Sáng mùng Một tết đi chợ Gò

12/02/2021 - 07:44

PNO - Chợ Gò mỗi năm họp một phiên, người ta chỉ bán vài món hàng, người mua cũng chỉ mua chút xíu lộc mà rất đông vui náo nhiệt.

Ai biết chợ có tự khi nào?

Nếu có dịp ghé chợ Gò, bạn hỏi người già nhất trong chợ rằng từ khi nào chợ đã được nhóm họp ở đây thì sẽ nhận ngay cái lắc đầu: “Từ hồi nhỏ xíu tui đã đi chợ này rồi, đâu biết nó có từ lúc nào”.

Vài trăm năm nay, chợ vẫn được nhóm vào sáng mùng Một tết mỗi năm, chỉ gián đoạn trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào thì không có tài liệu ghi lại. Chợ Gò thực chất là một phiên chợ được nhóm vào rạng sáng đến quá trưa mùng Một tết tại một gò đất trống dưới chân núi Trường Úc (thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cạnh sông Hà Thanh.

Xưa nay, gò đất ấy vẫn để trống quanh năm cho đến tết lại nhóm họp đông vui một ngày. Tương truyền, Trường Úc là nơi nghĩa quân Tây Sơn đóng quân để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, vua Quang Trung cho mở hội vui xuân ở chỗ gò đất để binh lính vơi nỗi nhớ nhà và người dân địa phương cũng tham gia vào lễ hội này, trao đổi lộc xuân và vui chơi, biến nơi đây thành một trong những phiên chợ độc đáo nhất nước ta.

Chợ Gò không thơm mùi bánh mứt, dưa kiệu, củ gừng mà nồng mùi trầu cau, gạo muối và xanh mướt một màu rau trái non tơ… Chợ chủ yếu bán muối, gạo, trầu cau, trái sung, quả đu đủ… những thứ người ta tin mua ngày đầu năm sẽ có một năm đầm ấm, đủ đầy. Đi chợ bình thường, vui là một lẽ nhưng phải cân nhắc hôm nay ăn gì, mắc rẻ ra sao, mua hàng quen hay hàng lạ.

Ở chợ Gò, không khí khác hẳn, chỉ có từ vui đến rất vui, người đông, xe cộ nghẹt đường mà ai cũng sẵn một nụ cười rạng rỡ. Bởi, đi chợ là gặp người quen thăm hỏi vài lời, là đem về nhà chút lộc đầu năm chứ có mua bán gì đâu mà kỳ kèo trả giá cho nặng đầu. Người ta nói đây là phiên chợ không tính toán, người bán không tính toán lời lãi và người mua không tính toán mắc rẻ.

Đàn bà quê, những cụ bà cả đời gắn với ruộng đồng và gian bếp, đâu có phong lưu bù khú chỗ này góc nọ hay ba bữa tết đến từng nhà thăm xuân như cánh đàn ông nên sáng mùng Một là dịp mặc bộ đồ đẹp ra chợ chúc nhau một năm tốt lành, thảnh thơi xem hát bội, múa võ, chơi bài chòi và mua lộc đầu năm rồi lại tiếp tục về với gian bếp làm những mâm cơm cúng ông bà.

Có cụ gần tám mươi đã có hơn 70 năm đều đặn đến chợ mỗi sáng mùng Một thì cũng có cụ hơn 60 năm đều đặn hái buồng cau, dây trầu mới hai giờ sáng đã chong đèn ra chợ xí một chỗ ngồi.

Đi chợ chủ yếu để được hưởng cảm giác mua bán trong tiếng trống hội, múa võ, hát tuồng, hô bài chòi… được hưởng cái hồn nhiên của đám trẻ con xúng xính đồ đẹp trong trẻo cầm tò he đi qua đi lại, hưởng cảm giác được chậm rãi giao lưu với mọi người. Vậy nên, không phải những món đồ được bày bán mà chính không  khí của buổi chợ mới là điều làm cho chợ Gò được duy trì hàng trăm năm nay. Trầu cau, gạo muối, rau củ chợ nào cũng có, chẳng qua người ta muốn dạo một buổi chợ mà lòng thanh thản tận hưởng buổi sớm mai đầu năm đầy sinh khí.  

Bày biện văn hóa địa phương

Năm 2018, sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận Chợ Gò là một trong một trăm chợ độc đáo nhất Việt Nam, nhưng có lẽ người dân ở đây không bận tâm lắm với danh hiệu này. Họ bày chợ ra mà chơi, giản dị như bao nhiêu năm nay đã từng. Họ nhóm chợ chơi cho vui chứ không nhóm chợ để lấy danh hiệu. Họ chơi từ năm này qua năm nọ nên những giá trị của tết vẫn ở đó mà không bị giật mình: “Tết cổ truyền đâu rồi, sao đã bị mai một?”.  

Dự trọn một buổi chợ sẽ thấy nhiều nét văn hóa đặc trưng của Bình Định được bày biện ra đây. Đi chợ là để mua lộc và chơi xuân, rất dễ thấy hình ảnh những người tay cầm nắm trầu, nắm gạo rồi ghé vào gian bài chòi coi chơi rồi dạo qua chỗ cờ người. Ai mê gì thì chọn chỗ ấy. Người thích coi trống hội thì lại chỗ trống, người thích coi múa võ đi quyền thì ghé khán đài, người thích coi đấu cờ người thì lại gian đất trống…

Nhắc đến Bình Định, người ta nhắc đến võ cổ truyền Bình Định, đến hát bội, đến hô bài chòi và trống Tây Sơn… tất cả đều được vui chơi khéo léo trong phiên chợ này. Du khách đến đây sẽ hiểu khái quát những nét văn hóa kể trên, không hiểu cứ hỏi, người dân biết đến đâu sẽ trả lời đến đó hoặc những người trong ban tổ chức sẵn sàng giải đáp khi có ai đặt câu hỏi.   

Năm nào cũng chợ, cũng chừng ấy lộc xuân và chừng ấy trò chơi vậy mà năm nào chợ cũng đông. Túm muối gạo, túm trầu cau, vài bó rau xanh được người ta ngồi bán kín trong gò đất trống ra đến dọc hai bên đường. Người bán, người mua, người đứng coi hát, coi lân, coi võ trộn lẫn vào nhau, ai cũng cười nói xởi lởi tạo nên một bức tranh vui vẻ màu tết.

Không chỉ người xem háo hức mà người diễn, người tổ chức cũng háo hức đến giờ diễn, bởi đây là các “show diễn” rất đông người xem. Tôi dự buổi chơi bài chòi, ban đầu bối rối vì không hiểu nhưng sau đó được giải thích cách chơi, đâu là anh Hiệu, thế nào gọi là hô thai, đâu là chín con bài của pho Vạn, đâu là ba con bài yêu, khi nào thì người chơi tới (thắng cuộc)… cũng lờ mờ hiểu phần nào.

Chơi bài chòi không có tính sát phạt thắng thua mà chỉ chơi cho vui và nghe người ta hát có hay, có khéo hay không. Người chơi mua thẻ bài, ngồi trên chòi chờ “xổ” con nào rồi chọc ghẹo anh Hiệu, người hát… và để thưởng thức tiếng đờn cò, song loan, trống chiến, kèn… réo rắt, dồn dập theo tiếng hô của anh Hiệu và của những người hát đối đáp.

Vui và giải trí như vậy nên bài chòi là một trong những trò vui xuân được người dân thích nhất, từ rất sớm đã rất đông người đến giành chòi ngồi sẵn chờ đến giờ chơi.   

Chợ Gò từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của Bình Định nói chung và huyện Tuy Phước nói riêng. Với người dân Tuy Phước đầu năm đi chợ Gò đã trở thành thói quen và chính họ đã tạo nên linh hồn của buổi chợ để chợ trở thành một lễ hội văn hóa. Chợ là văn hóa và trong chợ lại chứa đựng các nét văn hóa khác nên tại phiên chợ này, văn hóa chồng lên văn hóa thành nhiều lớp thú vị vô cùng.  

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI