Lấy chồng… già

16/10/2014 - 11:32

PNO - PN - Gặp Út Lan (Huỳnh Thị Lan) trong quán cà phê mới mở tại Củ Chi, cô nói ông chồng già người Hàn Quốc về nước gần cả năm nay. Không muốn quay lại nghề may vì “hẻo” quá, nên Út Lan và một chị bạn tới đây hùn vốn mở quán...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lay  chong…  gia

Út Lan tâm sự về đời mình

Sinh năm 1984, quê ở xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, gia đình chuyên nghề nông, các anh chị đều giỏi quán xuyến nhà cửa, ruộng vườn, nhưng Út Lan không thích cảnh chân lấm tay bùn. Học xong lớp 9, cô xin đi học may. Ba mẹ chiều con út, không muốn con mình cực nên bán lúa sắm cho con máy may, máy vắt sổ… mở tiệm tại nhà. Ở miền quê, người dân ít chú trọng việc may sắm đồ mới, lại càng không chú ý tới mốt này, mốt kia, nên thu nhập của cô chỉ hơn hai triệu một tháng.

Thấy Út Lan trắng trẻo, lại có nghề nhàn hạ, nhiều trai quê tới tìm hiểu, cầu hôn. Đám nào Út cũng từ chối. Cô không muốn “sa” vào cuộc sống vất vả của một nàng dâu quê: “Út chỉ muốn lấy người có tuổi điềm đạm, biết lo liệu và chiều chuộng, bao dung vợ trẻ. Còn đám thanh niên thấy mười người nhậu nhẹt chơi bời hết chín. Ớn lắm!”.

Năm 21 tuổi, Út Lan lên Sài Gòn xin vào làm công nhân một xưởng may. Cuộc sống phố thị văn minh, nhộn nhịp càng củng cố quyết tâm “ly quê” của cô. Lại có nhiều thanh niên cùng quê hoặc bạn đồng nghiệp yêu mến tìm đến, nhưng Út Lan vẫn giữ mục tiêu lấy chồng lớn tuổi. Cô cũng trải qua vài cuộc tình với những người đàn ông nhiều tuổi hơn, nhưng chẳng đâu vào đâu. Người được mặt này thì hỏng mặt kia. Ví như một ông người Bắc độc thân 45 tuổi, không rượu chè, cờ bạc, nhưng lại khó tính, gia trưởng. Một ông cùng người miền Tây, buôn bán bất động sản giàu có, rất cưng chiều cô thì ghen kinh khủng, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người tình nhỏ mỗi khi thấy cô nói chuyện với ai là nam giới.

Mãi đến năm 26 tuổi, Út Lan gặp anh H., một người đàn ông hơn cô 20 tuổi, là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Củ Chi. Tuy H. thấp hơn Út Lan một chút, nhưng anh là người cởi mở, biết lo lắng cho vợ. Về ở với H. gần một năm, Út Lan sinh được cậu con trai. Anh H. bảo vợ bỏ nghề may, về nhà lo cơm nước cho chồng và đám thợ. Út Lan thấy vô cùng hạnh phúc khi được “ăn trắng, mặc trơn”, không phải lo tiền bạc, gạo muối. Tất cả đã có chồng lo. Những dịp nghỉ lễ tết, chồng thuê tắc xi đưa mẹ con cô về quê thăm nhà ngoại, tặng quà cho ba má, anh chị. Hàng xóm nhìn cô thán phục, rồi khuyên con cháu: “Tụi bây chống mắt lên coi. Có chồng như con Út sướng một đời”.

Niềm hạnh phúc kéo dài được hai năm thì tắt ngúm. Một ngày, có người phụ nữ từ miền Trung ghé tìm anh H. lấy tiền. Đó là bà vợ cả của H. từ Bình Định đưa con gái vào Sài Gòn thi đại học. Thất vọng ê chề vì bị lừa dối, Út Lan ôm con bỏ đi tìm nhà trọ ở Q.Gò Vấp, tiếp tục xin vào làm ở xí nghiệp may. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, con trai đến tuổi đi mẫu giáo mà cô không đủ tiền lo cho con, đành gửi về quê cho bà ngoại nuôi giúp.

Lay  chong…  gia

Rất lâu hai mẹ con mới gặp nhau ở quê ngoại

Năm 2012, vận may lại mỉm cười với Út Lan. Qua giới thiệu của người bạn chung xí nghiệp, Út Lan quen với một người đàn ông Hàn đã 54 tuổi. Lập tức, Út Lan được đưa đi mua sắm đủ thứ, từ bông tai, dây chuyền, nhẫn, lắc vàng… tới các bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền. Út Lan nói không biết tên chồng là gì, vì không đăng ký kết hôn. Cô chỉ biết kêu “ông xã” và ông chồng Hàn cũng kêu cô là “bà xã” bằng tiếng Việt. Người này buôn bán nhiều loại hàng hóa mỹ phẩm với một số đại lý trong thành phố, đi đâu cũng dắt “bà xã” theo lấy le. Được hơn một năm thì “ông xã” nói muốn về nước để lấy thêm hàng và tiền, ở Việt Nam người ta thiếu tiền hàng nhiều quá, hết cả vốn. Út Lan phải bán hết vàng mới lo được vé máy bay cho “ông xã”, hy vọng nửa tháng ông trở lại sẽ đền bù gấp đôi như lời hứa. Mười tháng trôi qua, “ông xã” lặn một hơi, không thư từ, điện thoại, không một tin nhắn. Cô cất công đi tìm những nơi hai người từng đến giao dịch, họ đều lắc đầu không biết.

Nỗi buồn lớn nhất của Út Lan không phải là “hai lần đò” lỡ, mà là cậu con trai kháu khỉnh, thông minh. Vì điều kiện làm ăn nên cô phải gửi con cho bà ngoại, chứ thực lòng cô muốn tự tay chăm sóc, dạy dỗ con theo cách của mình. Ở quê, bà ngoại cũng nghèo không thể bao bọc cho cháu. Út Lan mong kiếm được khá tiền để cho con ăn học, nhưng hiện tại thì còn vô vàn khó khăn. Tiền thuê quán mỗi tháng 1,5 triệu đồng, tiền ăn uống cho hai chị em… trăm thứ trông vào quán cà phê nhỏ của cô. Cũng có vài ông nông dân có mì, có bò sữa, có trại cá… mon men muốn kết thân và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Út Lan. Có lúc cô tính “nhắm mắt đưa chân”, nhưng mong ước “ly quê” lại làm cô chùn bước. Cô tự hứa với lòng mình sẽ xây dựng được một tổ ấm gia đình theo đúng nghĩa. Thằng cu Hậu đã bốn tuổi, ở với bà ngoại. Nó vừa gọi điện nhắc má nhớ gửi tiền về để bà ngoại mua cho cây súng nhựa và bộ quần áo bộ đội. Thương con lắm, Út Lan gom góp gửi năm trăm ngàn cho hai bà cháu. Quán mới mở, đầu tư cũng bộn tiền, lại bán chưa được bao lâu.

Cô nói vẫn hy vọng tìm được người chồng tử tế: “Em còn xinh đẹp, trẻ trung như vầy, chẳng lẽ không có ai thương sao?”. Chỉ có điều, lần này Út Lan không đề cập tới mục tiêu “chồng già”, vì có lẽ cô đã hiểu đâu cứ phải mấy ông già mới… đạt chuẩn!

 PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI