Việt Nam thử nghiệm vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng, hiệu quả hơn 99%

22/05/2025 - 15:24

PNO - Vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng do virus EV71 phù hợp sử dụng cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi, đạt hiệu quả hơn 99%.

Ngày 22/5, Viện Pasteur TPHCM đã tổ chức tại hội thảo về “Phát triển và ứng dụng vắc xin EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng”.

Tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, theo thống kê từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận khoảng 15.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó có đến 93% là trẻ từ 1 đến 5 tuổi - nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Trẻ mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Trẻ mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam (chiếm 60-80% tổng số ca).

Hiện nay, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là không đặc hiệu, gồm "4 sạch": ăn sạch, uống sạch, ở sạch, chơi sạch. Do đó, việc nghiên cứu và phát triển vắc xin đặc hiệu phòng bệnh tay chân miệng là hết sức cấp thiết.

ThS.BS Lương Chấn Quang - Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM - cho biết, thử nghiệm vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng tại Việt Nam đã có kết quả rất khả quan.

Theo bác sĩ Quang, đây là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 3, triển khai trong 3 năm, kết thúc vào tháng 11 năm ngoái. Vắc xin sử dụng được cấp phép lưu hành tại Đài Loan (Trung Quốc) cách đây 2 năm, thực hiện trên 3.993 trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế ở Việt Nam (Bến Tre và Vĩnh Long) và Đài Loan (Trung Quốc). Mỗi trẻ được tiêm vắc xin theo phác đồ tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 28 ngày, theo dõi sức khỏe liên tục trong suốt quá trình thử nghiệm.

Trong đó, có 557 trẻ được lấy máu nhiều lần để kiểm tra khả năng tạo ra kháng thể là khả năng miễn dịch sau tiêm. Kết quả ghi nhận vắc xin giúp tạo kháng thể mạnh và duy trì bền vững ít nhất trong 1 năm.

Giai đoạn thực hiện, 1 trường hợp mắc bệnh là bệnh nhi 7,5 tháng tuổi. Bệnh nhi từng tiêm mũi 1 khi 3,5 tháng tuổi; mũi 2 lúc 4,5 tháng tuổi, không bị biến chứng nặng, không cần nhập viện. Tất cả ca bệnh nặng hay có biến chứng đều nằm trong nhóm không tiêm. Những trẻ đã tiêm vắc-xin chỉ gặp triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Trong khi nhóm không tiêm (giả dược) có tới 70 ca mắc. Nhờ đó, hiệu quả bảo vệ được xác định là 99,21%.

Bác sĩ Quang cho biết thêm: “Vắc xin này giúp cơ thể của trẻ tạo ra lượng kháng thể cao chỉ 1 tháng sau tiêm. 6 tháng sau, kháng thể có giảm nhẹ nhưng đến tháng thứ 12, lượng kháng thể lại tăng trở lại. Điều này cho thấy vắc xin có khả năng bảo vệ dài lâu.

Các phản ứng sau tiêm như đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ đều ở mức nhẹ tương tự như khi tiêm các loại vắc xin thông thường. Không có phản ứng nghiêm trọng nào được ghi nhận trong nhóm tiêm”.

Bác sĩ Quang khẳng định, dù được sản xuất từ virus EV71 chủng B4 của Đài Loan (Trung Quốc), vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng này vẫn cho thấy sự hiệu quả trong việc tạo ra miễn dịch với các chủng khác phổ biến tại Việt Nam và Trung Quốc như B5, C4.

Vắc xin EV71 phù hợp cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi, độ tuổi dễ mắc tay chân miệng, có biến chứng nặng, góp phần giảm đáng kể số ca bệnh và tử vong do tay chân miệng tại Việt Nam nếu được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi chủng virus này lây lan rất nhanh, gây sốt cao, dễ gây ra biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim, dẫn đến tử vong, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Trên hết, virus EV71 từng gây nhiều đợt bùng phát tay chân miệng tại TPHCM với nhiều trường hợp nặng và tử vong nhanh chóng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI