“Chưa bao giờ, việc khám bệnh lại khó khăn như thế!”
1 tuần trở về từ quần đảo Trường Sa, cảm giác dập dìu sóng biển đã qua, nhưng nữ điều dưỡng Vương Thị Mỵ (Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM) vẫn chưa thôi nghĩ về Trường Sa. Trong những cuộc trò chuyện về Trường Sa với người thân, bạn bè, không lần nào chị nén được xúc động. “Tướng Phan Văn Giang có nói một câu: Ai đến Trường Sa, trở về sẽ thấy yêu Tổ quốc mình hơn rất nhiều. Tôi thực sự thấm thía câu nói đó. Có đi mới biết Tổ quốc mình đẹp đến nhường nào. Và khi về mới thấy, so với biển đảo, ở đất liền sung sướng hơn rất nhiều” - chị Mỵ khẳng định.
 |
“Thầy giáo mang quân hàm xanh” Trần Bình Phục kể về lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối với các em học sinh TPHCM |
Ngày 13/6, bắt đầu từ Ban Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa), tàu 561 - tàu quân y đầu tiên của Việt Nam - được thiết kế giống như bệnh viện với đầy đủ khoa, phòng - bắt đầu chuyến hải trình kéo dài 3 tuần ra quần đảo Trường Sa. Trên tàu có hơn 80 y bác sĩ đến từ nhiều đơn vị, sẵn sàng với nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.
Sóng điện thoại không kết nối khi tàu rời đất liền, vì thế mà phần lớn thời gian, các thành viên trong đoàn đã trò chuyện, giao lưu với nhau. Sau 2 ngày lênh đênh trên sóng, tàu đến đảo Đá Nam - đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa - các y bác sĩ bắt đầu làm nhiệm vụ.
Theo lịch trình, tàu sẽ ghé mỗi đảo 2 ngày. Mọi hoạt động khám chữa bệnh đều thực hiện trên tàu. Nhiều đảo nhỏ, tàu không vào được, các chiến sĩ phải dùng ca nô, tàu kéo đưa dân từ đảo ra tàu. Những ngày thời tiết xấu, biển động, việc thăm khám không thể diễn ra như dự kiến, nên công việc kéo dài đến ngày thứ tư vẫn chưa xong, như ở đảo Tốc Tan.
Điều dưỡng Vương Thị Mỵ kể: “Hôm đó, tàu kéo đã đưa được người ra, nhưng sóng lớn quá, dân không thể di chuyển sang tàu quân y, nên đành phải quay về, đợi hôm sau sóng êm mới quay lại. Trong quá trình hỗ trợ bà con, các chiến sĩ cũng suýt bị rớt xuống biển vì sóng đập quá mạnh. Trong cuộc đời làm việc của mình, tôi chưa bao giờ thấy việc khám bệnh lại khó khăn đến như vậy”.
Cũng đến từ Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Thu Hiền xem chuyến đi là hành trình ý nghĩa đánh dấu tuổi 30 của chị. Với bác sĩ Thu Hiền, đây là lần đầu tiên một bệnh viện dân sự được tham gia khám chữa bệnh ở đảo, cũng là niềm may mắn trong cuộc đời chị. Cũng vì thế mà bao khó khăn, mệt nhọc của chuyến đi, chị đều vượt qua.
Cảm nhận về biển đảo Trường Sa, nữ bác sĩ khẳng định, đời sống quân dân trên một số đảo vẫn còn nhiều khó khăn, từ vật chất đến tinh thần. Trên đảo Đá Nam toàn cát, chưa có công trình xây dựng và người dân hằng ngày đang chịu nắng, chịu gió để xây dựng cuộc sống. Thực phẩm hằng ngày đều là hàng đông lạnh chuyển ra từ đất liền.
Chưa kể việc thiếu phương tiện giải trí dễ khiến người ta nhớ nhà, nhớ người thân. Tuy nhiên, tất cả những người chị gặp gỡ, đều thể hiện tinh thần sắt đá, quyết tâm bám biển. “Tôi nghĩ, phải xuất phát từ lòng yêu nước, người ta mới có thể hy sinh, vượt lên tất cả như thế. Những khó khăn tôi đã trải qua không là gì so với quân dân trên đảo” - bác sĩ Thu Hiền bộc bạch.
Thành phố “cùng cả nước, vì cả nước”
Cùng cả nước, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã hướng về các vùng biên cương, hải đảo Tổ quốc với tình cảm yêu thương, sâu nặng, nghĩa tình. Nhằm tạo nguồn lực lâu dài cho các hoạt động chăm lo đời sống của quân và dân nơi biên giới, hải đảo, tháng 4/2009, dưới sự đề xuất của lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, quỹ Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc đã ra đời. Đến nay, quỹ đã huy động được sự tham gia tích cực từ các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc.
 |
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao bảng tượng trưng các công trình hỗ trợ tuyến đầu |
Năm 2014, khẳng định không chỉ chăm lo cho Trường Sa mà còn có Hoàng Sa và nhiều đảo khác thuộc chủ quyền Việt Nam, quỹ Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc được đổi tên thành quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc. Từ năm 2016 đến nay, ngoài các chuyến thăm Trường Sa, TPHCM đã tổ chức 7 đoàn đi thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam.
Thông qua các hoạt động của quỹ, TPHCM đã tạo cầu nối cho hậu phương và tiền tuyến, góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi tuyến đầu, khơi dậy trong mỗi người dân Việt tinh thần trách nhiệm đối với Tổ quốc.
Từ năm 2009-2024, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM các cấp đã vận động hơn 552 tỉ đồng, tổ chức trên 300 đoàn công tác đến biên giới, hải đảo; thực hiện hàng trăm công trình dân sinh, gồm 105 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, 19 công trình “Nước ngọt vùng biên”, trao tặng 50 tỉ đồng cho chương trình “Vì Trường Sa xanh”; tổ chức 11 chương trình truyền hình trực tiếp trên HTV “Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc”. Riêng trong năm 2024, đoàn đại biểu TPHCM đã thăm Trường Sa, nhà giàn DK1 và vùng biển Tây Nam, trao tặng nhiều công trình, quà tặng trị giá hơn 41 tỉ đồng, góp phần tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng nơi đảo xa, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yên tâm sinh sống, công tác, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - khẳng định, sau 15 năm hoạt động, quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc không chỉ dừng lại ở một sáng kiến, mà đã tham gia tích cực cùng TPHCM phấn đấu trở thành thành phố “cùng cả nước, vì cả nước”.
Theo đó, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, sự điều hành của chính quyền, TPHCM xứng đáng là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình qua công tác đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội, hoạt động đoàn kết các tầng lớp nhân dân.
Tri ân tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Ngày 11/7 vừa qua, tại Lữ đoàn 125, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm thành lập quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc (2009-2024). Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tri ân 310 đồng chí nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ); tôn vinh và khen thưởng nhiều cá nhân, tập thể có đóng góp xuất sắc trong hoạt động hướng về biển đảo và công tác cứu trợ, an sinh năm 2024 và các y bác sĩ tham gia đoàn khám bệnh tại Trường Sa. Tại sự kiện, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã trao tặng các công trình hỗ trợ tuyến đầu, gồm: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho gia đình cán bộ, chiến sĩ hải quân thuộc Vùng 2 hải quân (2 tỉ đồng); hỗ trợ nhà điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới của Bộ Tư lệnh TPHCM (2,4 tỉ đồng); huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, sinh hoạt, học tập của Lữ đoàn 125 (200 triệu đồng). Các em đội viên, học sinh TPHCM cũng gửi 20 suất học bổng và 500 quyển tập cho thầy và trò lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối (thuộc vùng biển đảo Tây Nam). |
Thu Lê