Sửa đổi Luật Giáo dục: Vẫn loay hoay tìm... triết lý

09/11/2018 - 06:28

PNO - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, khi đọc mục tiêu, tính chất, nguyên lý trong dự thảo, bà có cảm giác như đọc “nghị quyết”, rất khó hiểu và khó cụ thể hóa các vấn đề.

Theo các đại biểu Quốc hội, cái gốc trong vấn đề sửa đổi Luật Giáo dục là phải tìm ra được nguyên lý, triết lý làm xương sống. Ở đó, học sinh được tôn trọng và phát huy được năng lực cá nhân, không còn tình trạng “học thuộc” để “trả bài” và căn bệnh thành tích…  

Sua doi Luat Giao duc: Van loay hoay tim... triet ly
Kiến thức trong sách giáo khoa cần thay đổi theo hướng "học để hiểu" chứ không phải "học để thuộc"

Cần yếu tố khai phóng trong giáo dục

Đóng góp vào dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), chiều 8/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đình Thắng (TP.HCM) cho rằng, phương pháp giáo dục phổ thông phải xem trọng yếu tố giáo dục khai phóng, tức là làm thế nào phát huy được năng lực của từng học sinh (HS). Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện được vấn đề này. Hiện tại, dự thảo nêu giáo dục phổ thông là “phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học”.

Tuy nhiên, theo ĐB Lâm Đình Thắng, cách nói như vậy còn chung chung, chưa chú ý tới từng HS. “Đề xuất ban soạn thảo cần bổ sung yếu tố này. Nếu không dùng từ “khai phóng”, thì phải thể hiện được sự tôn trọng và phát huy năng lực của từng HS. Không thể xem tất cả HS đều như nhau. Em nào cũng trả bài, cũng đạt 8 điểm, 10 điểm và yêu cầu như nhau”, ĐB Thắng nói.

ĐB Lâm Đình Thắng cũng nhìn thẳng vào vấn đề bệnh thành tích, chạy theo điểm số đang trở thành gánh nặng đối với HS cũng như phụ huynh và xã hội. Ông lấy dẫn chứng từ việc một HS lớp Sáu vốn yêu thích môn vật lý vì được thực hành, thí nghiệm… Nhưng khi trẻ bắt đầu học vài tuần thì trở nên sợ hãi, mất hứng thú học tập vì không tuần nào không phải kiểm tra. “Trong luật nên chăng đưa việc cấm chạy theo điểm số, thành tích, đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục cơ sở. Tôi thấy các cháu học quá vất vả, phụ huynh cũng phải học cùng. Nếu để bé tự học thì không bao giờ đạt được yêu cầu của nhà trường”.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Thắng, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề xuất nghiên cứu để tìm ra nguyên lý, triết lý giáo dục thể hiện trong dự thảo luật. Triết lý này được xem như xương sống để từ đó bám vào, khai thác các nội dung, quy định một cách đồng bộ, thống nhất.

“Phải nói cho rõ ràng, chúng ta cần gì ở đây? Luật Giáo dục là để đào tạo HS ở các bậc học trở thành con người có đạo đức, có kỹ năng tồn tại trong xã hội, có nền tảng kiến thức tham gia đào tạo năng lực làm việc sau này”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề. ĐBQH này cũng chia sẻ, khi đọc mục tiêu, tính chất, nguyên lý trong dự thảo, bà có cảm giác như đọc “nghị quyết”, rất khó hiểu và khó cụ thể hóa các vấn đề. 

Sách giáo khoa quá hàn lâm

Đi cùng với phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục hiện nay được các ĐBQH đánh giá là nặng lý thuyết, xem nhẹ thực hành. ĐBQH Lâm Đình Thắng dẫn chứng, với bộ môn giáo dục công dân, yêu cầu với HS vẫn là học thuộc và trả bài. “Điều này có nghĩa, phẩm chất của một con người được đánh giá bằng việc học thuộc lòng và đạt điểm cao. Tuy nhiên, việc trải nghiệm các bài học đạo đức đó cần thiết hơn là trả bài, điểm số”, ĐBQH Lâm Đình Thắng nói. 

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cũng cho rằng, nội dung giảng dạy hiện nay thiếu thực tiễn và chưa sát với nhu cầu của xã hội. Điều 29 của dự thảo luật quy định ở bậc tiểu học, HS được trang bị để có “hiểu biết cơ bản về tự nhiên, xã hội và con người. Có kỹ năng cơ bản về nghe nói, đọc viết và tính toán. Có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, có hiểu biết ban đầu về hát múa, âm nhạc, mỹ thuật”.

Theo ĐB Tuyết, quy định như vậy chưa chú trọng vào vấn đề trang bị các kỹ năng sống như: trao đổi nhóm, thuyết trình, chia sẻ quan điểm, ý kiến của bản thân. Bởi có rất nhiều trẻ khi gặp vấn đề không biết cách trình bày để nhận được sự chia sẻ từ phía phụ huynh, bạn bè, thầy cô. Với điều kiện hiện nay, bố mẹ bận rộn, giáo viên áp lực vì sĩ số đông, trẻ không có kỹ năng trình bày sẽ không giải quyết được vấn đề, khó khăn chồng chất và ảnh hưởng tới nhân cách.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại nêu thực tế, trong khi HS tại các trường quốc tế vui vẻ, hào hứng khi đi học thì đa phần HS ở các trường thông thường có tâm lý ngược lại. Nguyên nhân xuất phát từ phương pháp và chương trình quá nặng khiến học sinh sợ… học. “Cần thay đổi theo hướng giảm tải nội dung mà HS có thể học qua gia đình, qua các chương trình ngoại khóa… Tăng giáo dục về kỹ năng sống, tư duy sáng tạo…”, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, ĐBQH Cao Đình Thưởng (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, sửa đổi Luật Giáo dục phải quan tâm tới chỉ số hạnh phúc và hài lòng của phụ huynh và HS. “Điều khiến HS không hạnh phúc nhất là bắt các em phải giỏi. Phụ huynh bắt con giỏi, thầy cô bắt trò giỏi. Nhưng rất khó, có em giỏi môn này, có em giỏi môn kia. Con người có giới hạn nên đòi hỏi cao quá với HS là điều rất vô lý”. ĐB Thưởng nhận định, kiến thức trong sách giáo khoa quá hàn lâm, cần phải thay đổi theo hướng “học để hiểu” chứ không phải “học để thuộc”, đó mới là vấn đề khó cần phải nghiên cứu. 

Minh Quang

 
TIN MỚI