Xây dựng Luật Giáo dục đại học sửa đổi để tạo hành lang cho các trường bứt phá

15/05/2025 - 11:05

PNO - Sáng 15/5, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý tối ưu.

Hội thảo diễn ra tại Trường đại học Luật TPHCM với sự tham dự của đại diện 52 cơ sở giáo dục đại học phía Nam.

Tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học bứt phá

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, đây là hoạt động có tính chiến lược khi Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi Luật Giáo dục đại học - văn bản pháp lý nền tảng định hướng cho sự phát triển dài hạn của toàn ngành giáo dục.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong những năm qua, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần được nhận diện và khắc phục. Bối cảnh mới đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc sửa đổi luật, trong đó có xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.

Xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng, lần sửa đổi này sẽ tạo hành lang pháp lý cho cơ sở giáo dục đại học bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại sự kiện - Ảnh: N.L
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: N.L

Ông cũng cho biết, độ dài của Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này chỉ bằng khoảng 50% so với Luật Giáo dục đại học 2018. Số lượng văn bản hướng dẫn tính theo trang cũng giảm khoảng một nửa nhằm đơn giản hóa, mạch lạc hóa hệ thống giáo dục đào tạo, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành.

Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) Bộ GD-ĐT thông tin, dự thảo tích hợp nội dung trùng lặp và bãi bỏ các quy định chi tiết về điều kiện mở ngành, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, quy trình tổ chức đào tạo chi tiết; giảm thiểu thủ tục hành chính, ít nhất 50% do tích hợp quy trình mở ngành với đăng ký hoạt động đào tạo theo chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện tự chủ trong phát triển và thực hiện chương trình đào tạo được cấp phép, trừ lĩnh vực sức khỏe, giáo viên, pháp luật, an ninh và quốc phòng…

Cần có chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành đặc thù

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - nêu đề xuất 6 chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Cụ thể: 1, là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; 2, định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; 3, định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; 4, tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục; 5, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; 6, đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Đáng chú ý, về nhóm chính sách 1 dự kiến quy định đối tượng áp dụng cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục có hoạt động giáo dục đại học. Các loại hình cơ sở giáo dục đại học: đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học, học viện...; tư cách pháp nhân của các đơn vị bên trong. Mô hình thì hiện có 2 cấp của đại học quốc gia và đại học vùng.

“Tự chủ đại học là quyền chủ động của các cơ sở giáo dục đại học trong quyết định các hoạt động theo quy định pháp luật; gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; Không còn áp dụng tự chủ có điều kiện (như luật hiện hành). Tự chủ - trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng là xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của giáo dục đại học”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh.

ông Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên phát biểu, góp ý tại sự kiện - Ảnh: N.L
Ông Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên TPHCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: N.L

Góp ý kiến tại hội thảo, ông Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho rằng, hiện nay các trường đại học đang hoạt động dưới sự ràng buộc của rất nhiều bộ luật khác nhau. Để gỡ vướng cho các trường hoạt động bứt phá thì ngoài việc tối ưu hóa Luật Giáo dục đại học cần tính toán gỡ các điểm vướng ở những bộ luật khác có liên quan, hoặc phải có quy định cụ thể trường đại học được áp dụng theo quy định Luật Giáo dục đại học trong trường hợp có vướng mắc ở những bộ luật khác…

“Có như vậy chúng ta mới có thể đột phá. Còn nếu Luật Giáo dục đại học quy định một đằng nhưng các luật khác lại quy định khác thì các trường rất khó thực hiện. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì các trường mới thực hiện được, nhất là khi có thanh tra, kiểm toán”, ông Quan nói.

Về chính sách học phí, học bổng, ông Quan góp ý, với các ngành đặc thù ngoài sư phạm, y tế… luật cần bổ sung thêm ngành khoa học cơ bản như lịch sử, lịch sử đảng, triết học, các ngành khoa học trái đất, môi trường... Vì đây là những ngành cấp thiết, nhu cầu tuyển dụng rất cao nhưng người học rất ít. Để tuyển được sinh viên, nhiều trường hạ điểm chuẩn xuống rất thấp, nên những ngành này khó có chuyên gia giỏi nếu không có chính sách hỗ trợ.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI