Ai... ve chai hôn

07/11/2017 - 09:00

PNO - Không có con số thống kê lượng người mua bán ve chai tại Sài Gòn, nhưng quanh cái đống ve chai khổng lồ của một đô thị lớn như Sài Gòn, chắc chắn có không ít người nhờ đó mà thoát cảnh đói nghèo, làm nên cơ nghiệp.

Một thầy giáo già, ở Bình Thới (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), ngày ngày vẫn thường ngồi quán cà phê đầu hẻm, nói chuyện đời. Hễ nói về nghề mua ve chai là ông bất chấp mọi lý lẽ phản bác, khẳng định: “Không ít người Sài Gòn xưa nay chỉ mơ nên cơ nghiệp được như chú Hỏa, Trần Thành, Tư Cai với một gánh ve chai. Tôi nói mấy chú không tin chứ ở Việt Nam, trúng vé số không ngon bằng trúng mánh ve chai đâu”.

Nghề mua ve chai - lông vịt không có nhà thờ, cũng không có ông tổ nhưng lại có giai thoại, lịch sử hẳn hoi. Nếu lịch sử Sài Gòn đã có tuổi ngoài 300 năm thì nghề ve chai chắc cũng chừng ấy năm tháng thăng hoa và suy thoái.

Ai... ve chai hon
Những gánh ve chai ở Sài Gòn đã giúp bao người thoát cảnh đói nghèo, làm nên cơ nghiệp

Trong ngần ấy thời gian, người Sài Gòn vẫn say sưa với những câu chuyện truyền miệng về kỳ tích phất lên thành đại gia của các ông chủ người Việt, người Hoa khởi nghiệp từ gánh ve chai, cũng như những ông những bà tứ xứ nghèo rớt mồng tơi trúng mánh đậm tới mức lập tức được đổi đời chỉ nhờ một tiếng rao: “Ai ve chai - lông vịt hôn”.

Chuyện xưa về nghề ve chai Sài Gòn

Ông L. Nh., một nhà báo già, có nhã ý mời chúng tôi tới khu nhà ông chơi, để kể cho chúng tôi nghe về vài nhân vật, giai thoại trong nghề ve chai của đất Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong con hẻm nhỏ trên đường Bùi Đình Túy, bên ly cà phê, ông chậm rãi kể: “Nói ve chai phải nói đến chú Hỏa. Cái ông Tàu Phúc Kiến này tới đất Gia Định chỉ với đôi gánh trên vai, vài đồng bạc vốn lận lưng, rồi đi khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp ai bán thứ gì cũng mua, từ ve chai bể tới hủ lọ lành, từ đồng nát tới đồng nguyên, quần áo mùng mền cũ… ông ta mua ráo.

Vậy rồi, một hôm ông Hui Bon Hoa này mua trúng cái áo gấm cũ có giấu vài chục lượng vàng. Cái nghề ve chai dễ vô mánh bất tử lắm. Mấy chú không tin thì tới đường Phó Đức Chính coi cái dinh cơ của ông ta, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, hay qua đầu đường Lê Lợi ngó Bệnh viện Sài Gòn do ông ta bỏ tiền ra xây, ấy là chưa kể vô số điền sản khắp Nam kỳ lục tỉnh”.

Người mua ve chai ở Sài Gòn hôm nay không còn mang gióng gánh trên vai. Họ dùng xe ba gác đẩy, giá một chiếc ba trăm ngàn đồng. Nhưng dù có xe thì chuyện đẩy những cánh cửa sắt cũ hay những món đồ nặng từ chỗ mua về tới vựa bán cũng mướt mồ hôi.

Tất nhiên chúng tôi không hoài nghi gì về Hui Bon Hoa - một cự phú luôn tồn tại trong ánh hào quang truyền kỳ của đất Sài Gòn, nhưng chắc không mấy người mua bán ve chai ngày nay biết họ từng có một “tiền bối” làm ăn phát đạt tới mức có được một gia sản hoành tráng như vậy. 

Không chờ chúng tôi hỏi, ông Nh. kể tiếp: “Tới thời Mỹ thì có mấy ông Trần Thành, Tư Cai, làm giàu bằng cách thầu các bãi rác của quân đội Mỹ. Trần Thành từ nghề buôn bán ve chai mà thành “cố vấn tài chánh” cho Tổng thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu, còn Tư Cai cũng đường hoàng đi “kinh tài” cho phó “râu” Nguyễn Cao Kỳ”.

Chúng tôi hỏi liệu sau năm 1975 còn “đại gia” ve chai nào không, ông Nh. cười: “Bao nhiêu sân bay, căn cứ, kho bãi… chẳng phải là ve chai chiến tranh sao?”.

Ve chai thời kinh tế thị trường

Từ khởi thủy, muốn theo nghề ve chai, ít nhất cũng phải biết cân-đo-đong-đếm, biết giá cả thị trường, xem đồ giả đồ thật, mức độ mới cũ và chắc chắn phải có ít vốn để mua vào. Đi lượm hay xin ve chai ngày xưa là chuyện của con nít nhà nghèo - thấy gì lượm đó, đồ ve chai xin được thì đem đi đổi, có tiền mua bánh, mua kẹo ăn chơi đã thèm. Sài Gòn thời bao cấp mới sinh ra chuyện con nít cơ nhỡ đi “móc bọc” ở vỉa hè, bãi rác kiếm chén cơm độn mì sợi. 

Tới thời kinh tế thị trường, có ai ngờ mấy thằng nhỏ bụi đời móc bọc, vai mang bao, tay cầm que sắt sắp phải thất nghiệp bởi đội quân nhập cư cạnh tranh lượm, xin ve chai quyết liệt trên khắp các địa bàn. Đội quân này đa phần là phụ nữ, người miền Bắc mới vào. Từ sáng sớm tới tận đêm khuya, họ đội nón rộng vành, bịt mặt, đeo găng tay bít bùng (vì sĩ diện hơn là ngăn độc hại). Họ đi trên những chiếc xe đạp cũ, sau xe có khung sắt đeo hai bao ni-lông loại lớn. Và cứ vậy họ rong ruổi khắp mọi đại lộ, tiểu lộ của Sài Gòn lượm và xin ve chai.

Ai... ve chai hon
 

Trên đường Phạm Văn Hai, thật khó khăn chúng tôi mới bắt chuyện được với một người làm nghề lượm ve chai. Khi người phụ nữ này tháo khẩu trang che mặt ra để quẹt mồ hôi trán, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì cô rất trẻ và xinh. Sau vài câu xã giao, cô nhìn thẳng chúng tôi, đuôi mắt xếch nhíu lại, nói: “Chúng em nhặt rác thế này còn tử tế hơn khối đứa người mẫu, ca sĩ mà sống không ra gì”.

Rồi như giải tỏa được tự ái, cô cười hồn nhiên, kể: “Người trong này không hiểu nên coi khinh, chứ em tuy nhặt ve chai mà dư tiền học tiếng Anh lớp tối đấy”. Tại sao lại coi khinh? Chúng tôi muốn nói với cô rằng người Sài Gòn chưa bao giờ coi khinh nghề mua - xin ve chai. Các bậc “tiền bối” khởi nghiệp từ nghề ve chai, từ lúc hàn vi tới ngày thành đạt cũng chưa bao giờ xấu hổ muốn che giấu nghề nghiệp xuất thân của mình.

Một buổi chiều, trong con ngõ trên đường Trần Hưng Đạo thông qua bến Chương Dương, chúng tôi trò chuyện với một bà mua ve chai đang ngồi bẹp xuống lòng đường đếm tiền. Bà chỉ vào căn nhà có rào sắt sơn xanh, nói: “Mấy năm nay mua ve chai khó lắm. Những người Bắc mới vào họ làm ăn khác mình. Biết ai sắp sửa hay xây nhà là họ kêu người cùng quê lại thầu luôn cả đồ ve chai. Tới khúc dây điện cũng không lọt ra được. Tôi ngồi đây là chờ ông chủ nhà sắp xây đó đổi ý, gom ve chai ra bán cho tôi. Chờ mấy tiếng đồng hồ rồi, chắc ổng quên, kêu cửa nữa sợ ổng rầy, thôi để mai tôi lại sớm canh”.

Chúng tôi hỏi trong số đồ ve chai của một căn nhà sắp xây, món nào mua có lời nhất, bà vui vẻ kể: “Nói cậu đừng cười, mình nghèo, món nào xin được thì xin, người ta xây nhà cũng bỏ mà. Còn mua thì vài lần tôi mua được cửa sắt, lời được vài trăm ngàn”.

Bà quê ở Quy Nhơn, vô Sài Gòn làm nghề mua ve chai đã được 5 năm. Cứ sáng ngày đẩy xe đi miết, đi miết qua bao nhiêu đường ngang ngõ tắt không cần biết, tối về nhà trọ rã cả người, nhưng có chút tiền lời là ngủ yên. Bà tâm sự: “Ai nói dân nẫu này nẫu nọ cũng được, có chín chục kiếm thêm một chục cho chẵn trăm. Nhà tôi ngoài quê, ra mà coi - xây tô đẹp hết hồn. Có điều ở quê khó kiếm tiền nên phải vô đây mua ve chai”.

Không có con số thống kê lượng người mua bán ve chai tại Sài Gòn, nhưng quanh cái đống ve chai khổng lồ của một đô thị lớn như Sài Gòn, chắc chắn có không ít người nhờ đó mà thoát cảnh đói nghèo, làm nên cơ nghiệp. Nhìn vào chiếc xe của bà ve chai người Bình Định - chỉ có vài chồng báo cũ, ít chai, nhựa… chúng tôi đoán hôm nay bà chẳng mua được gì; nhưng có thể ngày mai ngày kia bà lại trúng.

Chỉ có một điều không đổi với những người đàn bà gốc miền Trung đi mua ve chai như bà là mỗi sáng thức dậy nấu một lon gạo, ăn sáng và dở cơm vào lon mang theo ăn trưa. Thức ăn thường ngày là đậu hủ kho, có khi cả tháng chưa một lần ăn cá, thịt. Giữa Sài Gòn bao nhiêu là hàng quán, món ngon vật lạ mà có hôm mua trúng, lời được vài trăm ngàn họ cũng không cho phép mình ăn xài cho bản thân vài ngàn bạc.

Nhìn cảnh bà khòm lưng đẩy xe vào sâu trong hẻm, với hy vọng mua vớt vát thêm một vài món ve chai, chúng tôi thầm kính phục bà. Chợt nghĩ, giờ này, trong căn nhà “đẹp hết hồn” của bà ở quê, không biết còn lại mấy người đang hưởng cảnh đầm ấm của bữa cơm chiều. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI