Phong vị xuân trên báo xưa: Hội chùa Hương trăm năm trước

03/02/2022 - 15:05

PNO - Có một lễ hội chùa Hương của hơn trăm năm trước đã được kể lại trên "Nam Phong tạp chí" đầu năm 1916, qua chuyến đi của nhóm văn sĩ Hà thành.

Hơn trăm năm trước, vào những dịp lễ hội đầu năm, chùa Hương đã đón hàng nghìn người đến viếng. Cảnh tượng người tụ tập ở bến đò, tranh giành nhau để xuống đò cũng được đề cập đến trong bài viết trên Nam Phong tạp chí vào năm 1916. Nhưng cũng có một chùa Hương mỹ cảnh thoát tục hiện lên qua những trang viết của Thượng Chi (bút danh của Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong tạp chí) và bài thơ Vịnh cảnh chơi chùa Hương Tích của Nghĩa viên Nguyễn Văn Đào.

Ngày 18/2/1916 (nhằm ngày 16 tháng Giêng), Phạm Quỳnh cùng với ba người bạn - Phạm Quân, Trần Quân, cùng là những chí sĩ yêu nước và Sa Công đi "chảy chùa Hương" (*). Thuở ấy, từ Hà Nội đi chùa Hương có hai cách: đường bộ từ Hà Đông và đường thủy từ Hà Nam. Nhưng vì mục đích vừa ngoạn cảnh vừa khảo cứu, nhóm 4 người chọn đi đường thủy. Khởi hành từ chiều hôm trước bằng xe lửa tuyến Hà Nội - Phủ Lý, đến 10g tối thì xuống đò xuôi dòng lên bến Đục Khê.

Du Xuân viết bài vừa tường thuật vãn cảnh chùa vừa thể hiện góc nhìn về Phật giáo, lại vừa góp ý cho kinh tế-du lịch là sự tài tình của Phạm Quỳnh
Du xuân viết bài tường thuật vãn cảnh chùa, vừa thể hiện góc nhìn về Phật giáo lại vừa góp ý cho kinh tế - du lịch là sự tài tình trong ngòi bút Phạm Quỳnh

"Đêm khuya thanh vắng, sông ruộng bờ cao, giữa khoảng trời nước long lanh, tiếng ca nhi thánh thót, giọng du tử hề hà, cũng phảng phất được ít nhiều cái thú của các bậc cao nhân danh sĩ đời xưa lấy bầu rượu túi thơ mà sánh được với non xanh nước biếc..." - Phạm Quỳnh viết trong bài Chảy chùa Hương (đăng trên Nam Phong tạp chí, số 23, tháng 2/1916).

Tinh mơ hôm sau, đò đến nơi, tiếp tục chuyển sang đò nhỏ xuôi dòng suối Yến vào chùa Hương, nhưng đập vào mắt các văn nhân là hàng nghìn khách du xuân vãn cảnh chùa đang chờ trên bến. Thời ấy có 80 chiếc tam bản thường xuyên chở khách ra vào nhưng vẫn không xuể. Khách đi lễ chùa thường đến bến từ khuya đợi đến lượt, vậy mà có khi phải đến trưa mới được xuống đò. Không tránh khỏi tình cảnh tranh giành hỗn độn nhưng không có tình trạng chặt chém du khách. 

Đường vào chùa Hương ngày nay. Ảnh: T.Q
Đường vào chùa Hương ngày nay - Ảnh: T.Q

"Giữa trưa, thời cả đoàn chảy vào "chùa trong", tức là vào động, có đem theo mấy bộ đăng sơn để phòng chỗ nào mỏi chân thời lên cho đỡ mệt". Hơn trăm năm trước, lối vào chùa được miêu tả: nhiều chỗ dốc cao và hai bên lối vào đã có hàng quán bán các loại thức ăn, nước uống. Bên ngoài còn có "giếng giải oan" mà người ta tin nước giếng này nhỏ mắt có thể chữa được bệnh đau mắt. Lại có "Cửa Võng" - nơi từng có cái cây lớn "chăng dây thành cái võng".

Rồi có nơi được gọi là "Trấn Song, có cái giốc (dốc-PV) dựng cao cả hai ba mươi thước tây". Có "chùa Tiên" và một dãy nhà có lầu, được thiết kế theo kiến trúc phương Tây để đón khách dừng chân lưu trú vì thời điểm đó không thể viếng chùa Hương mà đi về trong ngày. Nhóm Phạm Quỳnh mất ba ngày hai đêm đi về.

Hình ảnh "núi Cô núi Cậu" - nhũ đá trong động Hương Tích, chùa Tiên hay giếng Giải oan... cũng được đưa vào bài thơ Vịnh cảnh chơi chùa Hương Tích của Nghĩa viên Nguyễn Văn Đào:

''Núi đâu tên gọi Cậu Cô

Võng đâu rủ xuống cửa chùa thướt tha

Đèo đâu tên gọi Ông Bà

Giếng đâu ai đặt hiệu là "giải oan"...''.

Từ trong động nhìn ra...Ảnh: T.Q
Từ trong động nhìn ra... - Ảnh: T.Q

Dù lúc ấy, hội chùa Hương đón rất đông du khách thập phương nhưng quang cảnh vẫn còn rất hoang sơ. Đoàn người bộ hành theo lối đi được ví như "một dải lụa vòng quanh núi". Và "không gì cảm động bằng chợt đến khúc đường vắng, khuất núi cao, trông thấy lão bà tay lần tràng hạt, tay cầm gậy tre, chân đi bước một, miệng đọc "Nam mô..." - trích Chảy chùa Hương. Trên đường vào chùa khách sẽ được ghé viếng đền Trinh - đền thờ các vị sơn quân canh giữ rừng núi. 

Vẻ đẹp của Nam Thiên đệ nhất động được chủ bút Nam Phong miêu tả: "Đẹp ở cái khí sắc mỗi lúc, tùy lúc trời u ám hay trời sáng sủa, buổi chiêu dương hay lúc tịch dương". Buổi chiều, đứng trong động nhìn ra như một "bức tranh tuyệt bút": "Khói hương đưa ra cửa động, mờ ảo như đám sương mù, mặt trời phản chiếu nửa đỏ nửa vàng, bóng cây phất phới như thấp như cao...".

Trong bài thơ Xuân Vịnh cảnh chơi chùa Hương Tích, Nguyễn Văn Đào đã viết những câu lục bát giàu hình tượng: 

"... Mái chèo tam bản lần lần xa đưa

Cung đàn bầu rượu túi thơ

Trước buồm ngư phủ trong hồ phong quang

Suối khe trong vắt lồng gương

Núi phô vẻ gấm hai hàng lô nhô

Thiên nhiên một bức họa đồ

Đào nguyên khi trước dễ hồ là đây...".

Suối Yến mùa vắng khách đẹp như một bức tranh sơn thủy
Suối Yến bàng bạc trong sương...

Chùa Hương những năm sau này đã có cáp treo. Du khách vãn cảnh chùa xuôi dòng suối Yến, lên bến, đi thêm một chuyến cáp treo khoảng 15 phút là đã vào đến động. Không còn cảm giác bộ hành qua những chỗ dốc đá cao phải "trèo ngược mãi lên", cũng không có cơ hội nhìn thấy nơi nào là "Giếng giải oan" hay chùa Cửa Võng...

Hai năm qua vì tình hình dịch bệnh, lễ hội chùa Hương không được tổ chức. Không khí của mùa lễ hội đầu năm mới chỉ còn trong dư vị. Đầu năm đọc lại báo xưa, qua những trang chữ trăm năm mà thấy cảnh xưa như hiện ra trước mắt...

Bùi Tiểu Quyên

(*) "Chảy": từ trên báo chí Quốc ngữ xưa, có thể được hiểu là "trẩy" (trong từ trẩy hội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI