Bếp Tây cũng phải có dưa hành

03/02/2021 - 07:59

PNO - Tôi nhìn lại căn bếp ở trời Tây, những hũ thủy tinh dùng để muối hành, muối dưa cả năm không dùng tới. Những thói quen và ký ức ấu thơ xưa cũ dội về.


Những ngày bận rộn cuối cùng của năm, cách đây “mấy chục năm chứ mấy”, mẹ tôi đem rửa lại những cái bình, cái hũ, đem phơi nắng. Chỉ cần qua một buổi sáng chạy chợ, mẹ đã đem về cải bẹ, củ kiệu, dưa hành. Sau đó, bầy con tíu tít ngồi ngoài mái hiên, cùng mẹ cắt bỏ rễ, làm sạch, để ráo. Trong vòng một tuần, củ kiệu, dưa hành chuyển màu vàng óng, dậy mùi chua hấp dẫn, đánh tan vị ngấy của mấy cái bánh chưng và giò thủ trong mâm cơm ngày tết.

Bếp Tây của mẹ Việt (tác giả)  không thể thiếu những món  thuần Việt như dưa hành,  nước mắm...
Bếp Tây của mẹ Việt (tác giả) không thể thiếu những món thuần Việt như dưa hành, nước mắm...

Ấy là tết của những ngày xưa cũ, của ký ức, của ngọt ngào, là của để dành cho tôi nhâm nhi trong những ngày tháng không thể về Việt Nam vì dịch bệnh. Thôi, hãy biến ngày cũ thành những ngày mới ý nghĩa, bằng cách áp dụng lại chúng. Tôi cũng đun nước thật sôi, chờ nước còn âm ấm rồi áp dụng công thức muối dưa theo tỷ lệ một - ba - một (một lít nước, ba thìa muối, một muỗng đường) như mẹ ngày xưa. Bình hũ rửa sạch, để khô thoáng, thì dưa cà dù khó tính đến mấy, không đầy tuần sau đã lên men và vàng óng rồi.

Việc trang trí nhà cửa trong những ngày tết Việt ở trời Tây cũng rộn ràng, tíu tít. Mấy cây đào, cây mận, vào tiết băng giá thế này, chưa đâm chồi nảy lộc được. Tôi sẽ kết hoa giả lên những cành khô ấy rồi cắm trong một cái bình thật đẹp, gắn thêm thiệp mừng và tiền lì xì may mắn trong những phong bì đỏ. Sẽ là ông chồng Tây vụng về làm theo chỉ dẫn của vợ Việt, không quên kèm theo “một trăm câu hỏi vì sao”.

Sẽ là những đứa con lai nói tiếng mẹ đẻ ngọng nghịu nhưng đầy háo hức với món ăn cổ truyền mẹ nấu. Tự trong sâu thẳm, các con tôi đã được giáo dục rằng, trong huyết quản chúng có một nửa dòng máu Việt đang chảy. Chúng vẫn cố gắng nói tiếng Việt hằng ngày, trong môi trường tiếng bản địa lấn át. Các con cũng biết cầm đũa thành thạo, thích mùi mắm, biết ăn bánh chưng kèm củ kiệu dưa hành…

Bánh chưng trong gian bếp Tây cũng là bài toán nan giải năm nay. Mọi năm không có COVID-19, phụ nữ chúng tôi sẽ tụ tập tại tư gia rộng rãi của một gia chủ hiếu khách, cùng nhau gói bánh chưng và tám chuyện rôm rả. Lá dong, lá chuối rã đông, được đặt mua từ tiệm châu Á mang về. Hơn 12.000 cây số cùng chặng đường vận chuyển lênh đênh, lá dong, lá chuối trong những container, trải qua bao khâu kiểm duyệt của hải quan để xuất khẩu sang trời Tây, phục vụ kiều bào những ngày tết cổ truyền.

Các mẹ “tám” với nhau, không ngờ những thứ cây nhà lá vườn đơn sơ và phổ biến này, lại có ngày tự những người Việt phải bỏ tiền ra mua và trân trọng đến chừng ấy. Còn năm nay, đặt bánh tại tiệm châu Á sẽ là giải pháp khả thi nhất có thể. 25 euro cho một cặp bánh chưng đầy đặn, kể ra cũng không hề rẻ, nhưng “tiền nong có nghĩa lý gì” trong những ngày vui chơi này.

Kinh nghiệm mua gà ngon cũng là chủ đề “tám” rôm rả của phụ nữ Việt ở trời Đức. Gà nguyên con trong các siêu thị, phổ biến là các loại gà công nghiệp, dễ nấu nhưng ăn bở và thịt nhạt. Nhưng nếu ở lâu và có chút kinh nghiệm, phụ nữ Việt sẽ bỏ qua loại gà này, mà tìm đến thứ gà mang tên “suppenhuhn” - gà chuyên dùng cho món xúp. Đây là loại gà mái đẻ trứng đã nhiều lứa. Chính vì thế, các bà nội trợ tinh ý mua về, luộc lên sẽ thấy vị ngọt, da giòn, ăn dai dai, rất thú vị, chứ không bở như giống gà công nghiệp kia. Giống gà này, dùng để trang trí mâm cỗ ngày tết, thì ưng ý vô cùng.

Nhưng tết Việt mà không được tụ tập hội người Việt, không ngồi cùng mâm với những đồng bào cùng dùng đũa như mình, thì còn gì thú vị? Chúng tôi sẽ thực hiện theo lệnh cấm của chính phủ, nhưng luân phiên chỉ hai gia đình gặp mặt nhau. Rồi những người có mặt chụp hình tới tấp, đưa lên facebook, để bạn bè “like” và bình luận xôm tụ. Cùng tương tác qua kênh xã hội, kể ra cũng là cách tự làm mình vui trong những ngày đại dịch này.

Có một sự hoán đổi ngược trong cách thức tổ chức tết cổ truyền ở những người đang sinh sống trong nước, so với kiều bào nước ngoài. Tại quê nhà, người dân có xu hướng giản tiện dần mọi thủ tục ngày tết, cốt biến những ngày này thành những ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. Còn chúng tôi, những kiều bào nước ngoài, ngày đêm tâm trí hướng về đất nước, thì lại mong những ngày này cứ kéo dài hơn, để được bày biện, được trang trí, được bận rộn.

Cũng có đủ cả “thịt mỡ dưa hành phong bao đỏ”, bánh chưng, gà luộc cũng bày biện đẹp mắt trong mâm cỗ của những người con tha hương. Chỉ thiếu chút tình cảm cùng sự sum vầy gia đình nữa thôi. Đây cũng là điều chúng tôi luôn canh cánh bên lòng, chỉ mong dịp gần nhất có thể thực hiện. Làm cho mình vui, cho con được tắm mình trong truyền thống dân tộc những ngày ý nghĩa này, cũng là cách tái tạo và nạp năng lượng cho một năm mới đang chờ đợi phía trước. 

Minh Thuật (từ Đức)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI