Cần nhiều hơn những trải nghiệm thực tế

12/12/2022 - 10:00

PNO - Trở về từ xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM trong chuyến giao lưu được Hội LHPN TPHCM tổ chức dành cho thành viên các câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường vào ngày 2/12 vừa qua, tôi gọi điện cho một số người để kiểm tra lại điều mình cảm nhận: “Trong ấn tượng của dì/chị, Thạnh An có rác không?”.

Trở về từ xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM trong chuyến giao lưu được Hội LHPN TPHCM tổ chức dành cho thành viên các câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường vào ngày 2/12 vừa qua, tôi gọi điện cho một số người để kiểm tra lại điều mình cảm nhận: “Trong ấn tượng của dì/chị, Thạnh An có rác không?”. 

Sở dĩ tôi phải hỏi lại như vậy bởi sau bữa cơm trưa, tôi tranh thủ thời gian ít ỏi ra bờ kè nằm cạnh trung tâm sinh hoạt cộng đồng của ấp Thạnh Hòa và có những cảm nhận: trên con đường dọc bờ biển, hoa giấy rực đỏ trong buổi ban trưa và học trò thong dong đèo nhau dưới nắng - một khung cảnh thật thanh bình. Đặc biệt hơn là ở đó tôi không tìm thấy rác, nhất là túi ni lông. Người dân xã đảo Thạnh An chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng hải sản ven bờ, thế nhưng bãi bờ gần như không có rác. Anh Đặng Hoàng Sơn - Phó chủ tịch xã - cho biết, con đường dọc bờ kè sạch sẽ là một nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân vì “xã đảo không có rác”.

“Hình như là không có rác nha. Đúng rồi, không có rác. Ngay cả ở bến thuyền, tôi chụp rất nhiều hình, mà coi lại cũng không thấy rác!” - một cán bộ hội trả lời tôi sau khi lục lọi trí nhớ. “Họ làm sao hay vậy ta!” - chị hỏi tôi rồi cảm thấy hối tiếc vì chuyến đi gần như không có thời gian để các thành viên trong đoàn được trải nghiệm thực tế, được thật sự giao lưu, để cái ấn tượng “không có rác” rõ ràng hơn chứ không phải là những hình dung mơ hồ. Nếu có đủ thời gian để nhìn thấy, thì câu hỏi chị vừa hỏi tôi phải được mổ xẻ, giải đáp ngay trên đảo chứ không phải chỉ được khơi lên sau khi đã trở về. 

Cũng như tôi, chị lấy làm tiếc rằng: câu chuyện “hành động vì môi trường” tại xã đảo sẽ sống động và thiết thực hơn nếu nội dung hoạt động không dừng lại trong hội trường với những nội dung đã có sẵn, mà được mở rộng ra ngoài để người tham gia được tận mắt thấy cách người dân, cán bộ, hội viên gìn giữ môi trường, nghe họ chia sẻ những khó khăn, để từ đó rút ra bài học về áp dụng cho địa phương mình thì chuyến đi hơn 130km đường bộ và chặng đường vượt biển với hơn 6 tiếng di chuyển sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn.

 Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI