Hơi ấm bàn tay Người còn vương trên trang sách

15/10/2013 - 07:43

PNO - PN - Không được ra Hà Nội hòa vào dòng người bất tận vĩnh biệt Đại tướng; không được tiễn đưa Người về yên nghỉ ngàn thu nơi Vũng Chùa - Đảo Yến, nhưng bao người con phương Nam, tận đáy lòng vẫn lắng đọng nén hương tưởng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuộc gặp ấy, tôi sung sướng, run run được ký tặng Đại tướng tập truyện ngắn đầu tiên của mình. Quyển sách mang tựa đề Người đàn bà trong thu tím. Tôi chân thành nói: “Thưa Đại tướng, đây là quyển sách cháu viết về số phận những người phụ nữ trong và sau cuộc chiến tranh. Sự khốc liệt của chiến tranh hằn dấu lên số phận những người phụ nữ mà cháu được gặp trên những nẻo đường đất nước. Nước mắt, nỗi đau, uẩn khúc, khát khao hạnh phúc của họ làm cháu rung cảm. Và vì thế mà cháu đã viết…”.

Mắt Đại tướng sáng lên, ông nở nụ cười hồn hậu. Đại tướng nhờ thư ký lấy ra hai quyển sách Những chặng đường lịch sử, Chiến đấu trong vòng vây. Người mở trang đầu tiên và viết “Thân tặng chị Trầm Hương”. Đại tướng ký tên và cẩn trọng ghi rõ dưới chữ ký ngày 8/7/1995. Trời ơi, tôi quá đỗi xúc động và lúng túng vì chữ “chị” mà Đại tướng viết trước tên tôi. Trước mặt Đại tướng tôi chỉ là một cô gái đáng tuổi cháu, một nhà văn chập chững vào nghề. Trước tầm vóc lớn lao của Người, tôi chỉ là hạt bụi. Vậy mà trước một tác giả nữ, đáng tuổi con cháu, Đại tướng đã trân trọng gọi tôi là “chị”. Tôi rưng rưng nhận ra chất văn từ một võ tướng “sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua, (…) là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại” - theo cách nói của giáo sư sử học quân sự Cecil Currey khi trả lời Đài tiếng nói quốc gia Mỹ (NPR) sáng 5/10/2013.

Hoi am ban tay Nguoi con vuong tren trang sach

Đại tướng ra đi, những quyển sách của Người với nỗ lực “cố gắng nói được những điều cần nói” đã trở thành di sản quý báu của dân tộc. 18 năm đã trôi qua, những quyển sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bút tích trân trọng ghi rõ tên người được tặng, vẫn mới nguyên trong lòng, theo suốt cuộc đời tôi. Thời gian có thể làm những trang giấy ngả màu, nhưng những quyển sách của Đại tướng mãi không cũ…

Hoi am ban tay Nguoi con vuong tren trang sach

Những quyển sách Đại tướng ký tặng, được tác giả nâng niu, gìn giữ trong thư viện gia đình

Vâng, giấy có thể bị mục nhưng giá trị, linh hồn chứa đựng trong những quyển sách của Đại tướng vẫn tỏa sáng theo thời gian, bởi từng trang sách lần lượt giải đáp ẩn số của một con người, của một dân tộc như lời bộc bạch của Đại tướng: “Từ những hạt giống bé nhỏ nảy mầm trong khói lửa đấu tranh cách mạng của toàn dân, trải qua biết bao phong ba bão táp, quân đội ta đã lớn mạnh không ngừng và đã không ngừng chiến đấu và chiến thắng”.

Những trang sách còn chứa đựng sự chân thành, khi Đại tướng nói về sự ấu trĩ, mò mẫm của mình trong nghệ thuật quân sự. Những trang sách giải đáp cho người đời sau khởi nguồn của đội quân cách mạng từ những mỏm đá tai mèo, những hang đá ẩm lạnh đã làm nên sự phi thường “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, khi đánh tan cứ điểm chiến lược của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Soi vào từng trang sách, người đời sau tự hào về một Đại tướng với đời thường dung dị.

Trong những ngày hoạt động ở Côn Minh, chờ “đồng chí Vương(*) về quyết định” chuyện công tác, Người kể: “Anh Cao Hồng Lĩnh mới từ Diên An về, cũng đến ở cùng chúng tôi. Anh em thổi nấu lấy ăn. Anh Lĩnh thạo tiếng Trung Quốc, nhận phần đi chợ. Chúng tôi phân công nhau lần lượt nấu ăn. Về sau, các anh thấy tôi nấu nướng kém quá, nên chỉ phân công cho rửa bát”.

Một lần từ Tĩnh Tây về Pác Bó báo cáo tình hình cho Bác, trời tối nhanh, lạc đường, ghé lại nhà một đồng bào Nùng định bụng chỉ xin bó đuốc và hỏi thăm đường về thì một tình huống khó xử đã diễn ra: “gia đình vừa cúng giỗ xong, nhất định giữ lại uống rượu, ăn cơm. Từ chối không được, biết không nhận lời thì đồng bào giận, tôi nán ở lại. Đi đường xa vừa mệt, vừa đói, uống chút rượu vào tôi bị say, phải nằm ra sàn. Đồng bào chạy lên hang gọi người xuống đón. Anh Vũ Anh xuống cõng tôi về. Khi tỉnh dậy, anh Kiên đem cháo nóng cho ăn, kể lại vừa rồi tôi nằm cứ nói luôn miệng: “Mình không biết uống rượu, chóng mặt quá, đừng có phê bình”; Bác nghe vậy đã nói: “Được rồi, tỉnh lại đi, sẽ không phê bình đâu”.

Những trang sách đã cho chúng ta niềm tự hào về một Đại tướng “nấu nướng kém”, “không biết uống rượu”, trước khi rút vào hoạt động bí mật chưa từng biết đến “súng trường và lựu đạn” đã trở thành một vị tướng “sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua, vượt qua mọi vị tướng của chúng ta, là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại”**. Trước khi về với nước non vĩnh hằng, Người đã giải đáp ẩn số của sự vĩ đại ấy bằng một điều giản dị: “TỪ NHÂN DÂN MÀ RA, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, Quân đội ta đã làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà nhân dân và Đảng giao phó”.

 TRẦM HƯƠNG

* Bí danh của Nguyễn Ái Quốc, sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh

** Lời của giáo sư sử học quân sự Cecil Currey

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI