Những người nối nhịp nghĩa tình

07/08/2016 - 09:08

PNO - Nhiều cán bộ cơ sở tại Q.5, TP.HCM dù tuổi cao vẫn kiên trì đi sớm về khuya gây dựng phong trào, xây “nhịp cầu” nghĩa tình, kết nối chặt chẽ chị em hội viên (HV), phụ nữ (PN) với Hội.

Nặng lòng với người nghèo

Hơn 10 năm nay, hình ảnh dì Đào Thị Nhung (SN 1951), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hội Mẹ truyền thống Q.5 chạy chiếc xe máy cũ vòng quanh các tuyến đường, con hẻm hỏi thăm tình hình đời sống, sức khỏe của các dì, các mẹ đã trở nên thân thuộc với người dân Q.5. Có hôm, dì chạy một mạch lên nhà thăm, hỗ trợ khi hay tin một dì (ngụ P.2) bị trượt té gãy chân không đi lại được. Hôm khác, dì vận động nhà hả o tâm giúp ngay một sổ tiết kiệm cho bà cháu bé Bùi Thị Thanh Thảo (ngụ P.1) vì xót cảnh bà mắc bệnh ung thư, cháu côi cút...

Không chỉ nặng lòng với PN nghèo, dì Nhung còn là “cây sáng kiến” của CLB. Những năm đầu mới thành lập, CLB Hội Mẹ truyền thống Q.5 chưa tới 300 thành viên, nhưng nay con số này đã hơn 1.000. Để hoạt động của CLB phong phú, sinh động, dì phát động phong trào tập thể dục dưỡng sinh, văn nghệ, khuyến khích các mẹ tiết kiệm tối thiểu 1.000đ/ngày nuôi heo đất gây quỹ giúp HV vay không lãi. Song song đó, trong nhiệm kỳ qua (2011-2016), dì mạnh dạn đề xuất 15 CLB Hội Mẹ truyền thống (15 phường) thực hiện công trình mỗi phường một suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK) cho học sinh, sinh viên hiếu học, một sổ tiết kiệm “chia khó” với thanh niên vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Chỉ tính riêng năm 2015 và sáu tháng đầu năm 2016, 15 CLB đã huy động được 47 suất học bổng NTMK và 35 sổ tiết kiệm (500.000 - 1.000.000đ/sổ). Dì Nhung bộc bạch: “Tôi luôn tâm niệm Hội phải hoạt động vì tình thương, trách nhiệm. Tuy lớn tuổi, sức khỏe hạn chế, nhưng tôi luôn mong muốn tiếp tục được góp một ngọn lửa nhỏ trong ngôi nhà chung mang tên Hội”.

Đọc báo, làm thơ tuyên truyền hoạt động Hội

Vừa bước tới bậc cửa căn nhà nhỏ trên đường Tân Hưng (P.12, Q.5), đã nghe giọng ngâm thơ trong trẻo, truyền cảm vọng xuống từ căn gác: “Tôi chỉ là người cao tuổi thôi/ Quyết tâm dâng hiến trọn cho đời...”. Tác giả của những câu thơ này là dì Hai Dân (Võ Thị Bình Dân, SN 1934), Chi hội trưởng chi Hội PN KP.2 P.12. Năm 1980, dì Hai Dân bắt đầu tham gia hoạt động Hội, kiêm nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố 10, KP.2, P.12, Q.5.

Nhung nguoi noi nhip nghia tinh
Dì Hai Dân đọc báo, làm thơ để tuyên truyền hoạt động Hội

Đọc báo Phụ Nữ từ những năm 80 của thế kỷ trước đến tận bây giờ, mấy lần báo tăng kỳ, tăng trang, dì Hai Dân đều nhớ rõ. Bài nào viết về gương người tốt việc tốt, những vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục… dì cắt ra xếp theo từng nhóm chủ đề rồi chia sẻ cho HV. Dì cũng dành nhiều thời gian làm thơ có nội dung tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy… đọc vào dịp sinh hoạt chi, tổ Hội. Từ khoản tiền con cháu biếu và lương, dì Hai Dân nuôi ba con heo đất. Trong đó, dì dành hẳn một con đóng góp quỹ học bổng NTMK, cho HV vay (không lãi) trang trải khi đau ốm, đóng học phí cho con.

Dì nói, phương châm công tác của dì gói gọn trong bốn câu thơ: “Lấy dân làm gốc lời Bác dạy/ Ghi nhớ luôn luôn để thực hành/ Thu phục nhân tâm là bí quyết/ Việc khó đến đâu ắt cũng thành”.

Đồng hành cùng chị em

Đến tổ 34, KP.6, P.10, Q.5 hỏi nhà dì Phương Thục Phân (SN 1953), Ủy viên Ban Thường vụ LHPN P.10, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác PN Hoa 34, ai cũng biết. Ở đây, dì được đánh giá là một cán bộ người Hoa đa năng, sống nặng nghĩa nặng tình với HV.

Nhung nguoi noi nhip nghia tinh
Dì Phương Thục Phân (trái) được mẹ chia sẻ kinh nghiệm trong ứng xử với chị em HV người Hoa

Tổ 34 có 35 hộ dân, trong đó hơn 20 hộ người Hoa (mỗi hộ gồm hai-năm gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống). Đây là khu vực người dân chủ yếu làm hàng thủ công, buôn bán nhỏ. Để “rủ rê” chị em đến với Hội, dì Phân chủ động đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh và lên phương án hỗ trợ cụ thể. Chẳng hạn, ai thiếu vốn, dì vận động giúp vốn buôn bán; nhiều mối xích mích, bất hòa, dì nhẹ nhàng hòa giải; một số chị em khó khăn về nhà ở, dì kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ xây mái ấm tình thương...

Nếu trước đây rất ít PN Hoa tổ 34 mặn mà với Hội thì nay tỷ lệ thu hút HV đã đạt 100%. Dì Phân thổ lộ: “Thành quả này giúp tôi có thêm động lực đồng hành cùng chị em. Trong thời gian tới, tôi hy vọng có thể tạo được sự gắn kết giữa Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên và các ban ngành khác mở lớp dạy kèm miễn phí cho các em học sinh còn yếu kém”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI