Nguy cơ xung đột từ một chức danh lãnh đạo

21/02/2022 - 06:40

PNO - Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (dự thảo Thông tư) hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới; trong đó, đáng chú ý và gây nhiều xôn xao là vị trí chủ tịch hội đồng trường.

Kỳ thực, hội đồng trường công lập không phải là một ban bệ mới mà đã có từ hàng chục năm nay với thành phần, chức năng, nhiệm vụ được quy định rất cụ thể. Thành phần trong hội đồng trường luôn có bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện tổ chuyên môn, ban đại diện cha mẹ học sinh… cùng thực hiện chức năng quản trị nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực cho trường, đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục.

Một hội đồng với đầy đủ các thành phần với chức năng, nhiệm vụ như thế rất cần thiết với một trường học. Mô hình này cũng đã được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới - nơi hội đồng trường nắm quyền lực tối thượng (trừ chuyên môn), bao gồm cả việc tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm hiệu trưởng. Cũng ở các nước tiên tiến, chủ tịch hội đồng trường có thể là giáo viên như trong dự thảo Thông tư hoặc cũng có thể là phụ huynh học sinh, cựu học sinh, miễn là đủ năng lực gánh vác trọng trách này. Hiệu trưởng ở các trường ấy thuần túy là người làm chuyên môn và chẳng có hiệu phó nào phụ việc.

Ở ta, hiệu trưởng là chức danh lãnh đạo được cấp trên bổ nhiệm, có các hiệu phó giúp việc. Hiệu trưởng thường đồng thời là bí thư cấp ủy và lâu nay cũng thường kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng trường, tức là người có quyền lực cao nhất ở trường, chịu trách nhiệm và quyết định tất cả mọi việc trong trường - cũng hợp lý khi gần như tất cả những người khác trong hội đồng đều là thuộc cấp của hiệu trưởng. Kết quả là cả chục năm qua, vai trò của hội đồng trường hết sức mờ nhạt.

Nhưng với dự thảo Thông tư này, nếu chủ tịch đồng thời là hiệu trưởng, mọi chuyện sẽ vẫn y như cũ, không có gì khác biệt. Nếu chủ tịch là hiệu phó hoặc giáo viên kiêm nhiệm thì xung đột sẽ lập tức xảy ra: ai lớn hơn ai? Nếu hiệu trưởng và chủ tịch bất đồng về phương hướng hoạt động của nhà trường thì ai sẽ là người “chốt hạ”? Thầy cô trong trường cần nghe theo ai hay sẽ dẫn đến điều không ai mong muốn: tình trạng phe cánh, khiếu nại, triệt hạ lẫn nhau?

Tất nhiên, sự ưu việt của mô hình hội đồng trường là điều không còn phải bàn cãi và trong điều kiện lý tưởng khi áp dụng, hội đồng trường sẽ lo việc quản trị để hiệu trưởng có thể chuyên tâm làm công tác chuyên môn và tất cả sẽ cùng giúp trường học đi lên, chăm lo tốt cho học trò; cũng giống như mô hình hội đồng quản trị của một doanh nghiệp và chức danh giám đốc. Song, trường công lập không phải một doanh nghiệp nên sẽ thật khó tách hiệu trưởng ra khỏi công tác quản trị để chỉ làm chuyên môn. Mà, nếu không làm được thế thì thầy cô lẫn học sinh thật khó tránh khỏi cảnh “một cổ hai… lãnh đạo”, khó mà chuyên tâm dạy và học. Rút quyền lực của hiệu trưởng là việc khó thì tăng quyền của chủ tịch hội đồng trường cũng chẳng dễ dàng. Chúng ta chỉ có thể chọn một giữa mô hình hiệu trưởng - hiệu phó như hiện nay hoặc hội đồng trường (nơi hiệu trưởng chỉ là một nhân sự chuyên môn) nếu không muốn thấy cảnh "xung đột" từ một chức danh. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI