Ân tình tiếp nối

09/12/2022 - 07:09

PNO - Mang ơn Hội giúp mình vượt khó, các chị quay qua giúp đỡ cho những người còn khó khăn hơn.Ân tình cứ vậy mà tiếp nối...

Hơn 6g sáng, chị Lê Thị Mỹ Hằng (khu phố Miễu Ba, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM) đã hoàn thành công việc và trở về nhà. Buông chiếc xe rác, chị tắm vội rồi chạy vội qua nhà hàng xóm, vừa tranh thủ làm việc giúp, vừa canh chừng bà cụ Hồ Thị Hiếu. 

Cụ Hiếu sống cùng con gái là chị Trần Thị Triệu Minh. Năm nay cụ đã ngoài 70 tuổi, mù lòa, nằm một chỗ đã nhiều năm. Để chăm lo cho mẹ, ngày ngày chị Minh phải đi phụ quán cà phê. 2 năm qua, kinh tế khó khăn, khách du lịch đến Cần Giờ ít, quán đóng cửa, nên chị Minh chuyển qua nghề mò ốc mỡ. 

Chị Triệu Minh và mẹ
Chị Triệu Minh và mẹ

Chị Triệu Minh thường đi mò ốc từ 5g sáng, đến tận trưa mới về nhà. Do chưa có kinh nghiệm nên mỗi ngày chị Minh chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Hôm nào may lắm thì được gần 200.000 đồng. Một lần, khi chị trở về, thấy mẹ nằm ngã dưới giường, tay chân tím bầm, chị ôm mẹ khóc. Biết chuyện đơn chiếc của người hàng xóm nên từ gần 1 năm qua, sáng nào chị Hằng cũng qua giúp mẹ con chị Minh sau khi hoàn thành công việc thu gom rác trở về. Chị Hằng nói: “Thương Triệu Minh lắm, gia cảnh khó khăn vậy nhưng mỗi khi chi hội phụ nữ khu phố có việc gì Minh đều tham gia, như đi nấu bữa ăn cho người già, đi tổng vệ sinh khu phố…”. 

Do nằm một chỗ lâu ngày nên “đồng hồ sinh học” của cụ Hiếu cũng thay đổi, ban ngày cụ ngủ, tối lại thức đòi đi quanh nhà. Chị Minh vì thế cũng vất vả hơn. Nhưng bù lại, những lúc bà ngủ, chị lại có thể tham gia việc hội. Chị nói: “Tham gia với hội để trả ân tình khi các chị đã luôn sát cánh với gia đình mình”. Còn với chị Hằng, việc hỗ trợ chị Minh cũng là niềm vui và là cách thức mà chị Hằng cảm ơn hội phụ nữ. Chị Hằng bùi ngùi: “22 tuổi tôi đã làm nghề lấy rác. Lấy chồng, bên anh ấy cũng khó khăn. Anh làm thợ hồ, công việc bấp bênh, nên hai vợ chồng từng có giai đoạn gian khó vô cùng. Tôi từng có lúc tuyệt vọng khi các con còn nhỏ, ốm đau, bệnh tật, rồi chi phí học hành… Nhưng lúc nào tôi bi quan, tuyệt vọng là các chị cán bộ hội xuất hiện! Các chị giúp tôi mượn 1 triệu đồng vốn để sửa chữa nâng cấp chiếc xe lấy rác. Sau đó lại cho mượn tiếp 5 triệu đồng để xoay xở những việc lớn hơn. Rồi cho vay đến 40 triệu đồng để tôi sửa nhà…”.
Chị Mỹ Hằng nay đã 52 tuổi, các con chị đều đã trưởng thành, cháu lớn là sĩ quan quân đội, cháu nhỏ cũng có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa cũng đã xây sửa khang trang, nhưng chị vẫn không từ bỏ công việc thu gom rác nặng nhọc, và mỗi ngày phải rời nhà từ 3g sáng. Chị bảo, công việc là cái nghiệp, là nguồn sống và thu nhập, giúp chị có đồng ra đồng vào để có thể đóng góp giúp những người khó khăn hơn mình. “Tôi biết ơn và cảm ơn hội. Nhiều người khác lại cảm ơn tôi và họ lại đi giúp những người khác nữa. Ân tình cứ thế mà tiếp nối”. 

Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI