi cuốn. Mấy chục năm ăn cơm Việt, đón tết Việt, họ cũng đã chứng kiến những đổi thay quan trọng trên dải đất hình chữ S. Và với họ, đất Việt đã trở thành quê hương.

Tết là ngày đoàn viên thiêng liêng của ông Tây nuôi voọc

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, 20 năm làm rể Việt, ông Nadler Tilo thích nhất cái se se lạnh và chút mưa bụi lất phất bay của ngày tết. Đó là đặc trưng chỉ có ở riêng tết Việt, rất khó tìm được nơi nào thứ hai trên thế giới.

 

 

Ông Nadler Tilo đã đi theo tiếng gọi của chú voọc mông trắng trên con tem bé xíu

 

Đi theo tiếng gọi của thiên nhiên Việt Nam

Sẽ rất thiếu sót nếu tách phần đời của ông Nadler Tilo ở Việt Nam với thiên nhiên. Vốn là cử nhân sinh học, cử nhân kiến trúc, tiến sĩ điện lạnh làm việc trong một bảo tàng ở Đức, nhưng Tilo đã đã chọn đi theo tiếng gọi của thiên nhiên.

Ông từng có mặt ở Trung Quốc để nghiên cứu về gấu trúc, ở Nam Cực để nghiên cứu về chó biển và chim cánh cụt… Cuối cùng, Tilo bỏ mọi thứ, bỏ cả quê hương xứ sở sang Việt Nam chỉ vì một... con tem.

Chuyện từ mấy chục năm về trước, thế giới tưởng như đã không còn sự tồn tại của voọc mông trắng, ngoại trừ hình ảnh của một “em bé voọc” thơ ngộ trên con tem bé xíu, được ghi nhận là ở Việt Nam.

Bằng linh cảm của người luôn nặng lòng với thiên nhiên, Tilo đã khăn gói lên đường sang Việt Nam. Ông sống trong rừng già, chặt cây làm lều… đợi voọc. Sau nhiều tháng ròng chờ đợi, Tilo cũng gặp được chú voọc mông trắng, nhưng là con voọc bị thương, nhốt trong lồng, đang bày bán ở chợ Nho Quan (Ninh Bình) chờ người ta đến mua để về giết thịt.

Khi Hội Động vật học Frankfurt (một tổ chức bảo vệ động vật lâu đời và có uy tín bậc nhất trên thế giới) kêu gọi các chuyên gia thực hiện dự án bảo tồn voọc ở Việt Nam, ông Tilo đã lập tức đăng ký. Hội Động vật học Frankfurt đầu tư kinh phí giúp Tilo xây dựng Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp - EPRC tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong 3 năm, từ 1993-1996. Chính Tilo cũng không ngờ mình đã gắn bó với núi rừng Cúc Phương và người dân Nho Quan gấp 10 lần cái kế hoạch 3 năm như lúc đầu.

Vợ chồng ông Tilo và bà Thu Hiền
Vợ chồng ông Tilo và bà Thu Hiền

Phiên dịch cho Tilo trong những ngày làm việc ở Việt Nam là cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Hiền. 20 tuổi, Hiền chứng kiến ông Tây đến từ nước Đức đỏ mặt tía tai gọi công an, kiểm lâm đến cứu bằng được chú voọc mông trắng trong phiên chợ Nho Quan. Tilo đã đưa chú voọc về cứu chữa, chăm sóc như một người cha với đứa con.

Gắn kết với nhau vì công việc, song chính những hành động nhân ái với cả con người và thiên nhiên của Tilo đã truyền cảm hứng đến cô sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Hiền quyết định vào rừng Cúc Phương nuôi voọc cùng Tilo.

Nhớ lại tuổi đôi mươi, bà bảo: “Tôi chọn vào Cúc Phương không phải vì yêu Tilo mà vì đã chọn bảo tồn, chọn thiên nhiên làm lẽ sống và mục đích sống. Khi làm việc cùng Tilo với tư cách là nhân viên của Trung tâm Cứu hộ linh trưởng, chúng tôi rất hiểu và hợp nhau trong công việc cũng như cuộc sống. Rất nhiều lần, chúng tôi cùng nhau đưa ra ý tưởng, ý kiến giải quyết vấn đề trong vài tích tắc”.

Tết với rừng già Cúc Phương và người Nho Quan

Tình yêu nảy nở từ công việc, nhưng mãi đến năm 2000, gia đình bà Hiền mới chấp nhận Tilo là rể; bởi giai đoạn đó, lấy chồng Tây còn là điều gì đó xa lạ, Tilo lại hơn Hiền đến 31 tuổi. Từ ngày đó, tổ ấm của ông Tilo, bà Thu Hiền và hai cậu con trai Nadler Khiêm, Nadler Huy đã hòa vào rừng già Cúc Phương nói riêng và đời sống của bà con Nho Quan nói chung. Hai người con của họ đều mang quốc tịch Đức, nói được cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức, nhưng từ ngày học mẫu giáo đến nay, cả hai đều theo học ở trường làng Cúc Phương.

Bố mẹ vợ ở Hà Nội, tất nhiên, những ngày tết, cả gia đình Tilo phải đưa nhau về phố. Nhưng từ ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), họ đã hòa cùng không khí náo nức, tất bật cùng bà con xã Cúc Phương.

Những ngày giáp Tết, vợ chồng ông và các nhân viên của Trung tâm vẫn vào rừng từ sáng sớm, kiếm về hàng chục loại lá tươi để nuôi “đàn con đuôi dài”. Còn con mình - Khiêm, Huy - thì gửi bác Hoa bán tạp hóa ngoài đầu thôn.

Ngôi nhà nhỏ giữa rừng Cúc Phương của ông Tilo và bà Thu Hiền
Ngôi nhà nhỏ giữa rừng Cúc Phương của ông Tilo và bà Thu Hiền

 

Tơ nguyệt của ông Tilo và bà Thu Hiền chính là thiên nhiên Việt Nam
Tơ nguyệt của ông Tilo và bà Thu Hiền chính là thiên nhiên Việt Nam

 

Ông Tilo nói tiếng Việt không tốt, nhưng các món ăn Việt thì ông đã “thành thần”. Ông đặc biệt thích bánh chưng và giò lụa. Nhớ lại những ngày đầu đón tết ở Nho Quan, ông Tây tuổi 80 - Nadler Tilo tấm tắc: “Tết những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, người dân sung túc hơn. Các gia đình không phải dành dụm cả năm mới đủ tiền sắm sửa cho tết như trước đây nữa”.

20 năm làm rể Việt, không chỉ thói quen, tâm hồn Tilo cũng đậm màu Việt. Ba mươi tết đưa nhau về phố, đón năm mới cùng gia đình vợ, nên với Tilo, tết Việt trước hết là tết của gia đình, dòng tộc. Những nhân viên của Trung tâm, những người dân Cúc Phương đi làm ăn xa, dù trực hay không phải trực tết đều cố gắng thu xếp về nhà sum họp. Và ông nhận thấy, tết là ngày đoàn viên thiêng liêng của mỗi gia đình Việt.

Gần 30 cái tết Nguyên đán ở Việt Nam, 20 năm đón Xuân cùng gia đình và người dân Nho Quan, ông vẫn vẹn nguyên sự thú vị khi thấy những ngày giáp tết, người người, nhà nhà vội vã. Nhưng chỉ qua một đêm, đến sáng Mùng Một, mọi thứ đã yên bình, tĩnh lặng, thong thả đến ngỡ ngàng.

Cảm giác ấy, Tilo bảo chỉ có thể gặp được mỗi năm một lần.

Những phong vị Tết của vị đại sứ Palestine

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Palestine - ngài Saadi Salama nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Ông nắm rõ sự tích ông Công ông Táo, thích ăn cơm nguội chan canh, và tết năm nào cũng đi chợ hoa Hàng Lược - một chợ hoa truyền thống, mỗi năm chỉ họp một lần của người Hà Nội.

 

 

 

Thấy mùi bánh chưng là thấy Tết

Tròn 40 năm trước, anh thanh niên Saadi Salama đặt chân đến Việt Nam, theo học Khoa Tiếng Việt của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), trở thành một trong những lưu học sinh Palestine đầu tiên. Chàng thanh niên Palestin nhớ mãi nụ cười và sự đón tiếp nhiệt tình của Việt Nam.

“Tôi mang thị thực nhập cảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Syria cấp. Đến công an cửa khẩu, họ xem, nhìn thấy tôi là người Palestin, họ rất hoan nghênh. Tôi đã được Việt Nam đón tiếp một cách đầy ý nghĩa” - ngài Saadi Salama cảm khái.

Bước xuống khỏi máy bay của hàng không Liên Xô (cũ), xung quanh sân bay Nội Bài 40 năm trước còn hoang sơ, chỉ thấy núi đồi xanh ngắt. Hơn hai tiếng đồng hồ từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội, ông nhìn thấy dọc đường có rất nhiều nơi ghi hai chữ “cơm phở”.

Lúc ấy ông chưa học tiếng Việt nên không biết “cơm phở” là gì. Ông nghĩ “cơm phở” hẳn phải là một tập đoàn kinh tế lớn. Người dân thì ăn mặc giản dị, đàn ông mặc đồ kaki, phụ nữ thì quần lụa đen, áo trắng và nón lá.

Ba tháng sau, lần đầu tiên anh thanh niên Palestines được sống trong không khí tết Việt. Đó là cái tết ngài Saadi Salama nhớ mãi đến tận bây giờ. Những ngày cuối năm 1980 (âm lịch), ông thấy lạ và mới mẻ quá, khác hẳn với nhịp sống thường nhật kể từ ngày ông sang.

 
“Nhập gia tùy tục”, nên như bao người Việt khác, ngài Saadi Salama đi chọn những cành đào để chuẩn bị cho tết Nguyên đán
“Nhập gia tùy tục”, nên như bao người Việt khác, ngài Saadi Salama đi chọn những cành đào để chuẩn bị cho tết Nguyên đán

Những ngày ấy, ông thường đi dạo ở khu phố cổ, tròn mắt háo hức trước những cành đào bích, đào phai được bày bán. Ngày cuối cùng của năm, nhiều người tập trung về Bờ Hồ. Đến giao thừa là tiếng pháo râm ran khắp các phố. Bạn ông thì dặn, ngày Mùng Một, nếu không được ai mời đến nhà thì không nên ra ngoài, vì người Việt có tục lệ xông đất.

Ông nhớ rất rõ, tết của những năm 1980 không đủ đầy như bây giờ. Những cái Tết giai đoạn đó, gia đình nào cũng nấu bánh chưng, mùi khói bếp luộc bánh bốc lên khắp những gian bếp nhỏ của Hà Nội. Mùi khói ấy như tín hiệu thông báo rằng, tết sắp đến rồi và nhà này đang luộc bánh chưng - đó là một niềm tự hào.

Bấy giờ là những năm hậu chiến, đời sống kinh tế của nhân dân Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng ông đã rất ngưỡng mộ khi chứng kiến người Việt làm tất cả những gì có thể để lo cho cái tết của gia đình, cho những ngày đầu năm mới được đầm ấm, an vui.

Gần 20 năm ăn tết Việt

Năm 1982, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức đưa sinh viên đi thăm nông trường Sông Lô (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Ở đây, ông đã tiếp xúc với những người nông dân Việt và nhận thấy ở họ lòng yêu nước đậm sâu.

“Khi tiếp xúc với họ, tôi thấy họ như người thân trong gia đình. Sự hiếu khách của họ khiến chúng tôi có ấn tượng vô cùng tuyệt vời về đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, tôi cảm thấy Việt Nam như quê hương thứ hai của mình” - ngài Saadi Salama chia sẻ.

Cùng năm 1982, anh thanh niên Palestine 21 tuổi trở thành chàng rể của Việt Nam, trong một gia đình Hà Nội gốc. Dí dỏm và vận dụng nhuần nhuyễn tục ngữ, ca dao, ngài Saadi Salama bảo “khi đã thành rể Việt thì phải “nhập gia tùy tục”, phải làm những công việc như bao chàng rể khác. Những ngày áp tết thì đi mua sắm, chọn cành đào, chuẩn bị nồi bánh chưng. Ngày tết, đi thăm gia đình vợ, chúc tết, mừng tuổi ông bà, họ hàng và dùng những bữa cơm thân thiết”.

Ông thú thực là mấy năm đầu thấy rất khó khăn trong việc tham gia chừng đó phong tục, nhưng dần dần, khi đã thạo tiếng Việt hơn, có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn thì ông lại thấy thú vị.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ngài Saadi Salama sang Lào nhận công tác. Sau đó, ông trở lại Việt Nam với cương vị nhà ngoại giao. Ba năm sau, ông chuyển công tác tới các quốc gia khác. Từ năm 2009 đến nay, ngài Saadi Salama trở lại Việt Nam với cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Palestine.

Đến xuân Canh Tý này là ông đã có gần 20 năm liền ăn tết Nguyên đán ở Việt Nam. Ông bảo, Hà Nội trong ông là tình yêu, bởi Hà Nội là nơi ông học tập và sinh sống lâu nhất. Ông đã chứng kiến từng sự thay đổi của thủ đô, từ những ngày khắp thành phố chỉ có xe đạp, sau đó là xe gắn máy, rồi rất nhiều ô tô cá nhân như bây giờ…

 

Phong vị Tết thời bao cấp trong ngài Saadi Salama là mùi khói bếp của những gia đình luộc bánh chưng. Mùi khói bếp ấy là tín hiệu Tết đã rất gần, và nồi bánh chưng từng là niềm tự hào về sự no ấm của nhiều gia đình Hà Nội
Phong vị tết thời bao cấp trong ngài Saadi Salama là mùi khói bếp của những gia đình luộc bánh chưng. Mùi khói bếp ấy là tín hiệu tết đã rất gần, và nồi bánh chưng từng là niềm tự hào về sự no ấm của nhiều gia đình Hà Nội

Thả cá chép, mua hoa đào

So sánh với trước đây, ông thấy Tết hiện nay có nhiều điều khác, muốn ăn bánh chưng vào bất cứ lúc nào cũng có. Thành phố còn rất ít nhà luộc bánh chưng mà thường đặt mua. Những món ăn ngày Tết bây giờ, lúc nào cũng có thể ăn, nhưng với thời bao cấp, thì chỉ tết mới có. Hình thức đón tết cũng có nhiều thay đổi theo sự phát triển kinh tế.

Tết Việt Nam là một biểu hiện rõ ràng, thể hiện đặc trưng văn hóa của một dân tộc tin tưởng vào tương lai và những nỗ lực phát triển đất nước. Và điều giá trị là, người Việt Nam vẫn giữ gìn những nét chung của ngày tết, như tổ chức những bữa cơm tất niên, đầu năm mới đi chúc tết, hỏi thăm và gửi quà, mừng tuổi nhau…

Với ngài Saadi Salama, Tết Nguyên đán thể hiện rõ tinh thần gắn bó, đoàn kết của dân tộc Việt. 

Gần 20 năm liền ăn tết ở Việt Nam, tết là khi ngài Saadi Salama được ngắm cành đào trong nhà, là khi ông nhìn thấy những món ăn mà trong năm ít gặp. Tết là khi ông nhận được những tấm thiệp chúc mừng năm mới. Tết tạo cơ hội cho ông tìm hiểu văn hóa Việt sâu sắc hơn và khiến ông càng thêm yêu văn hóa nơi này.

Những lúc ấy, ông thấy mình như người Việt Nam. Ông bày tỏ: “Việt Nam là đất nước đa dạng về văn hóa. Việt Nam xứng đáng để đưa hai chữ “Việt Nam” đi khắp thế giới. Để các quốc gia đã quen Việt Nam qua những cuộc chiến tranh, biết Việt Nam với sự hy sinh bảo vệ đất nước được hiểu thêm về những lĩnh vực mới phát triển của Việt Nam; đặc biệt là những đổi mới đem đến nhiều thành quả đáng kính trọng”.

Nhiều năm nay, bốn người con mang hai dòng máu Palestine - Việt của ông đã học tập và trưởng thành ở nước ngoài. Vợ ông cũng sang săn sóc đàn con, nên đã nhiều cái Tết, ông chỉ có một mình. Không được sum họp cùng gia đình ngày tết, nhưng ngài Saadi Salama vẫn gìn giữ phong tục của một người đàn ông Việt, một con rể Việt Nam: 23 tháng Chạp, ông đi thả cá chép tiễn Táo quân về trời, dạo chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) hay chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ) chọn cành đào, ngày đầu năm mới đi chúc tết họ hàng bên ngoại…

“Tôi thấy rất tự hào, vui và hạnh phúc khi có mặt ở Việt Nam vào lúc cả dân tộc đón chào năm mới” - ngài Saadi Salama xúc động nói.

Ngọc Minh Tâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 
TIN MỚI

news_is_not_ads=