Yêu cầu ngân hàng cung cấp tài khoản khách hàng: Không hợp hiến, dễ lạm quyền?

16/11/2018 - 06:29

PNO - Đại biểu Quốc hội lo rằng, việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng như trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ vi phạm hiến pháp, có thể dẫn tới lạm quyền.

Cơ quan thuế tự trao thêm quyền?

Chiều 15/11, thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ băn khoăn liên quan tới quy định yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế. Cụ thể, theo dự thảo, “ngân hàng có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế”.

ĐB Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Ninh Bình) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH - đánh giá, dự thảo này để phục vụ cơ quan thuế nên có những đề xuất có vẻ trao thêm quyền cho cơ quan này. Dù rằng đây là một trong những biện pháp để chống thất thu, nợ đọng thuế không đòi được, nhưng QH vẫn phải xem xét và đặt trên bình diện chung của pháp luật hiện hành. “Luật phải quy định rất rõ ràng, cụ thể, trong đó xác định rõ trường hợp nào được phép yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng. Ví dụ, đối tượng đã bị cơ quan thuế đưa vào diện trốn thuế, để phục vụ cho truy thu thuế, cơ quan thuế có quyền yêu cầu cơ quan khác phối hợp. Nếu tự nhiên đưa yêu cầu để xem và can thiệp vào các khía cạnh đời tư của công dân thì chắc chắn QH sẽ không tán thành” - ông Kiên phân tích. 

Yeu cau ngan hang cung cap tai khoan khach hang: Khong hop hien, de lam quyen?

Ông Kiên dẫn chứng, ngay cả với hoạt động phòng, chống khủng bố của thế giới, để khai thác giao dịch của các chủ tài khoản ở các ngân hàng của Thụy Sĩ, cơ quan quản lý cũng phải trải qua các thủ tục pháp lý, ràng buộc chặt chẽ. Do đó, Việt Nam phải tuân thủ các quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng, ảnh hưởng tới quyền của công dân. Đặc biệt, việc cụ thể hóa quy định phải thể hiện ngay tại luật này, vì theo Hiến pháp, quyền nhân thân, quyền tự do của công dân chỉ được điều chỉnh bằng luật chứ không được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. 

Đồng tình, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định, quy định trên là không phù hợp với yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng. Cụ thể, các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng. Việc cung cấp chỉ được quy định trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng. Vì vậy, cần có sự hài hòa giữa 2 quy định này, không làm ảnh hưởng tới uy tín, hoạt động của ngân hàng, tránh việc yêu cầu cung cấp thông tin dẫn tới ngân hàng vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (TP.Hà Nội) khẳng định, ngoài quy định của pháp luật liên quan tới ngân hàng, vấn đề này còn không phù hợp với Hiến pháp trong việc đảm bảo quyền con người. Do đó, phải tiếp tục bàn bạc, mổ xẻ trước khi đưa vào luật.

Số dư tài khoản không phản ánh vi phạm thuế

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) khẳng định, cơ quan thuế không có quyền yêu cầu cung cấp số dư tài khoản, bởi đó là quyền bảo vệ tài khoản cá nhân của ngân hàng. Thông tin này chỉ được phép tiết lộ khi có yêu cầu từ phía cơ quan điều tra hoặc cơ quan chống rửa tiền nếu phát hiện các giao dịch bất thường và có số lượng lớn. Bản thân số dư tài khoản ngân hàng cũng không phản ánh vấn đề trốn thuế hay không. “Nếu cung cấp tất cả cho cơ quan tài chính thì cơ quan này dựa vào đâu để nói rằng có vấn đề thuế ở đây?” - ĐB Cường đặt câu hỏi.

Theo ĐB này, nếu đưa vào luật, chỉ có thể quy định ngân hàng cung cấp các lịch sử giao dịch phát sinh tại ngân hàng, trong một số trường hợp cụ thể. Ví dụ như, khi cơ quan thuế phát hiện các giao dịch liên quan tới kinh doanh, buôn bán… có nghi vấn, có thể yêu cầu ngân hàng kiểm tra phát sinh giao dịch để xác minh thuế, tránh thất thu. Tuy nhiên, việc quy định cần được luật hóa rõ ràng, cụ thể. “Phải làm rõ, cơ quan thuế lấy thông tin đó để làm gì. Cơ quan thuế chỉ được quyền xác minh cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế chứ không được quyền sử dụng thông tin đó vào mục đích khác. Các cơ quan sử dụng thông tin phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin này” - ĐB Hoàng Văn Cường nói.

Tương tự, ĐB Phạm Thị Thu Trang cũng đề nghị làm rõ các trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền cung cấp thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin. Việc khấu trừ tiền trong tài khoản nộp thuế phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Giải trình trước QH chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo luật mẫu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay khuyến nghị của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam phải có quy định liên quan tới vấn đề ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng. Bởi, trong điều kiện Việt Nam đang phát triển giao dịch điện tử và thương mại qua biên giới, ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài, nên cần phải có chế tài, quản lý phù hợp. “Kinh tế của nước ta là kinh tế tiền mặt nên có nhiều vấn đề phải xử lý, phải rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có ngân hàng” - ông Dũng nói. Tuy nhiên, ông cũng hứa sẽ tiếp tục xin ý kiến và nghiên cứu, làm rõ các vấn đề mà ĐBQH nêu để hoàn chỉnh luật với chất lượng tốt nhất, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước. 

Minh Quang

 
TIN MỚI