Nước mắt hạnh phúc trong những căn nhà mới

05/01/2018 - 15:18

PNO - Năm 2017, Hội LHPN TP.HCM đã vận động, xây tặng 133 mái ấm tình thương với tổng trị giá 5,7 tỷ đồng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM và các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Vĩnh Long…

Nuoc mat hanh phuc trong nhung  can nha moi
Gia đình chị Võ Thị Thanh nhận quà từ bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (bìa trái) và ông Huỳnh Văn Tẩn - Giám đốc quan hệ đối ngoại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (bìa phải)

Nước mắt ngày vui

Đứng đón khách đến trao tặng mái ấm tình thương, chị Phạm Thị Dung - nhà ở khu phố Phong Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ - vừa cười vừa khóc. Chị Sáu hàng xóm mắt cũng đỏ hoe: “Coi cái con nhỏ này. Ngày vui là chỉ có cười thôi. Quăng hết nước mắt ra biển cho mọi người nhờ”. Chị Dung bíu chặt tay chị Sáu: “Giờ em chỉ biết khóc thôi Sáu ơi. Vui mà cứ tưởng mình mơ miết…”. 

Đưa mọi người vào thăm nhà mới, miết từng ngón tay lên mỗi khuôn gạch men bóng loáng, vịn tay vào cánh cửa nhôm chắc chắn, chị Dung cứ tần ngần. Bởi chị còn nhớ rõ căn nhà mái tôn dột nát, một bên vách phải dựa tạm vào ngôi nhà hàng xóm, gió biển cứ lùa vào thông thốc từng cơn, nhiều đêm, ba mẹ con chị nằm ôm nhau mà vẫn run cầm cập. Không đếm nổi bao nhiêu đêm, nằm chong chong ngó trần nhà giữa khuya, chị Dung quệt từng hàng nước mắt thi nhau chảy, thương các con nhỏ không có được một đêm tròn giấc trong những hôm giông bão…

Là mẹ đơn thân, một nách hai con đang tuổi ăn tuổi học, mưu sinh là bài toán khó mỗi ngày của chị. Không có nghề nghiệp ổn định, sáng mở mắt ra là chị phải chạy đi tìm việc làm thuê: phụ rửa ly cho quán cà phê, rửa chén cho quán hủ tíu, thu nhập rất bấp bênh, có khi cả ngày chỉ kiếm được 40.000 đồng.

“Mình lớn rồi, ăn bậy cái gì cũng được, miễn qua bữa là xong. Chỉ thương hai đứa nhỏ nhiều hôm đói vàng mắt, có bữa bị xỉu ngay giữa lớp học. Làm mẹ mà phải nhìn cảnh con đói khát, xót xa vô cùng”. Nước mắt lại chảy trên khuôn mặt sạm nắng, gầy gò của người thiếu phụ một nắng hai sương.

Với những người thường xuyên phải đối mặt với khổ đau, dường như họ thường đón nhận niềm vui bằng nước mắt. Chị Võ Thị Thanh - ngụ tại số 231/10 ấp 3, xã Hiệp Phước, H. Nhà Bè, TP.HCM - cũng không ngoại lệ.  Chồng làm hồ, chị ở nhà trồng rau cải để bán, nuôi hai con đang học lớp 11 và lớp 9. Được cha mẹ cho miếng đất, chị và chồng dựng căn nhà mái và vách bằng lá, cột kèo bằng cây tạp làm chỗ “chui ra chui vô hằng ngày”. Nhưng khi thấy các con phải chạy đi lấy thau, lấy nồi hứng nước, rồi co ro túm tụm ngồi ngủ gục suốt đêm mưa, hai vợ chồng nghe cổ họng nghẹn đắng. 

Ngày vợ chồng chị Thanh được tặng nhà mới, bà Trần Thị Đẳng, gần 80 tuổi, cũng lụm cụm qua thăm con gái. Thấy chị Thanh cứ khóc miết, bà vuốt nhẹ sống lưng con: “Mồ tổ cha bây. Khóc gì mà khóc. An cư rồi thì giờ tiếp tục lo miếng cơm cho sắp nhỏ. Nhìn bây khóc, má rầu lắm. Mà rầu gì vào ngày vui bự tổ chảng hôm nay”. Mà thiệt, niềm vui quá đỗi to lớn. “Tui cứ tưởng mình nằm mơ hoài” - chị Thanh thiệt thà tâm sự. Quả thật, căn nhà tường, mái tôn, nền lát gạch men với tổng kinh phí xây dựng 50 triệu đồng là ước mơ khó bao giờ thành hiện thực với gia đình chị nếu không có sự chung tay gánh vác của cộng đồng.

“Gia đình tôi năm nay được ăn tết trong nhà mới. Tôi xin thay mặt các con gửi tấm lòng tri ân đến tất cả mọi người”. Nói đến đây, chị Vũ Thị Thu Nhường - trú tại số 60/11 Khai Trí, P.6, Q. Tân Bình, TP.HCM - òa khóc. Nhiều bà con lối xóm dự lễ trao tặng mái ấm tình thương cho chị Nhường cũng đưa tay quệt nước mắt. Nắm chặt tay chị Nhường, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - động viên: “Hy vọng căn nhà khang trang, ấm cúng được trao tặng vào những ngày giáp tết này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chị và gia đình vượt qua khó khăn”. 

“Từ nay con được ngủ ngon”

Mùa mưa năm 2016, đang ngủ thì nghe ầm một cái, căn nhà lá ngả nghiêng trong gió, từ đó, cứ mưa xuống, bà Ngô Thị Thơi - ngụ tại ấp Cống Đá, xã Thuận Thới, H. Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - lại dắt cháu ngoại Trần Hải Yến chạy qua nhà hàng xóm lánh tạm. “Con bé hay hỏi chừng nào mình được ngủ ngon, tui nghe mà xót ruột gan. Nhưng, cơm ngày hai bữa còn lo không được thì lấy đâu ra tiền xây nhà. Nên hôm nay được trao tặng nhà, tui mừng muốn chết” - bà Thơi nghẹn giọng. Đứng cạnh ngoại, Hải Yến (6 tuổi) hồn nhiên: “Mùa mưa này con với ngoại ngủ ngon, hết lo nhà sụp rồi”. 

Bà Thơi có năm người con đã lập gia đình, nhưng ai cũng nghèo. Không có ruộng vườn, bà Thơi phụ chồng chài cá, đan rổ, thúng bán hoặc làm cỏ vườn cam cho người ta. Cách đây sáu năm, chồng qua đời đột ngột, bà Thơi suy sụp hẳn, đi lại khó khăn, hai mắt mờ, tay trái tê cứng nên không thể làm gì được. Cha Yến bỏ đi, mẹ Yến qua Tây Ninh làm công nhân, Yến sống với bà ngoại hồi chưa tròn 3 tuổi.  

Hoàn cảnh gia đình bà Trần Thị Vệ - ngụ tại ấp Giồng Gòn, cùng xã Thuận Thới - cũng éo le không kém. Dìu con gái ra trước sân, đứng nhìn căn nhà khang trang vừa được bàn giao, bà Vệ thổ lộ: “Con gái tôi bị bại não, nay đã hơn 30 tuổi mà vẫn phải dìu từng bước. Bản thân tôi đau khớp, đi đứng khó, chỉ quanh quẩn trong nhà, chăm sóc con cháu. Nhà cũ nát bươm, không biết sụp lúc nào, may nhờ có hội phụ nữ, tôi mới có được căn nhà chắc chắn”. 

Còn nhiều, ngôi nhà đang được xây dựng ráo riết cho kịp bàn giao trước tết Mậu Tuất. Và sau đó, công việc này vẫn tiếp diễn, để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ nghèo khó có chỗ ở mới khang trang. 

Tâm Uyên - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI