Nhớ những ngày chia thịt ăn tết đậm tình làng nghĩa xóm

21/01/2023 - 17:16

PNO - Để có được những món ngon ngày tết cho gia đình như thịt kho nước dừa, mỡ gói bánh tét, dân trong xóm thường rủ nhau làm heo… chia thịt.

Ngày xưa người dân miền Tây gieo gặt lúa mùa, mỗi năm chỉ vẻn vẹn có một vụ. Tháng tư, tháng năm khi trời mưa đều thì gieo mạ, đến tháng 6 tháng 7 nhổ mạ cấy. Tùy theo từng loại giống, khoảng tháng 11, tháng Chạp thì gặt. Người nông dân đong lúa cho địa chủ xong, còn lại thì mang về giê sạch, phơi khô, ví lúa vô bồ (bồ được đan bằng tre, chân bồ “xây” bằng lá xé, cắm cọc chung quanh, dưới lót trấu, rơm, rồi mới đổ lúa vô ví). Nhà nào chậm lắm thì trước tết cũng phải làm xong. Dân gian quan niệm tết mà lúa có trong bồ thì năm ấy mới no đủ. Có lúa bán mới sắm sửa lại nhà, mua cho trẻ con bộ quần áo mới … và có tiền ăn tết.

Thực ra, từ nguyên thủy tết Nguyên đán chính là một hình thức nghi lễ gắn liền với việc trả ơn thổ địa, thần nông, mừng được mùa của người Việt ở vùng đất này. Sau ngày cúng đưa ông Táo 23 tháng Chạp là nhà nhà chuẩn bị đón tết Nguyên đán - tết lớn nhất trong năm. Để có được những món ngon ngày tết cho gia đình như thịt kho nước dừa, mỡ gói bánh tét… dân trong xóm thường rủ nhau làm heo… chia thịt.

Khoảng rằm tháng Chạp, những nhà cùng xóm, cùng làng hẹn nhau, chọn gia đình nào đó có heo trên dưới 100kg để “mần thịt”. Có khi, nhà có heo lớn tự nguyện đăng ký rồi rủ bà con, anh em tới ngày đến chia thịt về ăn.

Như đã hẹn đến ngày 28 hoặc 29 tết, người trong xóm tập trung đông đủ tại một cái sân rộng của nhà gia chủ sẽ làm heo. Họ cùng nhau làm thịt con vật đã định. Xong, người người chia nhau, gọi là “chia thịt” nhưng thường trả bằng tiền mặt, hoặc có khi trả bằng “lúa mùa”, giá cả cũng tương đối và nhất là phù hợp với những gia cảnh “túng bấn”. Thịt heo cũng được phân thành từng loại chia cho mọi người. Gia chủ cũng để lại một phần, cũng có khi những người đến chậm không còn, họ sẵn sàng “nhường”, nếu thịt chia không hết, thừa thì coi như “để ăn” chẳng sao cả.

Phần lớn người mua, ai cũng “chia” ít mỡ về để “gói bánh cho mấy đứa nhỏ”. Phần đồ lòng heo thì chủ nhà nấu nồi cháo lòng lớn để đãi người đến “chia thịt”. Bên chén cháo nóng với vài ly rượu đế cũng là dịp hội ngộ nhau cuối năm, râm ran chuyện làm ăn năm qua cũng như dự tính cho năm mới. Họ sẵn lòng bỏ qua cho nhau những ứng xử chưa đẹp trong năm cũ để bước qua năm mới may mắn, tốt đẹp hơn.

Trưa, ai về nhà nấy, các bà các chị bắt đầu vào việc chế biến. Mỡ thì xắt miếng dọc dài ướp muối, ướp hành để làm nhân bánh tét. Xương thì hầm măng tre. Thịt thì kho rệu nước dừa để dành cho ba ngày xuân. Phần ít còn lại thì khìa nước dừa, sườn thì muối nướng sả… Vì là hàng xóm láng giềng “lọt sàng xuống nia”, nên người ta chỉ áng chừng, chia đều theo kinh nghiệm là chính, chứ không cân đo chính xác từng li từng tí như đi mua ở chợ. Nguyên thủy là vậy. Ngày nay, cây cân đã xuất hiện nhưng chỉ mức tương đối, thậm chí chủ nhà còn rộng lượng … cho thêm “ăn tết”! Chuyện cân thiếu, nói thách hoàn toàn không có ở đây.

Ngày nay, khi kinh tế đã phát triển, dấu ấn của thời tự túc tự cấp dần nhạt nhòa thì nét văn hóa dân gian đậm đà tình làng nghĩa xóm cũng dần nhạt phai theo thời gian, năm tháng.

Minh Khuyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI