Tết Thanh Hóa: Tình quê trong lòng người xa xứ

02/02/2022 - 06:40

PNO - Được sum vầy trong mái nhà của mẹ cha, ngồi cùng chiếc chiếu ăn cơm với bà con họ hàng thân thiết, ai cũng hiểu và trân quý từng khoảnh khắc ấm êm của mùa xuân.

Vượt quãng đường dài về xứ Thanh, nhiều người dân sinh sống ở TPHCM và các tỉnh phía Nam thấy nhẹ nhõm khi chạm vào không khí lành lạnh của quê mình. Là mảnh đất có núi và sông, vừa đồng bằng lại vừa có biển, Thanh Hóa là nơi vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống.

Cùng chuẩn bị thức ăn ngày Tết
Cùng chuẩn bị thức ăn ngày tết

Dịp tết, nhà nào cũng chưng đào và quất. Bàn thờ tổ tiên nhất định phải có chuối xanh, bưởi và phật thủ. Làm bánh chưng, giò thủ bằng tay, thêm cả món bánh rán quen thuộc là những hoạt động “thường thấy” vào cuối năm ở xứ này.

Do trời mát lạnh nên bữa cơm ngày tết luôn có thịt đông, hành muối, dưa kiệu. Đặc biệt là món cá thu nướng, vừa thơm vừa giữ được sự tươi ngon, ngọt lành của cá.

Mâm cơm ngày tết hiếm khi xuất hiện các món “công nghiệp” chế biến sẵn, mà các mẹ, các chị sẽ tự tay chuẩn bị những món vừa rẻ, vừa bảo đảm vệ sinh, lại hợp khẩu vị gia đình như: chả giò, cà bung, bắp nướng, mía lùi… 

Thật thích thú khi được ăn món nướng vì trời lạnh
Thật thích thú khi được ăn món nướng vào ngày lạnh

Chợ cổ Đam - Bỉm Sơn, còn gọi là chợ Cốc, tấp nập mua bán ngày giáp tết. Ngoài dân địa phương còn có rất nhiều người xa quê vừa về ăn tết, tranh thủ đi chợ “ngày ba mươi” để ôn lại cảm giác nhộn nhịp, tha thiết ngày cũ. Để ngắm nghía mớ rau, cái lồng gà, rổ táo ta, cành đào phai… đang được bày bán, mời gọi người mua về bày biện, trang hoàng. Đi tảo mộ, thăm nom lại nơi yên nghỉ của ông bà, tổ tiên cũng là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân xứ Thanh. Những ngày giáp tết, gia đình nào cũng dọn dẹp, bài trí bàn thờ.

lại nơi yên nghỉ của ông bà, tổ tiên cũng là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân xứ Thanh. Những ngày giáp tết, dọn dẹp bài trí bàn thờ là điều ưu tiên
Những ngày giáp tết, dọn dẹp bài trí bàn thờ là điều ưu tiên

Trong sân nhà, quanh vườn vẫn có trồng mai, loài hoa của phương nam này khá được ưa chuộng ở Hoằng Hóa.

Loài hoa phương Nam vẫn điểm tô sắc xuân nơi này
Hoa mai được trồng ở Thanh Hóa dù tiết trời rất lạnh vẫn bung cánh

Những đứa trẻ con được sinh ra và lớn lên ở thành thị, tò mò và háo hức trước giàn bầu hồ lô vốn “chỉ thấy trên phim”, hay diện áo ấm dạo quanh trong khu vườn đầy những bất ngờ.

Trẻ con vui sướng khi được hái rau trái ở quê nhà
Trẻ con vui sướng khi được tự tay hái rau trái ở quê nhà

Nét đẹp ngày xuân quê hương là khoảnh khắc cả nhà quây quần quanh nồi bánh chưng, xúm xít nướng đồ ăn, chuẩn bị cơm tối, hay thức trò chuyện chờ đón giao thừa. Là những lời hỏi han chân tình, là sự quan tâm ấm áp đầy thương mến mà cả năm nhiều khi mới có dịp bày tỏ. Là chiêm nghiệm “Cuộc đời là những chuyến đi, nhưng chuyến đi nhiều cảm xúc nhất là về quê ăn cơm mẹ nấu, về quê mặc áo mới mẹ may" của những người con xa xứ.

Năm hết tết đến, được sum vầy trong mái nhà của mẹ cha, ngồi cùng chiếc chiếu ăn cơm với bà con họ hàng thân thiết, mới hiểu rằng, mình nâng niu trân quý biết bao nhiêu từng khoảnh khắc ấm êm này. Để rồi ngày xuân qua nhanh, những đứa con lại tiếp tục xa quê, xa nhà, trong cuộc mưu sinh dù vất vả vẫn mong ngóng dịp quay về.

Diệu Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI