Tết nhà ngoại

27/01/2020 - 07:10

PNO - Nhà tôi ở ngụ Nhất Tây, nhà ngoại ở ngụ Nhất Đông trong cùng một làng chỉ cách nhau chừng hơn cây số nhưng mỗi năm anh em chúng tôi chỉ theo ba mạ về nhà ngoại mấy lần trong dịp kỵ chạp...

Tết mô cũng rứa, tôi được mạ dắt về nhà ngoại vào sáng Mùng Hai chỉ đơn giản là ngày đó nhà ngoại có kỵ. Sáng sớm mạ đi chợ mua cân thịt heo, mấy loại thực phẩm rồi trở về nhà kêu anh em tôi dậy về ngoại, đứa mô ưng thì đi trước với mạ, đứa mô còn muốn ngủ tiếp thì đi sau với ba.

Con đường về nhà ngoại đối với thằng bé tôi là một con dường khá dài và rất thú vị. Bởi nó băng qua một cái vườn của nhà ai đó, rồi qua mấy cái khe nước chảy trong vắt; rồi băng qua một dãy nhà thờ họ tộc có mấy cội mai già vàng rực và mấy lá cờ hội rực rỡ được treo trong những ngày tết...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mạ tôi lên hai tuổi thì ông ngoại tập kết ra Bắc, không lâu sau thì mệ ngoại cũng lên rừng theo kháng chiến. Người nuôi dạy mạ là ông chú bà thím ruột. Tôi ít khi nghe mạ kể về tuổi thơ của mình nhưng mạ vẫn luôn thương kính ông chú bà thím. Điều này chứng tỏ hai ông bà đã cố gắng bù đắp nỗi thiếu thốn tình cảm gia đình của mạ những ngày thơ bé...

Về nhà ngoại, anh em chúng tôi luôn được ông bà ngoại chú ưu tiên từ số tiền lì xì cho đến mấy món ngon. Ba tôi vẫn thường ái ngại nói với mạ tôi: "Khi mô thím cũng ưu tiên con mình hơn cả mấy đứa cháu ngoại của thím, sợ mấy dì con thím lại buồn!"

Nhà ngoại tôi là một căn nhà xây thấp bé, trước sân có đến cả chục cội mai vàng. Khi mạ và bà thím cùng mấy người phụ nữ bà con bắt đầu bày dao thớt rổ rá ra để chuẩn bị làm món cho mâm kỵ thì anh em chúng tôi cùng mấy đứa em con bà dì bắt đầu những trò vui.

Tôi thích nhất là ra sau vườn, nơi mà dưới những vồng rau là những rãnh nước từ mạch nước ngầm chảy trong vắt, rồi cả cái giếng xưa cũ bám đầy rêu nước chảy tràn trề lên cả sân giếng. Chơi chán lại trèo lên cây cóc hái mấy trái già xuống chấm muối ăn. Sau lưng nhà ngoại là độn cát nơi có cái đồn của lính đóng ngày trước. Chúng tôi thích thú trèo lên độn, nhảy múa trên những ụ súng, những tấm ri và tưởng tượng ngày xưa súng bắn đì đoàng như thế nào.

Ảnh: Trần Chí Kông
Cây rơm - sắc vàng ấm no ngày tết - Ảnh: Trần Chí Kông

Chừng 12 giờ thì ông ngoại chú cúng xong. Tôi lúc nào cũng được ông ưu tiên ngồi cùng ông, ba tôi và mấy người lớn ở cái phản bên phải nhà. Thỉnh thoảng bà thím còn gắp cho tôi thêm miếng ram hay miếng chả. Tôi nhớ mâm kỵ ở nhà ngoại khi nào cũng có dĩa bột lọc xào. Cái món này ba tôi vốn không ưa nên ở nhà mạ ít khi làm. Mà ở nhà ngoại hình như mấy cái dĩa thức ăn đã cũ lắm và lại bé hơn mấy cái dĩa ở nhà tôi nữa...

Kỵ xong, khi mô cũng rứa, bà thím gói một đùm thức ăn trong miếng lá chuối xanh chủ yếu là mấy món ram, thêm mấy miếng thịt gà, thịt vịt để mạ tôi mang về.

Từ ngày mạ tôi mất, ngày tết tôi không còn được đi kỵ nhà ngoại nữa. Tết này tôi về thăm nhà ngoại, con đường ngày xưa vẫn không nhiều thay đổi. Còn đó cánh đồng rau, còn đó con đường đi qua mấy nhà thờ họ có mấy cội mai vàng vẫn nở, còn đó con khe nước trong vắt...

Mấy cậu mấy dì đã lập gia đình riêng chỉ còn bà thím ở với dì út. Tôi về thắp hương bàn thờ nhà ngoại vào chiều Mùng 2 tết chỉ gặp bà thím ở nhà một mình. Bà nay đã chín mươi nên không còn nhận ra thằng cháu nhỏ năm xưa nữa. Tôi cố gắng nói tên ba mạ tôi nhưng bà không thể nhớ và cứ nói những câu đâu đó thật xa xăm. Căn nhà xưa vẫn đó, cội mai vàng vẫn nở chan hòa trong nắng chiều xuân.

Tôi cầm tay bà thím, nhìn ra trước sân nhà ngoại và ước mong quay về cái tết ấm áp ngày xưa...

Phi Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI