Giữ lại nếp xưa

24/01/2023 - 14:34

PNO - Thời tôi học trung học rất thích đi chơi những ngày tết, thế nhưng, chẳng rủ được bạn nào đi cùng vì các bạn ấy luôn phải phụ với gia đình lo việc… cúng kiếng.

Nhiều bạn kể, nhà bạn bắt đầu cúng từ lúc đưa ông Táo đến qua hết Mùng năm mới xong việc, hết cúng trong nhà lại đến ngoài sân… Từ mùng một ngày nào cũng cúng. Nhớ về những bạn ấy ngày tết, tôi chỉ nhớ chuyện “nhà bạn bao việc”. Lớn lên, lập gia đình ra riêng, một số bạn giảm dần việc cúng kiếng, nhưng cũng có bạn duy trì nếp nhà như ba má mình ngày xưa.

Nhà tôi theo đạo Công giáo nên những ngày tết tôi chỉ phụ má làm mứt, gói bánh tét, chả lụa, giò thủ… Xong việc là được đi chơi.

Tết đến tôi lại nhớ những ngày cúng gia tiên cùng má
Tết đến tôi lại nhớ những ngày cúng gia tiên cùng má

Thế nhưng, từ khi ba tôi mất, ngoài giỗ hàng năm, má tôi chăm chút việc cúng tất niên mời ba về… ăn tết. Bên Công giáo không cầu kỳ, đầy đủ lệ bộ như Phật giáo nhưng có thắp hương bàn thờ. Mâm cúng tất niên có thể là nấu nồi ca ri làm chủ lực ăn với bún, có thể thêm nồi xôi nhỏ, dĩa gỏi… tùy theo sức khỏe của má, ngoài ra còn có bánh tét, giò lụa, giò thủ… là những thứ má mua về hay chúng tôi mang đến. Ngày còn khỏe, bước đi còn nhanh nhẹn, xông xáo, má cáng đáng hết, không phải nhờ ai vì má biết chúng tôi bận việc cơ quan, còn lo tết cho gia đình riêng. Má hạnh phúc lắm khi ngày cuối năm con cháu tập trung về nhà má ăn uống, nói chuyện.

Thời gian dần trôi những bữa tất niên giản lược dần các món cho đến khi má không còn làm nổi nữa, má bán nhà về ở với em gái út tôi.

Em gái ở với má nên em tổ chức tất niên chu đáo như má ngày trước, mời anh chị tham dự. Nhìn bàn thờ ba ấm cúng, má vui lắm. Những ngày cuối năm ấy, tôi thấy má thường đứng rất lâu trước bàn thờ và tôi hiểu, người mẹ nào cũng chỉ biết cầu xin cho con cái làm ăn được, có sức khỏe, vợ chồng hòa thuận. Điều ước, nói ra thì đơn giản, nhưng đã từng trải trong đời, tôi mới hiểu, đó là mơ ước to lớn của đời người mà không phải ai cũng có được.

Phong tục xưa còn là để con người thổ lộ nỗi niềm với tiền nhân. Cuộc sống đa dạng hoàn cảnh, trong đời chúng ta, không phải luôn có những cái tết vui, hạnh phúc. Có những mùa tết vui, thì cũng có những mùa tết buồn. Tai ương, bệnh tật đâu chừa ai. Cha mẹ là những người trải nghiệm nhiều, họ có thể lường được những điều mà con cái va vấp trên đường đời để có cái nhìn bao dung, vị tha, thông cảm, ủi an, sẻ chia...

Từ khi má mất, tôi bắt đầu làm công việc cúng tất niên như má ngày xưa, ngoài việc xin lễ cuối năm theo phong tục Công giáo. Tôi hiểu ra mình làm điều này là để các con sau này bắt chước, còn là bữa ăn gia đình ấm cúng sau một năm dài bận rộn. Nhắc con, bỏ qua những muộn phiền năm cũ; dạy con cuộc đời không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, có lúc gặp bão giông, gập ghềnh vượt thác. Quan trọng là biết cố gắng vượt qua, không bi quan; tập suy nghĩ tích cực và tin tưởng “sông có khúc, người có lúc”. “Thắng không kiêu, bại không nản” là tinh thần mà người xưa truyền lại cho con cháu và mình phải học theo. 

Trong bữa cơm tất niên còn là dịp ôn lại những kỷ niệm vui ngày tết năm nào đó để cả nhà cùng cười. Và có cả những kỷ niệm không vui để ôn lại những ngày tháng cùng nhau cố gắng.

Nhắc chuyện cũ để hiểu rõ hơn về sự nỗ lực và cả may mắn của mỗi người trong đời, để hiểu rằng cuộc sống là chuỗi thời gian mà con người trải qua, đúc kết kinh nghiệm và truyền lại bài học cho người sau.

Tôi vừa xong mâm cúng tất niên mời ông bà về… ăn tết. Tôi cũng như má ngày xưa đứng trước bàn thờ và suy ngẫm về thời gian trôi. Tôi thường không cầu xin gì vì tôi biết ông bà biết tôi cần gì. 

Trong mùi hương trầm ấm cúng ngày cuối năm, tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc giữ lại nếp xưa và tôi mong sau này con cái tôi cũng hiểu được điều đó. 

Kim Duy 





 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI