Thương hồ và những phiên chợ dọc sông Đà

09/01/2016 - 06:30

PNO - Họ lênh đênh nhiều ngày ngược xuối hơn 200 cây số trên những con thuyền lớn từ Hòa Bình lên Điện Biên.

Thuyền của họ là một "siêu thị" di động bán từ cuộn chỉ màu, bịch bột ngọt đến cả ti vi, tủ lạnh, quạt máy... mưa cũng như nắng, như một lời hẹn, cứ 10 ngày thì người bán, người mua lại gặp nhau một lần, tạo nên các phiên chợ dọc sông Đà.

Thuong ho va nhung phien cho doc song Da

Bến thuyền... trên núi

Chiếc đèn pin vẽ những bóng sáng ngoằn ngoèo trên con đường lên dốc. Anh Nguyễn Văn Tới (45 tuổi, người Bắc Giang) - một khách buôn trên thuyền, cũng là người dẫn chúng tôi vừa đi vừa nói: “Bến thuyền nằm trên núi, vì phía hạ lưu là đập thủy điện Hòa Bình, nên thuyền không thể đi ngược sông Đà”. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ vì sao xuống thuyền mà lại đi… lên núi.

Cách đây khoảng 30 năm, khi ngăn sông Đà ở Hòa Bình, các bản làng ở ven sông đã di dời lên triền núi. Con sông Đà chảy từ Vân Nam về hợp lưu với sông Hồng ở ngã ba Bạch Hạc. Một bên là dãy Hoàng Liên Sơn, bên kia là trùng điệp các ngọn núi đá vôi, vì vậy đến nay phương tiện lưu thông hầu hết chỉ có những lối mòn nối từ bản này qua bản kia. Các bản gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Nghề thương hồ và những phiên chợ dọc sông Đà cũng hình thành từ đó. Ban đầu chỉ là những con thuyền gỗ nhỏ đi ngược sông để bán các mặt hàng thiết yếu như muối, gạo và vài thứ nhu yếu phẩm, lâu dần những chuyến hàng đó đông hơn, tạo thành phiên chợ.

Thuong ho va nhung phien cho doc song Da
Hôm nay con có áo mới!”

Cứ 10 ngày một lần, năm bảy thuyền buôn lại bốc hàng từ bến Bích Hạ ở hồ Hòa Bình đi qua các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La) lên Điện Biên rồi quay ngược trở lại. Mỗi lượt đi như thế thuyền ghé vào khoảng 11 điểm chợ phiên. Có chợ tập trung, có chợ xép, cứ “đến hẹn lại lên”, người Mông, Dao, Thái, Tày… ở các bản mang mộc nhĩ, măng khô, mật ong, ngô và thỉnh thoảng có cả thú đánh bắt được ra bán và mua những thứ cần thiết.

Đã hơn 7g, sương mù vẫn còn la đà đầy mặt sông. Trên các con đường mòn triền núi, từng nhóm người áo váy đủ màu đổ về phiên chợ. Bên kia sông, nhiều chiếc độc mộc của người đi chợ phiên cũng từ từ tụ về. Núi rừng trùng điệp hùng vĩ hiện ra hết lớp này đến lớp khác, từ màu xanh đậm ở gần đến màu khói nhạt tít xa. Tôi đứng ở mũi thuyền, hít một hơi thật sâu để thưởng thức cái sảng khoái của buổi sớm mai miền sơn cước.

Con thuyền tôi đi theo, gọi là con tàu cũng được, dài khoảng 40m, rộng trên 5m có ba tầng, ngăn từng khoang cho khách buôn thuê để chở đủ loại hàng hóa. Bến thuyền hiện ra thật khác xa suy nghĩ của tôi. Đèn điện sáng trưng; người đi lên xuống tấp nập, gọi nhau í ới.

Theo lời anh Tới, mỗi thuyền trọng tải khoảng 150 tấn, có ba tầng: tầng trên cùng là cabin chứa đồ và nơi ngủ của cửu vạn. Mỗi thuyền có bốn-năm cửu vạn. Tầng 2 là nơi của chủ thuyền. Tầng 3 (dưới cùng) được chia làm nhiều ô, mỗi ô rộng khoảng 6m2 cho các khách đi hàng thuê.

Thuong ho va nhung phien cho doc song Da
Trong lòng thuyền, bất cứ chỗ nào cũng là nơi chứa hàng hóa

Lênh đênh phận người

Bốn giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi những tiếng động thình thịch, tiếng kêu eng éc của những chú lợn. Lúc này hãy còn khá sớm, nhưng những chủ hàng thịt đã dậy mổ lợn để kịp phiên chợ. Các khách buôn cũng lục tục chuẩn bị hàng lên bờ. Cửu vạn bắt đầu phần việc của mình. Chân không đi giày, trên lưng là những bao hàng to, họ bước trên thuyền huỳnh huỵch, đi lên dốc như đi trên đất bằng. Hàng hóa chủ yếu là giày dép, quần áo, nhu yếu phẩm được xếp trong một bao to.

Mỗi cửu vạn được trả 10 ngàn đồng cho mỗi lần vác một bao 70kg. Nhấp một hớp chè đặc sau khoảng 20 lần chạy lên xuống thuyền, Nguyễn Văn Phong (34 tuổi, quê ở Cao Phong, Hòa Bình) quẹt mồ hôi trán: “Mỗi chuyến tầm 11 điểm chợ tụi em phải vác hàng lên xuống nhưng mỗi người chỉ kiếm được khoảng một triệu đồng. Cũng may là chủ thuyền bao ăn ở nên không phải tốn”. Một tháng có ba chuyến, Phong kiếm được ba-bốn triệu, chật vật lắm mới đủ nuôi vợ con. “Thuyền là nhà, gia đình như quán trọ” - Phong cười buồn. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI