Ở xứ người nhớ rau nhà

06/02/2022 - 10:54

PNO - Ở xứ người đã gần 30 năm, về lại quê nhà đã bị coi là người nước ngoài toàn phần, nhưng vẫn thấy mình 100% căn cốt Việt. Căn cốt đó nằm ở đâu?

Không hẳn là ở nước mắm, tương, cà như bấy lâu vẫn tưởng. Mấy thứ này, cứ rảo chân qua vài ba nước có điều kiện địa lý khí hậu gần giống quê xứ mà xem, đầy các biến thể ngon chẳng kém. Nghĩ mãi, một hôm vội vàng, lại có việc phải xa nhà, sáng xơi bánh mì phết bơ với cà phê; trưa ăn xúp đậu đặc sệt có hẳn một cặp xúc xích tênh hênh giữa đĩa, đủ đầy vitamin với chất béo làm ậm ạch suốt chiều; tối gặm bánh mì với pho mát thịt nguội, ực thêm cốc nước quả, tự dưng hiểu tại sao mình Việt tới nỗi này. Là bởi vì háo. Háo rau.

Tây cũng ăn rau chứ, ăn nhiều là khác nhưng lối xơi rau của họ thì mình không xơi được mấy. Quanh đi quẩn lại là salad, rau củ quả hầm. Ăn lấy một hai bữa là chịu, không nuốt được nữa. Cũng là tại mình chẳng chịu hết mình hội nhập. Cây xà lách hay cây rau cải, nắm đậu hay củ cà rốt, củ khoai tây, quả táo hay quả cam, bạ thứ gì họ cũng có thể biến thành salad để ăn kèm. Mỗi tội, tới nhà ai được mời ăn kiểu đó thì về nhà, kể cả nửa đêm tôi vẫn phải lục lọi xem còn tí rau cỏ nào không. Phải làm tạm một bát mì. Thiếu rau kiểu Việt Nam, thiếu thành háo.

ảnh: internet
Ảnh: internet

Cái sự háo này hoàn toàn không dừng lại ở nỗi niềm hoài nhớ quê nhà như nhiều người vẫn hằng tưởng tượng rồi chạnh lòng hộ. Nó là tiếng gọi thiết tha của cơ thể, đòi hỏi phải được thỏa mãn bằng rau xào, luộc theo kiểu Việt Nam. Nên, có đi ăn chơi ở đâu, gần nhà hay nước nọ nước kia, kiểu gì tôi cũng chỉ chịu được đôi ba bữa là bắt đầu cồn cào nhớ rau, mà phải là rau của những mùa xanh xưa ở quê nhà.

Là mùa, sau một đêm nghe mưa gió đổ về cuồn cuộn trên những vòm cây ngoài phố, đập muốn vỡ mấy cánh cửa chớp tàn tạ màu sơn, các bà các mẹ các chị nhìn trời chép miệng nói với nhau hay lẩm bẩm một mình, rằng mưa bão thế này bà con miền Trung lại khổ, thế này thì rau cỏ còn đâu… Mai, gió mưa dừng, ra phố thấy lá cành tan tác. Đi chợ, bùn lấm chưa kịp khô, dừng chân bên gánh rau có cô hàng mặt trắng nhợt vì mưa, nghe cô bảo lúc nửa đêm về sáng thấy gió mưa dịu lại, vợ chồng “tấp” con sang giường ông bà, ra ruộng nhặt nhạnh được có ngần này. Người mua chẳng nỡ lòng nào mặc cả nữa dù giá vọt lên cao so với ngày thường, rau cải thì giập như một phận đời lầm lỡ, rau muống gầy và chát, vốn thường bị dìm là rau “dành cho mẹ chồng” nhưng ngậm gió mưa có một đêm lại thành rau “dành cho mẹ đẻ”. Hay nhỉ, từ mấy ngọn rau mà biết được bao nỗi ngậm ngùi, buồn tủi, bực giận trong quan hệ giữa những con người phải sống cùng nhau gần hết cuộc đời.

Nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung được những bữa cơm của hàng xóm láng giềng ngày mưa bão. Một thời Hà Nội. Một thời bao cấp. Bữa cơm ấy có rau cải nấu suông; rau muống luộc qua, vớt ra xào tỏi, thích thì thêm tẹo mắm tôm, nước đun sôi dạo lại cho hết vị ngái, thả vào đó lá me hay mấy miếng tai chua hoặc vắt chanh. Chanh ngày sau bão rụng tơi tả, quả to quả bé chen nhau trong cái rổ sứt cạp của hàng rau, tha hồ chọn. Thường rau muống xào tỏi ngoài vắt thêm đôi giọt chanh thì phải có thêm mấy nhánh kinh giới. Thế nhưng ngày mưa bão, các loại hành ngò, rau thơm ẻo lả dịu dàng bị giập nát hết. 

Ngoài rau, món mặn trên mâm thì tùy nhà, có đĩa lạc rang muối bám trắng, đĩa đậu phụ rán dầm hành, may thì có thêm bát thịt kho nước nhiều hơn cái hay đĩa cá biển kho khô cuối nồi. Món độn thì muôn đời bao giờ chả thế: cà dưa.

Bà bảo cháu chịu khó ăn cơm lạc rang, chiều bà có nồi cá đang kho trên bếp kia kìa. Nhà nghèo, các cụ bà ở nhà trông cháu lo cơm nước thay con chịu khó lắm, mưa gió tơi bời vẫn lụi hụi ra chợ đón mua rẻ mớ tôm, cá mà người ngoại ô dầm mưa cất vó mang vào. Mớ cá dầu hay mấy con cá diếc om với chỗ dưa sắp khú. Mớ tôm gạo trắng đùng đục rang lên với hành hoa. Mớ cá sông, con cá chày nằm vật bên cá đối, lại lẫn con cá thiểu dẹt mình, đem kho gừng hoặc kho nghệ, nhưng phải để lấp xấp nước cho trẻ nhỏ còn rưới cơm, chấm rau. Không bữa ăn nào của người Việt thời đó được phép thiếu rau. Không hẳn chỉ vì ngon mà để nhồi cho đầy bụng. Chao ôi, những toan tính lẩn thẩn dài hết một đời của bao nhiêu phận đàn bà Việt. Sống giữa phố phường còn thế, huống chi những tháng ngày cả thế giới bị đảo lộn vì COVID-19, miếng cơm thường lại thành quý hiếm, thành nỗi thấp thỏm, lo toan.

Bữa cơm rau mà tác giả được  người chị đồng hương đãi ở xứ người
Bữa cơm rau mà tác giả được người chị đồng hương đãi ở xứ người

Giờ, về Hà Nội, phải để tâm tìm mới ra một hàng rau như ngày cũ, là rau theo mùa. 

Mùa hè, bên rau muống một màu lục thẫm có rau nhút cọng trắng xốp xộp, dền liễu lá xanh, dền tía lá tròn, ngót xanh bạc bạc, mồng tơi xanh mòng mọng, lẳng khẳng rau đay… Mà mồng tơi, rau đay thì thể nào cũng có thêm cái mẹt bày dăm quả mướp hương. Cải canh nhân nhẩn đắng đem xào, không được phép quên vài nhánh thì là xắt nhỏ rắc hững hờ lên khi rau chín… Hàng rau mùa nực ngày đó hình như thường từ phía nam ngược lên, từ Lương Yên, Quỳnh Mai, Tương Mai, Lĩnh Nam, Phương Liệt, Mai Động. Có những cô hàng còn bày lên cái mẹt nhỏ giắt ở đầu quang gánh mớ chanh ớt, chừng như cũng hái trong vườn nhà, bán kèm. 

Mùa lạnh, hàng rau thường quanh quẩn các loại cải. Cải bẹ thì đem về muối dưa; cải ngồng thấy là phải mua về luộc, thả thêm nhánh gừng đập giập, chấm với trứng luộc dầm nước mắm; cải xoong xào thịt bò, không có thịt thì chỉ cần làm ít xốt cà chua; cải cúc hăng hăng có thêm tí thịt nạc dăm băm dối hay vài thìa giò sống thì ngon phải biết... Rồi súp lơ, bắp cải, su hào cũng vậy. Không cải thì cà chua hồng, cần. Từng gánh cần ngó nõn nà màu trắng, lá xanh, ôm nhau mềm rũ. 

Có phải cây cầu Long Biên kia oằn xuống không hẳn vì năm tháng mà còn vì những xa xôi có các gánh, xe thồ rau cỏ từ cánh đồng rau chuyên canh ở đất Yên Viên, Đông Dư kĩu kịt sang sông? Làm sao biết được để có những cây bắp cải, quả cà chua đẹp thế kia là bao nhiêu đêm hôm đoán trời sương muối, lụi hụi ra đồng kéo từng liếp rạ, gánh từng gánh rơm ra đỡ cho rau trong niềm hy vọng vào một mùa rau đổi được cho con ngày đi học. Ai biết được những ngó cần mơn mởn kia là bao nhiêu ngày cúi mặt vọc bùn cho rau vượt, rũ bùn cho rau nõn nà như gái tơ trước khi cất gánh ra chợ, rau lên mâm nhà người.

Ai biết được để có những bó rau mơn mởn kia là bao nhiêu ngày  người trồng phải dày công chăm sóc
Ai biết được để có những bó rau mơn mởn kia là bao nhiêu ngày người trồng phải dày công chăm sóc

Ngày ấy, gần như không thấy hàng rau cỏ đủ hương sắc bốn mùa và bốn phương như bây giờ. Ngày tôi còn ở nhà, phố vẫn nhỏ và thăm thẳm nỗi niềm nhưng người ở đâu về mỗi ngày mỗi lắm, thế là những chợ quen thành chật hẹp, rồi đầu ngõ này cuối phố kia có dăm ba hàng rau đậu lại, người bán ngồi xổm hay ghé hờ mông trên cái đòn gánh đặt ngay mặt đất. Thế là thành chợ cóc, đuổi nơi này dạt nơi kia, rồi góp thêm nhiều yếu tố mà giờ có hẳn một cái tên đầy tính chất hành chính: chợ dân sinh. 

Về Hà Nội, Sài Gòn, thể nào tôi cũng phải rảo ra chợ dân sinh lấy một đôi lần, lang thang qua từng ngóc ngách để hít ngửi cái mùi hương hoa, thịt cá, mắm tôm, mùi cái bàn tạp lưu cữu hương vị phở… và để gặp lại những hàng rau, những mặt người bao năm rồi vẫn không khác. À, thật ra có khác, rau giờ đâu còn đôi loại nhà trồng mà đủ loại, người bán lấy về từ chợ đầu mối. Rau cũng không được thồ trên xe đạp hay gánh bộ, thay vào đó là những chiếc xe máy ốc vít đã hoen gỉ. Người bán rau có lúc là một cô gái quê có nhẽ chưa biết thế nào là mệt mỏi với chồng con, không mấy khi thấy người có tuổi. Cái không khác là họ thường mau miệng nhưng không chao chát như nhiều hàng khác. Họ lành như chính món hàng mình buôn. Có khách thì họ tay năm tay mười với khách, bốc cái này bớt cái kia, túm túm đùm đùm. Vãn khách, họ lại tẩn mẩn nhặt tỉa cái lá rau cải, rau muống bị giập.

Có một điều bao giờ cũng làm tôi chạnh lòng: hình dáng những người đàn ông đứng bên cái xe thồ rau chiều mùa đông nơi cuối chợ. Bắp cải su hào nặng, vai đàn bà gánh gồng chả được bao nhiêu nên phải có xe thồ. Có một thời, mấy người đàn ông bán rau lúc nào cũng mũ cối và quân phục cũ, quần xắn móng trâu ngày mưa lạnh. Còn giờ, áo khoác hàng Tàu, quần bò cũng hàng Tàu nhưng người bán hàng vẫn nguyên vẹn vẻ khắc khổ của những ngày tháng cũ. Con đường thồ rau của họ giờ xa hơn xưa rất nhiều vì Hà Nội nay đã toài ra bốn phương trời, chẳng phải chỉ có núi Nùng mà còn núi Tản.

Nhiều loại rau tươi của Việt Nam được bày bán ở chợ Đồng Xuân, Berlin
Nhiều loại rau tươi của Việt Nam được bày bán ở chợ Đồng Xuân, Berlin

Quê hương còn nguyên đó, hỏi làm sao mà quên được cơm rau, rồi cứ thèm được nói với ai đó cũng chung nhung nhớ như mình. Có buổi tối, cơm canh đã sẵn sàng, nghe bà chị đồng hương rủ rê tới ăn cơm rau là tôi lại bỏ tất, nhảy tàu đi ăn chực. Hai chị em chúng tôi làm chủ một đại tiệc rau: rau muống xào tỏi, nước luộc vắt chanh ăn kèm kinh giới; mồng tơi nấu tôm khô; mướp hương xào lòng gà; cà rốt, bầu giàn, mướp đắng cắt khúc luộc vừa chín chấm kho quẹt. Những món ăn thường nhật của ba miền đất nước tụ về trên cái bàn ăn giữa xứ người thực ra không lạ nhưng không phải ngày nào cũng có. Ăn rau mà nhâm nhi, vừa ăn vừa ngẫm giá có thêm đĩa tôm rang với thịt cháy cạnh, hay đĩa moi rang khế, đĩa nhộng rang rắc lá chanh thái chỉ. Không, giá có thêm đĩa tóp mỡ vừa rán, vài ba cọng rau thơm láng ăn với rau muống xào… 

Gần 30 năm trước, vừa ra đi, nghe bà chị gái là giáo viên ở nhà khoe chuyện chuẩn bị tết nhất, có đến mấy cân rau sạch phụ huynh đem biếu, chợt ngớ người. Tự bao giờ rau cỏ không còn bán mớ, bán quả, bán cây? Tự bao giờ rau lại thành quà biếu? Và rau sạch là nghĩa làm sao? 

Rồi được khai ngộ rau sạch là rau không bị phun thuốc trừ sâu, không bị bón thuốc tăng phọt để ba ngày được một lứa, nhưng chẳng thấy lòng dạ vui lên vì hiểu biết mà tự dưng sợ: có sự phát triển nào đáng phải đổi bằng sự lương thiện của con người?

Mấy năm gần đây, tôi lại được khai ngộ tiếp. Rau được “chăn”. “Chăn” chứ không phải “chăm”. Cứ tưởng người ta viết sai chính tả. Có những người có sở thích “chăn rau”, lại còn là “chăn rau sạch”. Rất ngộ. Thật là một biến ảo kỳ diệu của tiếng Việt nhưng cũng là một sự xúc phạm sâu sắc phẩm tính hiền lành của những đồng, những vườn, những bãi, những người đã đem đến thứ rau quả còi cọc nhưng sạch, ngon, xứng đáng với những hoài nhớ của ta trong từng ngày tháng dài. 

Lê Minh Hà (Berlin)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI