“Bây giờ mẹ yên tâm rồi!”

29/01/2022 - 18:31

PNO - Bạn nhắn hỏi thăm: “Xa xứ có buồn không?”. Nếu trả lời bạn mà không cần suy nghĩ, tôi sẽ nói “không”, bởi tôi vốn xa gia đình đã lâu, lại quen sống độc lập.

Tác giả cùng mẹ chồng ở Pháp trong một lễ hội tại ngôi làng nơi cô sống
Tác giả cùng mẹ chồng ở Pháp trong một lễ hội tại ngôi làng nơi cô sống

Từ tuổi 30 trở đi, tôi đã học được cách cân bằng cảm xúc và tự tạo ra niềm vui sống cho mình, huống chi trong thời đại công nghệ số, việc kết nối với gia đình, quê hương thật dễ dàng. Vậy nhưng, đối với những người thân yêu của mình, có lẽ mọi thứ không dễ dàng đến vậy, nhất là khoảng thời gian này khi ngày tết đang đến rất gần.

Nhớ thời gian đầu tôi mới qua Pháp, gần như ngày nào ba mẹ cũng gọi điện hỏi thăm, có khi gọi một ngày mấy lượt. Có lẽ cái cảm giác bỗng dưng trở nên “ngàn trùng xa cách” với đứa con gái út vốn rất gần gũi khiến ông bà hụt hẫng. Đâu đó, còn có những nỗi lo… Đó là điều khiến kẻ làm con cảm thấy ưu tư.

Thế rồi dịch bệnh ập đến, đường về nhà như bỗng xa hơn. Cha mẹ lại mỗi ngày càng gần hơn với buổi hoàng hôn của cuộc đời. Đếm ngón tay, tôi tự hỏi lòng liệu số lần mình còn gặp lại ba mẹ có được bằng chừng ấy? 

Tháng 3/2020, nước Pháp phong tỏa lần đầu vì dịch bệnh. Khi đó, Việt Nam vẫn còn bình yên lắm. Rời nghề báo chưa lâu, “máu nghề” vẫn còn đó, tôi bắt đầu chia sẻ những thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như phương pháp chống dịch của nước Pháp qua Facebook cho người thân tiện theo dõi. Việc đó vô tình cũng giúp một số đồng nghiệp làm báo trong nước có thêm kênh thông tin về tình hình thực tế đời sống người dân Pháp trong dịch bệnh.

Suốt thời gian phong tỏa, Chính phủ Pháp quy định ngoài việc đi làm nếu không thể làm việc tại nhà, đi chợ không giới hạn thời gian, đi khám bệnh, mỗi người được phép đi dạo, tập thể dục một giờ trong ngày để giải tỏa căng thẳng. Đó là lúc đầu xuân, nước Pháp như hồi sinh sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Hoa nở tưng bừng, chim hót khắp nơi, trời xanh ngăn ngắt và nắng tỏa chan hòa… Tiếc cho vẻ đẹp của một làng quê trù phú, rực rỡ nhưng không người thưởng thức, tôi ghi lại tất cả vẻ đẹp đó vào điện thoại, như kỷ niệm về một thời kỳ lạ lùng mà mình đã sống. 

Rồi tôi tập tành làm YouTube. Sắp xếp những đoạn video rời rạc thành một video hoàn chỉnh, tôi giới thiệu đến người thân về quê hương thứ hai, nơi mình sẽ gắn bó suốt quãng đời còn lại. Đối tượng khán giản của tôi khi ấy chính là gia đình, người thân và bè bạn. Đó là những người đã rơi nước mắt, lo lắng và hụt hẫng khi biết tôi sẽ làm dâu xứ lạ.

Cứ như thế, qua YouTube, tôi kể về những điều giản dị nhất trong cuộc sống thường nhật của mình, về chuyện làm dâu ở Pháp, sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt, về nghề nông và cả những điểm du lịch, những điều thú vị của nước Pháp mà mình đã trải nghiệm. Đi, trải nghiệm và chia sẻ vốn là điều thu hút tôi đến với nghề báo từ khi còn trẻ, nay lại tiếp tục trở thành một phần cuộc sống của tôi. Tôi không chỉ được sống lại đam mê làm báo mà qua đó, tôi đã tạo ra một phương tiện truyền thông sinh động hơn, tường tận, chân thực hơn để người thân, bạn bè có thể nắm bắt về cuộc sống mới của tôi nơi đất khách.

Đặc biệt, với ba mẹ tôi, được thấy con mình trong đời sống hằng ngày trên đất Pháp, những việc tôi làm, những nơi tôi đến, cách gia đình chồng yêu thương và đón nhận tôi ra sao… ba mẹ đã không còn quá lo lắng như những ngày đầu xa cách. Giờ đây, trong câu chuyện mỗi lần gọi điện cho nhau, nỗi lo lắng, bất an của mẹ được thay bằng niềm hứng khởi với những trải nghiệm thú vị và mới mẻ của đứa con xa như chính bà cũng tham gia vào đó.

Niềm vui, sự tin tưởng xen lẫn tự hào của mẹ về sự vững vàng của “đứa con bé bỏng” nơi đất khách được tôi coi là thành công lớn nhất khi trở thành một youtuber. Bởi, nói cho cùng, có phải chữ “hiếu” của đạo làm con là không để cha mẹ già phải thắc thỏm lo âu, sầu muộn vì mình? 

                                                                          Thiên Di

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI