Một vương quốc không bao giờ tàn lụi

09/02/2022 - 07:19

PNO - Giữa cơn càn quét khốc liệt của COVID-19, chúng ta thấy quê hương hiện lên như một vương quốc của sự thương yêu, che chở, bình an cho mọi kiếp người.

1. Năm 1989, trước khi tôi kết thúc mấy năm học ở Cuba trở về Tổ quốc, một phụ nữ gốc Việt lớn tuổi đã nhờ tôi mang một lọn tóc của bà về Việt Nam. Bà nhờ tôi thả lọn tóc đó xuống một dòng sông để sau khi chết bà có thể trở về cố hương.

Bà là người quê Bắc Giang. Hồi nhỏ, bà làm giúp việc cho một gia đình người Hoa. Sau này, bà trở thành con dâu của gia đình người Hoa đó và rời Sài Gòn theo gia đình chồng khi mới 15 tuổi, đi lang thang trên thế giới làm ăn. Cuối cùng, gia đình người Hoa đó định cư ở Cuba. Tôi đã gặp bà ở một khu phố cổ ở thủ đô La Habana năm bà 75 tuổi.

ảnh: KHẮC HIẾU
Ảnh: Khắc Hiếu

Vừa nói chuyện với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha, bà vừa khóc xin lỗi vì không còn nhớ tiếng mẹ đẻ. Khi đứa con trai đầu lòng ra đời, bà đã đặt tên con là Thăng Long để nhớ cố hương. Hồi còn trẻ, mẹ bà đã dặn bà trước khi rời Việt Nam rằng: Nếu muốn trở về cố hương thì cắt một lọn tóc của mình thả xuống dòng sông quê, sau khi chết, linh hồn sẽ trở về. Bà biết mình không còn cơ hội thực sự trở về nên tha thiết nhờ tôi giúp bà thả tóc xuống sông.

Vào một đêm mùa đông năm 1989, tôi ra sông Hồng và thả lọn tóc của bà xuống. Lúc này, nếu bà còn sống thì đã hơn 100 tuổi. Nếu bà đã mất, tôi tin linh hồn bà đã trở về. Bà không phải là trường hợp duy nhất mang giấc mơ hồi hương, cho dù cả đời sống ở xứ người. Có biết bao người ở các nền văn hóa khác nhau cũng mang giấc mơ như vậy. 

2. Giấc mơ về cố hương là giấc mơ lớn nhất và không bao giờ tàn lụi trong tâm trí con người ở bất kỳ nền văn hóa nào hay thời đại nào, đặc biệt là người Việt Nam. Bởi thế khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở các nước, nhiều người Việt Nam đã tìm cách trở về quê mẹ.

Những ngày đó, tôi có cảm giác nghe được những người Việt Nam đâu đó trên thế gian mênh mông này gọi nhau trở về quê mẹ. Có biết bao người Việt đã phải xa xứ vì rất nhiều lý do và họ có thể vì cuộc sống mưu sinh mà tạm quên đi một nơi chốn thiêng liêng của họ - quê cha đất tổ. Nhưng đến một ngày, số phận họ bị đe dọa và thách thức thì nơi chốn thiêng liêng ấy lại hiện lên, gọi họ trở về.

Tôi cũng từng có nhiều thời gian lang thang trên thế giới. Ngay cả trong giấc ngủ ở một khách sạn sang trọng tại Na Uy, Đức, Mỹ, Nhật… thi thoảng tôi lại nghe vang tiếng gà gáy thôn quê và mùi rơm thơm của những ngày mùa.

Năm 31 tuổi, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời sang thăm. Một số nhà văn Úc đã khuyên tôi ở lại để có cơ hội làm việc tốt nhất, nhưng tôi đã chối từ bởi tôi khó lòng sống xa ngôi nhà của mình, sống xa dòng sông, cánh đồng, con đường, cơn mưa, mùi khói… của quê hương tôi.

Những năm tháng sau đó, tôi cũng như bao người Việt Nam phải sống một cuộc sống vô cùng thiếu thốn nhưng không một lúc nào tôi ân hận vì mình đã không nhận lời ở lại một đất nước giàu có và quá nhiều điều kiện cho cá nhân mình. 

Khi nhìn những dòng người nườm nượp bằng các loại phương tiện, thậm chí đi bộ từ TPHCM và một vài tỉnh, thành khác trở về quê trong cơn đại dịch, lòng tôi đầy lo lắng. Nhưng có một điều an ủi tôi rằng: Họ đang trở về quê - về nơi an toàn nhất che chở họ, cho dù họ như thế nào, kể cả việc họ đã rời xa quê hương với nhiều lý do trong hàng chục năm trời.

Tôi từng nói, đô thị chỉ là nơi tôi kéo thân xác mình đi qua, làng quê của tôi mới là nơi tâm hồn tôi trú ngụ. Và tôi cũng thấy rằng, tôi chỉ được an toàn và được tha thứ, được đùm bọc và yêu thương khi trú ngụ ở chính làng quê của mình.

Khi những trí thức, nhà văn nước ngoài hỏi tôi: Nếu chỉ được nói một điều về văn hóa Việt Nam thì tôi sẽ nói điều gì? Tôi đã chọn nói về sự tha thứ và che chở của con người với con người.

Tôi nhớ một người làng tôi phạm tội và đi tù mấy năm. Khi ra tù, ông không về mà bỏ làng ra đi. Người làng tôi gặp ông, bảo ông hãy trở về, chỉ có quê hương nơi ông sinh ra và lớn lên mới tha thứ và che chở cho ông, chỉ có quê hương mới chữa lành được vết thương trong tâm hồn ông. Sau đó, ông đã trở về và trở thành một người mẫu mực cho tới khi giã từ cuộc sống.

Tôi có một người họ hàng gần, đi lính cho quân đội Pháp và vào Nam trước năm 1954. Sau ngày đất nước thống nhất, ông không dám trở về làng vì nghĩ mình có tội với gia đình, họ hàng và dân làng. Nhưng khi cảm thấy sức mình đã yếu, ông quyết định trở về làng để nếu phải ra đi vĩnh viễn cũng không ân hận.

Nhưng ông đã trở về làng rất bí mật. Ông trở về lúc đêm khuya để không ai biết. Ông đi dọc đường làng để tìm lại những điều thân thương còn đọng trong ký ức ông thuở trai trẻ. Ông đứng lặng giữa sân đình và khóc như một đứa trẻ rồi lên xe ra đi. Đó là chuyến đi cuối cùng của ông trở về cố hương.

Sau này ông viết thư cho tôi, kể lại chuyến về quê ấy. Trong thư có đoạn: “Tôi đã được trở về làng cậu Thiều ạ. Tôi cảm thấy làng đã tha thứ cho những sai lầm của đời tôi. Bây giờ tôi có thể yên tâm ra đi mãi mãi”.

Chừng hơn ba tháng sau khi trở về làng và viết thư cho tôi, ông đã ra đi vĩnh viễn. 

3. Những cuộc trở về quê hương của những người Việt Nam sống ở xứ người và cả những người Việt Nam trong nước có cùng một lý do mà chẳng ai muốn: COVID-19. Nhiều chuyến trở về như vậy trong cơn đại dịch thật vất vả, khó khăn và cả mất mát nhưng lại vô cùng thiêng liêng.

Và những cuộc trở về đó lại dựng lên một tinh thần khác cho chúng ta suy ngẫm. Đó là một cuộc hành hương kỳ lạ. Những cuộc trở về dù với bất cứ lý do gì cũng gửi cho con người một thông điệp về quê hương xứ sở, về nơi chôn nhau cắt rốn, về nơi mà họ có thể khóc vì hạnh phúc kể cả lúc đói nghèo, bệnh tật.

Lúc này, tôi lại nhớ đến một bộ phim đã xem cách đây hàng chục năm, tựa đề Từ bỏ thế giới vàng. Phim nói về những người đào vàng đã gặp may và trở nên vô cùng giàu có. Họ sống vương giả ở chốn đô thị phồn hoa. Nhưng một ngày, Bill, một trong số họ, nói với người bạn: “Tôi phải về vùng Alaska của tôi. Đêm đêm, tôi nghe tiếng sói hú và tiếng băng vỡ”. Và Bill đã từ bỏ tất cả để trở về.

Thế kỷ XXI là thế kỷ mà nỗi lo sợ của con người tăng lên khi nghĩ đến một ngày ký ức về nguồn cội bị xóa đi. Khi những người Việt Nam tìm cách trở về quê hương giữa cơn càn quét khốc liệt của COVID-19, chúng ta thấy quê hương hiện lên như một vương quốc của sự thương yêu, che chở, bình an cho mọi kiếp người. Và vương quốc ấy trong lòng những người mang dòng máu Việt không bao giờ tàn lụi, cho dù họ từng phải rời xa vì bất cứ lý do gì.

Nguyễn Quang Thiều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI