Học sinh cần được hỗ trợ tâm lý chứ không phải là răn đe

14/05/2025 - 06:02

PNO - Đó là nhận định của tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TPHCM - khi trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM xung quanh dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ GD-ĐT.

* Phóng viên: Theo dự thảo, hình thức kỷ luật cao nhất với học sinh vi phạm là nhắc nhở, viết kiểm điểm thay cho đình chỉ học tập như trước đây. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

- Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp: Tôi rất tán đồng đề xuất này của Bộ GD-ĐT. Điều này vốn phải được thực hiện sớm hơn vì đâu nhất thiết phải đình chỉ học sinh để giải quyết các vấn đề. Trẻ con không có lỗi, vì các em bị ảnh hưởng rất nhiều từ hoàn cảnh sống, gia đình và nhiều thứ xung quanh.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp

Kỷ luật gay gắt chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, việc học tập của trẻ chứ không mang lại giá trị gì. Ở lứa tuổi này, tâm lý các em còn chưa vững vàng. Khi gặp phải hình thức xử lý cao có thể để lại 1 dấu vết tiêu cực, ám ảnh cả đời. Thậm chí phá hủy cuộc đời của con người kể từ đó.

Giống như ngày xưa mình có hình thức xử phạt nêu tên trước cờ và toàn thể học sinh - một hình thức cực kỳ tệ hại, chỉ càng làm cho học sinh lún sâu vào sai phạm, tiêu cực, xấu hổ với bạn bè. Bộ GD-ĐT đã bỏ hình thức đuổi học và các hình thức xử lý tiêu cực thì hình thức đình chỉ cũng tương tự.

* Nhiều giáo viên, phụ huynh lo lắng rằng, khi không còn hình thức kỷ luật cao sẽ dễ xuất hiện tình trạng học sinh ngỗ nghịch, khó kiểm soát?

- Quan điểm này hoàn toàn sai. Trẻ ngỗ nghịch, vi phạm, tái phạm liên tục tức là trẻ có vấn đề về tâm lý. Nhà trường cần 1 phòng tư vấn tâm lý học đường đủ mạnh và chuyên nghiệp để hỗ trợ. Còn nếu giáo viên, chuyên viên của phòng cũng không hỗ trợ được thì đó là dấu hiệu các em đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, cần được thăm khám và chữa trị. Trẻ ngỗ nghịch là tiếng chuông cảnh báo rằng “Tôi có vấn đề rồi, ai hỗ trợ tôi đây?” chứ không phải là “Xử lý tôi như thế nào?”.

Phòng tư vấn tâm lý học đường đủ mạnh tức là nơi mà đội ngũ chuyên viên phải được đào tạo bài bản về tâm lý học đường hoặc tâm lý lâm sàng, chứ không phải ai vào cũng làm được. Đồng thời, ban giám hiệu nhà trường phải nghiêm túc xây dựng 1 căn phòng đúng chuẩn, đúng nguyên tắc đạo đức để các em học sinh cảm thấy tin tưởng khi những bí mật của mình được nói ra. Chỉ khi đó các em mới tự tin đến nói chuyện, chia sẻ chứ không phải sợ hãi hay áp lực. Điều này tốt cho tất cả đứa trẻ chứ không riêng gì trẻ ngỗ nghịch.

* Vậy với những lỗi được cho là nghiêm trọng như bạo lực học đường, nhà trường cần làm như thế nào để ngăn chặn và chấm dứt, thưa ông?

- Nguyên nhân lớn nhất của bạo lực học đường đến từ gia đình, các em có thể đang sống trong môi trường không hạnh phúc. Do đó, ban giám hiệu, thầy cô và gia đình cần có mối liên hệ chặt chẽ để giải quyết tận gốc. Trong quá trình này, cần phải đối xử công bằng và bảo vệ các em.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) tham gia chương trình kỹ năng ứng phó bạo lực học đường
Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) tham gia chương trình kỹ năng ứng phó bạo lực học đường

Vấn đề không nằm ở răn đe như thế nào, mà là khi trẻ có vấn đề phải được hỗ trợ đúng thời điểm. Nếu các em chưa sẵn sàng đến trường thì đừng gọi là đình chỉ mà tạm thời cho học sinh ở nhà thôi. Từ phía gia đình, phụ huynh có thể viết đơn xin cho con ở nhà để ổn định sức khỏe. Nhà trường cũng có thể liên hệ riêng với phụ huynh, nói rõ tình hình của các em và nhờ phụ huynh can thiệp, giữ em ở nhà để hỗ trợ nhà trường hoặc đưa học sinh đi trị liệu tâm lý.

Đơn giản là học sinh cần được nghỉ ngơi, cân bằng về mặt sức khỏe tinh thần, tâm lý để có thể tiếp tục học. Hình phạt gây ra những tai hại rất lớn. Không nhất thiết phải có 1 văn bản quyết định, có chữ ký của thủ trưởng đơn vị vì đó mới là cái nguy hiểm. Vẫn nội dung đó nhưng thay đổi hình thức thì trở thành sự thương lượng, hỗ trợ qua lại.

Cũng không cần phải nêu gương bạn bè hoặc ai đó để học sinh học theo. Nêu gương những vị lãnh tụ vĩ đại là điều đúng đắn, giá trị. Nhưng nếu nêu gương bạn bè thì dễ đặt đứa trẻ vào suy nghĩ “mình rất kém nên mới cần học theo”. Điều này kinh khủng với 1 đứa trẻ, khiến các em thấy mình tệ hơn, ức chế, khó chịu.

Chương trình mới cũng đã nhấn mạnh vào việc phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh và chúng ta phải thừa nhận phẩm chất năng lực của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Con người là vũ trụ thu nhỏ, không ai bắt chước được ai.

* Ông có đề xuất gì để nhà trường quản lý học sinh tốt nhất, hạn chế tối đa những sự vụ nghiêm trọng cần xử lý kỷ luật?

- Thầy cô, nhà trường cần chú trọng thực hiện các chương trình, bộ môn về kỹ năng sống, giải quyết vấn đề. Đặc biệt là giáo dục về cảm xúc cho học sinh, để các em có thể tự giải tỏa căng thẳng từ khi mới nhen nhóm; hỗ trợ, nâng đỡ để các em vượt qua. Trẻ em ngày xưa được chơi các trò chơi vận động, được tiếp xúc với thiên nhiên nên đỡ căng thẳng tâm lý. Còn trẻ em bây giờ tốn nhiều thời gian cho việc học, hạn chế vận động, tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều nên dễ căng thẳng hơn.

Nhà trường phải lắng nghe, chấp nhận, thấu hiểu, ở bên cạnh, đi cùng những đứa trẻ để các em cân bằng và hồi phục trở lại. Phải cho các em giá trị để bảo vệ giá trị của mình. Còn nếu mình tước đi giá trị, nói “em dở, em tệ” thì còn gì để bảo vệ. Càng vùi dập thì các em lại càng lún sâu…

* Xin cảm ơn ông.

Trang Thư (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI