Quảng Nam vẫn chưa bán được tín chỉ các bon rừng

02/03/2024 - 08:24

PNO - Là địa phương thí điểm đầu tiên của cả nước nhưng đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn chưa bán được tín chỉ các bon rừng vì vướng quy định.

Quảng Nam là một trong các tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (năm 2022, diện tích đất có rừng: 680.806,4ha với độ che phủ rừng là 58,71%, gồm rừng tự nhiên: 463.530,46ha, rừng trồng: 217.275,94ha; diện tích đất chưa có rừng: 88.465,08ha), có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng các bon từ rừng.

Trong giai đoạn 2011-2020, diện tích rừng tự nhiên bị mất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 27.208,75ha, diện tích rừng suy thoái là 74.247,30ha, nguyên nhân là do: phá rừng, lấn chiếm rừng đất rừng để lấy đất sản xuất và trồng cây công nghiệp, khai thác gỗ trái phép, cháy rừng và chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác…

Quảng Nam là một trong các tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước
Quảng Nam là một trong các tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất nước

Trong giai đoạn 2005-2016, rừng của tỉnh Quảng Nam bình quân hàng năm phát thải 4.233.930 tCO2e/năm và hấp thụ 3.295.389 tCO2e/năm, mức phát thải ròng trung bình hàng năm là 938.541 tCO2e/năm; ước tính phát thải và hấp thụ hàng năm giai đoạn 2019-2030 lần lượt là 3.789.589 tCO2e/năm và 4.476.445 tCO2e/năm, mức hấp thụ ròng trung bình hàng năm là 686.856 tCO2e/năm.

Như vậy tiềm năng giảm phát thải từ rừng của tỉnh Quảng Nam là 533.341 tCO2e/năm và tiềm năng hấp thụ là 1.181.056 tCO2e/năm. 

Tín chỉ các bon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2e). Đây là đơn vị mua bán trên thị trường tín chỉ các bon.

Với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững; năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động (REDD+) tỉnh Quảng Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên cơ sở hồ sơ REDD+, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, tỉnh Quảng Nam đã lập báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào các bon từ REDD+ và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư/người mua tiềm năng, đồng thời xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về chủ trương cho tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng.

Tuy nhiên trên thực tế, đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn chưa bán được tín chỉ các bon rừng. Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết: Nếu bán được tín chỉ các bon rừng, mỗi năm tỉnh sẽ thu về khoảng 100 tỉ, nguồn này sẽ quay trở lại phục hồi và phát triển rừng.

Nguyên nhân được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết do địa phương thí điểm đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm và chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thực hiện kinh doanh tín chỉ các bon từ REDD+.

Đồng thời, quy định luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết thêm, vướng mắc cơ bản nhất hiện nay là phải thực hiện theo luật đấu thầu. Trên thế giới chỉ có vài đơn vị thực hiện kinh doanh tín chỉ các bon; họ sẽ hoàn thiện hồ sơ, kết nối và bán tín chỉ.

Thậm chí, các đối tác tiềm năng cam kết hỗ trợ tỉnh xây dựng dự án đảm bảo theo các tiêu chuẩn mới nhất nhằm bán được tín chỉ các bon với giá cao nhất, trường hợp không phát hành và bán được tín chỉ thì các đối tác cam kết rằng tỉnh Quảng Nam sẽ không phải hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu và xem đó như một rủi ro trong kinh doanh.

Tuy nhiên, luật quy định phải đấu thầu chứ không được chỉ định, mà một vài đơn vị đó họ không có nhu cầu đấu thầu.

Nếu bán được tín chỉ các bon rừng, mỗi năm tỉnh sẽ thu về khoảng 100 tỉ, nguồn này sẽ quay trở lại phục hồi và phát triển rừng.
Nếu bán được tín chỉ các bon rừng, mỗi năm tỉnh Quảng Nam sẽ thu về khoảng 100 tỉ

Ngoài ra, đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+) tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được phê duyệt. Chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris) của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.

Không những vậy, quyền sở hữu các bon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương, tuy nhiên hiện nay Nghị định vẫn chưa được ban hành.

Ông Lê Trí Thanh cho hay: Hiện nay, tỉnh vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS, CCB phiên bản mới nhất nên chưa thể trình phê duyệt, phát hành và kinh doanh tín chỉ các bon rừng do tồn tại những khó khăn, vướng mắc đã nêu trên. Vì vậy, tỉnh sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư sau khi khắc phục được khó khăn, vướng mắc (hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng quan tâm). Trong đó, tập trung hoàn chỉnh hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS, CCB phiên bản mới nhất và trình VERA phê duyệt, phát hành tín chỉ nhằm có thể bán được tín chỉ các bon với giá cao; đồng thời thúc đẩy tiến trình phê duyệt đề án của Chính phủ.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu