Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện

03/07/2018 - 18:00

PNO - Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của từng gia đình.

Trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 21 - CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. 

Xay dung nguoi phu nu Viet Nam phat trien toan dien
Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM - chia sẻ tại tọa đàm “Làm thế nào để phụ nữ cân bằng giữa việc trong gia đình và việc ngoài xã hội” do Tiểu ban Công tác cán bộ nữ Q.Bình Tân, TP.HCM tổ chức.

Xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ 

Chỉ thị 21 khẳng định, trong tình hình mới, “Công tác phụ nữ (PN) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của từng gia đình. Xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. 

Trong đó, về vấn đề hoàn thiện luật pháp, chính sách, đảm bảo tính thực thi của hệ thống luật pháp, chính sách đối với PN, Chỉ thị 21 xác định, đây là nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Nghị quyết 11 đặt ra và đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ so với khu vực, thế giới. Trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đề cao tính minh bạch, nghiêm minh của pháp luật, thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị 21 tiếp tục đặt ra các nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu về tính đồng bộ, phù hợp với Hiến pháp của các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách liên quan tới PN, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em.

Đáng chú ý, Chỉ thị 21 đã nêu rõ các nhóm đối tượng PN cần phải có chính sách quan tâm phù hợp, hiệu quả, đó là nhóm PN ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, PN là người dân tộc thiểu số, PN khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, PN mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề cũng như nhóm PN khởi nghiệp, PN làm khoa học.

Về xây dựng người PN Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Chỉ thị 21 yêu cầu có các giải pháp cụ thể theo hai nhóm. Một là, nhóm PN đặc thù, bao gồm PN ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, PN là người dân tộc thiểu số, PN khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, PN mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề. Hai là, nhóm PN thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm PN làm lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân. Trong đó, nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao như là nhóm PN tiên phong tiêu biểu cho tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng của PN Việt Nam.

Các giải pháp để đạt tới sự “toàn diện” của PN cũng rất cụ thể: quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; xây dựng chương trình giáo dục quốc gia về gia đình, chú trọng giáo dục sớm, giáo dục tiền hôn nhân; phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non.... Chỉ thị cũng nêu rõ về công tác cán bộ nữ, về xây dựng tổ chức Hội LHPN Việt Nam vững mạnh, là nòng cốt trong công tác PN. 

Điểm mới đáng lưu ý là, Chỉ thị 21 đã cụ thể hóa việc định hướng chính sách phù hợp, khả thi, thiết thực cho các nhóm PN và nêu rõ các nhóm đối tượng PN cần phải có chính sách quan tâm phù hợp, hiệu quả; định hướng chính sách khuyến khích, hỗ trợ PN khởi nghiệp, thành lập hợp tác xã, tổ liên kết do PN làm chủ.

Chỉ thị 21 rất quan tâm đến nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách liên quan tới PN, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em. Bên cạnh đó, tinh thần của Nghị quyết 18 - NQ/TW Hội nghị Trung ương VI cũng được thể hiện rõ trong nội dung Chỉ thị 21 với nhiệm vụ đổi mới, kiện toàn bộ máy thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới, gia đình và trẻ em, bảo đảm liên thông, tinh gọn, hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện.

Mỗi hội viên, Phụ nữ làm gì để thực hiện tốt Chỉ thị 21?

- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
- Phát huy quyền làm chủ, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội với đầy đủ trách nhiệm của người làm chủ.
- Phấn đấu học tập, rèn luyện theo các tiêu chí người PN Việt Nam phát triển toàn diện, gắn với rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
- Phát hiện, phản ánh, hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời các điểm nóng, các vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến PN.
- Tích cực học tập và rèn luyện theo các gương điển hình tập thể, cá nhân PN tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thăng Long (theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI